Hiện nay, thủ kho là một công việc đòi hỏi các tiêu chí, điều kiện rất nhiều. Vậy công việc của thủ kho là làm những gì? Dưới đây là mẫu Bảng mô tả công việc nhân viên thủ kho mới nhất:
Mục lục bài viết
1. Mẫu Bảng mô tả công việc nhân viên thủ kho mới nhất:
Mẫu số 01:
Bảng mô tả công việc nhân viên Thủ kho:
Thực hiện thủ tục xuất nhập hàng
Kiểm tra các chứng từ yêu cầu nhập / xuất hàng theo đúng quy định.
Thực hiện việc nhập và xuất hàng cho cá nhân liên quan.
Nhận các chứng từ giao hàng, yêu cầu xuất hàng, lưu và chuyển cho bộ phận mua hàng hoặc kế toán theo quy định.
Theo dõi hàng hóa xuất nhập tồn
Ghi phiếu nhập,
Trực tiếp nhập phiếu xuất vào phần mềm.
Theo dõi số lượng xuất nhập tồn hàng ngày và đối chiếu với định mức tồn kho tối thiểu.
Theo dõi hàng tồn kho tối thiểu
Đảm bảo tất cả các loại hàng hóa phải có định mức tồn kho tối thiểu.
Nếu số lượng hàng hóa xuất / nhập biến động, phải đề xuất Giám Đốc thay đổi định mức tồn kho tối thiểu cho phù hợp.
Theo dõi số lượng tồn kho tối thiểu hàng ngày.
Thực hiện thủ tục đặt hàng của kho
Định kỳ theo kế hoạch lập các phiếu yêu cầu mua hàng hoặc đơn hàng nhập khẩu.
Theo dõi quá trình nhập hàng, đôn đốc việc mua hàng.
Trực tiếp làm thủ tục mua hàng và theo dõi nhập hàng.
Sắp xếp hàng hóa trong kho
Trực tiếp sắp xếp các loại hàng hóa trong kho.
Sắp xếp hàng hóa tránh bị ướt, đổ vỡ…
Lập sơ đồ kho và cập nhật sơ đồ kho khi có phát sinh hàng hóa.
Đảm bảo tiêu chuẩn hàng hóa trong kho
Sắp xếp hàng hóa trong kho đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Với loại hàng mau hư thì phải quản lý theo nguyên tắc nhập trước xuất trước FIFO (First In First Out).
Tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và an toàn trong kho
Tuyệt đối đảm bảo quy tắc PCCC trong kho.
Định kỳ hàng tháng kiểm tra lại các kệ hàng tránh kệ bị gãy đổ…
Mẫu số 02:
Bảng mô tả công việc nhân viên Thủ kho số:
Lập và hoàn thiện
Nhận và xử lý sản phẩm tồn trong kho.
Tiến hành quản lý hàng tồn kho và bảo quản hàng hóa theo tiêu chuẩn chất lượng.
Dọn dẹp môi trường làm việc sạch sẽ, an toàn và tối ưu hiệu quả sử dụng không gian.
Ghi chép nhật ký hàng tồn kho hàng ngày.
Báo cáo khi phát sinh sai lệch.
Giao tiếp và hợp tác với giám sát viên và đồng nghiệp.
Vận hành và bảo dưỡng các phương tiện và thiết bị của bộ phận kho.
Thực hiện theo tiêu chuẩn chất lượng, các thủ tục và quy định
2. Thủ kho là gì?
Thủ kho được hiểu là người đảm nhận vai trò quản lý hàng hóa trong kho, cụ thể là về số lượng hàng hóa, tình trạng của hàng hóa cũng như các công đoạn từ lúc hàng được chuyển vào kho, xuất hàng ra khỏi kho và thống kê tồn kho.
Thủ kho đóng một vai trò rất quan trọng trong các công ty, cửa hàng. Bất kể một đơn vị, một cửa hàng nào cũng có nhu cầu quản lý và cân đối các nguyên vật liệu, nắm bắt được cụ thể số lượng hàng hóa cũng như kiểm soát đầu ra, đầu vào, tình trạng của sản phẩm, hàng hóa ra sao để nhằm mục đích đảm bảo cho các hoạt động kinh doanh diễn ra trơn tru, có hiệu quả, chính vì vậy, để đạt được kết quả đó thì phải cần có một người nắm giữ, trông coi, quản lý kho hàng, người đó chính là thủ kho.
3. Chức năng, nhiệm vụ của thủ kho:
Mọi loại hình doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ trong hay ngoài nước đều cần có nhân viên thủ kho để quản lý vật tư và các nguồn nguyên liệu, sản phẩm, hàng hóa. Hiện nay không chỉ các công ty, xí nghiệp lớn mà cả những công ty vừa và nhỏ cũng có nhu cầu trong việc tuyển dụng nhân viên thủ kho rất lớn. Vì vậy mà vị trí này được tuyển dụng liên tục, cơ hội việc làm cũng như thăng tiến được đánh giá cao. Trên cơ sở thực tế chung, có thể hiểu thủ kho có chức năng, nhiệm vụ như sau:
– Thực hiện các thủ tục xuất – nhập hàng hóa:
+ Trực tiếp hoặc hướng dẫn việc bốc xếp hàng theo yêu cầu xuất – nhập.
+ Trực tiếp kiểm đếm hàng, ghi phiếu nhập – xuất kho, lưu thông tin vào phần mềm quản lý.
+ Kiểm tra kỹ tính hợp lệ của các chứng từ yêu cầu xuất – nhập hàng.
+ Lưu các chứng từ giao hàng, yêu cầu xuất hàng và chuyển bộ phận kế toán.
– Quản lý số lượng hàng tồn kho:
+ Thực hiện theo dõi số lượng hàng ra, hàng vào mỗi ngày.
– Quản lý quá trình đặt hàng tại kho:
+ Lập các phiếu yêu cầu mua hàng theo định kỳ.
+ Trong quá trình nhập hàng phải tiến hành đôn đốc việc mua hàng hóa cũng như làm thủ tục, theo dõi quá trình nhập hàng.
+ Phối hợp bộ phận liên quan để kiểm tra chất lượng hàng.
– Thực hiện sắp xếp, bảo quản hàng hóa trong kho:
+ Trực tiếp thực hiện hoặc hướng dẫn nhân viên sắp xếp hàng hóa trong kho theo đúng sơ đồ để dễ quản lý.
+ Đảm bảo hàng hóa được xếp đúng vị trí, không bị đổ, vỡ, hoặc sắp xếp không đúng loại,…
+ Đảm bảo hàng hóa được bảo quản đúng và đủ.
– Đảm bảo an toàn trong kho:
+ Kiểm soát và thực hiện đúng quy định về phòng cháy chữa cháy trong kho hàng, đặc biệt là kho hàng chứa những mặt hàng dễ cháy, nổ.
+ Kiểm tra hàng hóa thường xuyên, trường hợp phát hiện khung hay kệ chứa hàng hỏng hóc thì có biện pháp xử lý kịp thời.
+ Đảm bảo chặt chẽ số lượng người ra vào trong kho.
– Thực hiện một số đầu các công việc khác theo quy định của công ty, doanh nghiệp.
4. Một số điều kiện, yêu cầu của một người làm thủ kho:
Đội ngũ thủ kho phải có khả năng tính toán tốt, nhạy bén, quan sát chi tiết tỉ mỉ để thống kê chuẩn xác lượng tài sản nhập xuất, tồn đọng trong các cửa hàng, doanh nghiệp. Do đó, để trở thành một thủ kho chuyên nghiệp thì cá nhân cần có những điều kiện, yêu cầu như sau:
– Có kỹ năng sắp xếp và tổ chức:
Kho hàng mục đích dùng để sắp xếp các sản phầm, hàng hóa của công ty. Số lượng hàng hóa bao giờ cũng rất nhiều nên việc sắp xếp hàng hóa là điều kiện rất cần thiết. Làm thế nào để sắp xếp cho khoa học, cho hợp lý? Đây là vấn đề đòi hỏi một kỹ năng, kinh nghiệm cũng như tố chất.
Trường hợp nếu như sắp xếp hàng hóa, sản phẩm không được hợp lý, có quy củ thì rất khó khăn trong các hoạt động vận hành sau này.
Do đó, thủ kho cần phải đòi hỏi khả năng, kỹ năng trong việc sắp xếp, tổ chức kho hàng. Bởi chính thủ kho là người sẽ phải chịu trách nhiệm điền vào thủ tục nhận hàng, kiểm tra tình trạng hàng hóa, xuất hóa đơn, dán nhãn hàng hóa theo yêu cầu của quản lý kho và thực hiện các biện pháp khắc phục cần thiết.
– Có một sức khỏe tốt:
Làm công việc thủ kho không giống như làm văn phòng ngồi bàn giấy suốt 8 tiếng giờ hành chính. Thủ kho phải lao động cả về chân tay, đôn đáo đi lại kiểm tra hàng hóa, thậm chí là đi lại và đứng nhiều giờ đồng hồ, có những lúc còn phải phụ trách nâng đỡ, bê vác hàng hóa. Do vậy, phải có sức khỏe tốt mới có thể đảm nhận trách nhiệm thủ kho, làm việc mới đạt được hiệu quả cao.
– Thông thạo các kỹ năng phần mềm máy tính:
Làm thủ kho, ngoài việc đôn đốc kiểm tra hàng hóa thì còn phải đảm nhận phần công việc khác là nhập liệu số lượng hàng hóa vào phần mềm.
Do đó, thủ kho còn phải đòi hỏi khả năng nắm bắt và thông thạo các thao tác trên phần mềm máy tính, đặc biệt là Word và Excel. Từ đó, sẽ giúp công việc được thuận lợi và nhanh chóng hơn rất nhiều.
– Kỹ năng quản trị rủi ro: Là thủ kho cần có khả năng phân tích, nhận định được các rủi ro có thể xảy ra với hàng hóa hoặc kho bãi.
– Ngoài những kỹ năng trên, thủ kho còn cần một số tiêu chuẩn khác như:
+ Cẩn thận, tỉ mỉ.
+ Thành thạo ít nhất một phần mềm quản lý kho.
+ Có khả năng làm việc độc lập cũng như làm việc nhóm.
+ Có sự linh hoạt trong công việc.
+ Có kinh nghiệm làm việc ở vị trí nhân viên kho.
+ Sử dụng thành thạo phần mềm, cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý kho.
+ Kỹ năng hệ thống hoá sổ sách, thông tin.
Tiêu chuẩn này sẽ phụ thuộc vào điều kiện, tiêu chí của phía bên tuyển dụng công ty.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đặt ra các yêu cầu tuyển dụng với vị trí thủ kho, bao gồm:
– Tốt nghiệp Trung cấp trở lên với chuyên ngành Thương mại, Kinh tế hoặc Kế toán.
– Giới hạn độ tuổi lao động tối thiểu từ bao nhiêu tuổi trở lên (thông thường từ 18-22 tuổi trở lên).
– Có kỹ năng, kinh nghiệm làm việc ở lĩnh vực quản lý kho.
– Thành thạo tin học văn phòng và các phần mềm quản trị, quản lý kho bãi.
– Điều kiện về đạo đức, nhân cách như hòa đồng, có trách nhiệm với công việc.
– Trung thực, có trách nhiệm, có tính kỷ luật.
– Chịu được áp lực cao trong công việc.