Khái quát về cầm cố tài sản và bên nhận cầm cố tài sản? Quyền của bên nhận cầm cố theo Bộ luật dân sự? Nghĩa vụ của bên nhận cầm cố theo Bộ luật dân sự?
Trong một quan hệ pháp luật cụ thể, chủ thể luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu, là cá nhân, pháp nhân thực hiện các hành vi làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp trong quan hệ cầm cố tài sản, một trong những giao dịch bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phổ biến và chứa đứng nhiều vấn đề pháp lí thú vị. Chủ thể trong giao dịch cầm cố xuất phát từ hai bên: bên cầm cố và bên nhận cầm cố. Nếu như trong một bài viết khác, Luật Dương Gia đã nói về quyền và nghĩa vụ của bên cầm cố thì trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ tập trung phân tích về quyền và nghĩa vụ của bên nhận cầm cố, làm cơ sở tham khảo hữu ích cho người đọc.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài trực tuyến 24/7: 1900.6568
Cơ sở pháp lý:
1. Khái quát về cầm cố tài sản và bên nhận cầm cố tài sản?
Trong Bộ luật dân sự năm 2015, tại Điều 309 thì: “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”. Việc chuyển giao tài sản bảo đam trong cầm cố là chuyển giao thực tế, do đó chỉ được coi là hoàn thành nghĩa vụ chuyển giao tài sản khi bên nhận cầm cố hoặc người thứ ba được bên nhận cầm cố ủy quyền để giữ tài sản.
Chủ thể các biện pháp cầm cố tài sản là các bên tham gia vào
Nói một cách dễ hiểu hơn về bên nhận cầm cố tức là, bên nhận cầm cố là bên nhận tài sản từ bên cầm cố để bảo đảm cho quyền và lợi ích của mình trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ. Bên nhận cầm cố bao giờ cũng là bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp cầm cố đó.
Bên nhận cầm cố phải thỏa mãi các điều kiện là chủ thể của hợp đồng dân sự. Đối với cá nhân phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Đối với pháp nhân phải có năng lực pháp luật và người đại diện hợp pháp phải thỏa mãn các điều kiện của cá nhân thực hiện giao kết hợp đồng cầm cố.
2. Quyền của bên nhận cầm cố theo Bộ luật dân sự?
Với việc chuyển giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố, quyền chiếm hữu tài sản của bên cầm cố tạm thời bị đình chỉ và có thể bị tước đoạt kể cả quyền sở hữu. Việc bảo đảm bằng vật quyền đã tạo cho bên nhận cầm cố thông qua hành vi của họ thực hiện quyền mà không lệ thuộc vào hành vi của người khác. Tuy nhiên, quyền này mang tính chất hạn chế.
Quyền của bên nhận cầm cố được quy định cụ thể tại Điều 314 Bộ luật dân sự, cụ thể như sau:
Thứ nhất, yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó. Đây là quyền của người nhận cầm cố nói riêng và là quyền của người chiếm hữu hợp pháp nói chung đối với tài sản. Với tư cách đó, người nhận cầm cố có quyền đòi lại vật đó ở bất cứ người nào. Quyền yêu cầu hoàn trả tài sản là một quyền tuyệt đối. Bình thường, cả chủ sở hữu cùng người chiếm hữu hợp pháp đều có thể thực hiện quyền này, cũng có thể họ thực hiện quyền một cách riêng biệt hoặc cùng thực hiện. Bên cầm cố đã giao tài sản cho bên nhận cầm cố chiếm hữu, vì vậy, bên nhận cầm cố cũng như bên cầm cố đều có thể thực hiện quyền này.
Thứ hai, xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Xử lý tài sản cầm cố được thực hiện nếu bên cầm cố không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ hoặc theo thỏa thuận. Yêu cầu này chỉ được đặt ra khi đến thời hạn mà nghĩa vụ chính không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng, nhằm qua đó để thỏa mãn quyền được thanh toán các khoản lợi ích vật chất của người nhận cầm cố. Xử lý tài sản cầm cố là áp dụng biện pháp cuối cùng để thanh toán nghĩa vụ cho bên có quyền.
Xuất phát từ nguyên tắc tự nguyện của các bên khi tạo lập nghĩa vụ của các bên có thể thỏa thuận về phương thức xử lý. Có rất nhiều cách xử lý khác nhau nhưng thông thường các bên thỏa thuận:
– Tài sản cầm cố sẽ thuộc sở hữu của bên nhận cầm cố nếu qua một thời gian nhất định bên cầm cố không thực hiện nghĩa vụ của họ.
– Bán đấu giá tài sản cầm cố (theo thỏa thuận hoặc theo luật định).
Thứ ba, được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận. Việc cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức của bên nhận cầm cố không phát sinh đương nhiên, nó phải được sự đồng ý của bên cầm cố (chủ sở hữu tài sản). Việc thỏa thuận, đồng ý phải được thể hiện ngay trong hợp đồng cầm cố được tạo lập trước khi hợp đồng được hình thành và được coi là nội dung của hợp đồng.
Thứ tư, được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố. Trong thời hạn giữa tài sản cầm cố, người chiếm hữu tài sản phải bảo quản, giữ gìn để tài sản không bị hư hỏng, mất mát. Tuy nhiên, khi người nhận cầm cố phải bỏ ra các chi phí để bảo quản tài sản thì thực chất họ đã thực hiện một công việc thay cho bên cầm cố. Vì vậy, họ hoàn toàn có quyền yêu cầu người cầm cố thành toán lại cho mình các khoản chi phí cần thiết trong việc bảo quản, giữ gìn tài sản.
Việc thành toán các khoản chi phí này được tiến hành cùng thời điểm với việc thành toán món nợ trong nghĩa vụ chính và trả lại tài sản cầm cố. Chí phí do hai bên tự thỏa thuận.
3. Nghĩa vụ của bên nhận cầm cố theo Bộ luật dân sự?
Theo nguyên tắc chung, bên có nghĩa vụ phải thực hiện một hành vi tương ứng với quyền yêu cầu thực hiện hành vi đó của bên có quyền và ngược lại. Nghĩa vụ của người nhận cầm cố trên cơ sở quyền của bên cầm cố được quy định tại Điều 313 Bộ luật dân sự, cụ thể:
Thứ nhất, bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất, thất lạc hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố. Việc nhận tài sản cầm cố để sau đó hoàn trả chính tài sản đó mặc nhiên đã kéo theo nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn trong suốt thời gian chiếm hữu của bên nhận cầm cố. Vì vậy, khi nhận tài sản bên nhận cầm cố phải kiểm tra xác định tài sản, số lượng, chất lượng,.. Thông thường tài sản cầm cố là những vật nhỏ có giá trị và không cần những điều kiện đặc biệt để bảo quản. Tuy nhiên, nếu tài sản phải bảo quản ở những điều kiện nhất định thì dĩ nhiên, người nhận cầm cố phải bảo quan theo đúng điều kiện tiêu chuẩn đối với tài sản đó. Nghĩa vụ này đã được bổ sung so với nghĩa vụ được quy định trong
Thứ hai, không được bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác. Tài sản cầm cố chỉ được dịch chuyển từ bên cầm cố cho bên nhận cầm cố chiếm hữu mà không có thêm bấy cư quyền năng nào khác. Việc chuyển giao không làm phát sinh quyền sở hữu của bên nhận cầm cố đối với tài sản cầm cố. Do vậy, việc dịch chuyển này được xem là bất hợp pháp trong bất cứ trường hợp nào, họ có thể bị tước đoạn quyền đòi lại tài sản.
Thứ ba, không được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Quyền cho thuê, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố của người nhận cầm cố không phải quyền đương nhiên mà phát sinh dựa trên thỏa thuận và phải được bên cầm cố đồng ý. Vì về bản chất, người nhận cầm cố không phải là chủ sở hữu của tài sản cầm cố, họ không có bất cứ quyền năng nào ngoài quyền chiếm hữu.
Thứ tư, trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác. Cầm cố với chức năng bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ chính và chúng chỉ được áp dụng xử lý khi nghĩa vụ chính không được thực hiện hay thực hiện không đúng nhằm bảo đảm quyền lợi cho bên có quyền. Vì vậy, khi nghĩa vụ chính đã được thực hiện xong thì vai trò bảo đảm, mục đích bảo đảm mặc nhiên không cần nữa, từ đó đặt ra yêu cầu về nghĩa vụ trả lại tài sản cầm cố và nghĩa vụ liên quan.
Bên cạnh đó, trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan còn thực hiện trong trường hợp biện pháp cầm cố được thay thế bằng một biện pháp bảo đảm khác. Vấn đề này thay thể biện pháp bảo đảm nằm trong phạm vi quyền tự định đoạt của các chủ thể trong quan hệ hợp đồng.