Chồng có được tự ý bán tài sản chung không? Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Chồng tự ý bán tài sản chung của hai vợ chồng thì giao dịch đó có vô hiệu không?
Chồng có được tự ý bán tài sản chung không? Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Chồng tự ý bán tài sản chung của hai vợ chồng thì giao dịch đó có vô hiệu không?
Tóm tắt câu hỏi:
Gia đình tôi có tài sản 10 con bò (trị giá khoảng 200 triệu) là của cha mẹ tôi. Tuy nhiên, gần đây cha tôi đã tự 1 mình quyết bán đi 3 con mà chưa có sự thống nhất giữa các thành viên trong gia đình (vì bán quá rẻ hay nói cách khác cha tôi bị lừa). Cứ 1 lần bán 1 con, xong rồi gia đình mới biết. Vì khi bán xong xuôi rồi, mẹ tôi mới biết sự việc. Gia đình tôi cũng như mẹ tôi nếu báo cho chính quyền thì làm như thế nào? Vậy những tài sản còn lại mẹ tôi, gia đình tôi làm như thế nào để giữ tài sản đúng luật? Những người mua bò (mua tài sản đó) có bị vi phạm pháp luật không? Vì khi chúng tôi nói báo cho Công an, họ còn thách thức. Còn cha tôi thì không được khôn ngoan cho lắm nên họ luôn tìm cách mua tài sản với giá rẻ.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật hôn nhân và gia đình 2014
2. Nội dung tư vấn:
Theo như bạn trình bày, đàn bò 10 còn là tài sản chung của bố mẹ bạn. Việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng thực hiện theo quy định tại Điều 35 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
"Điều 35. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung
1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:
a) Bất động sản;
b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;
c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình."
Như vậy, việc cha bạn tự ý bán đàn bò là tài sản chung của bố mẹ bạn mà không được sự đồng ý của mẹ bạn (lúc bán mẹ bạn không hề biết) là không đúng quy định pháp luật. Bởi đây là tài sản chung của bố mẹ bạn, khi định đoạt phải được cả bố mẹ bạn đồng ý thì giao dịch có hiệu lực pháp luật.
>>> Luật sư tư vấn chồng có được tự ý bán tài sản chung không: 1900.6568
Đồng thời, cha bạn cũng không được khôn ngoan (có vấn đề về khả năng nhận thức,…) nên những người mua bò luôn tìm cách mua với giá rẻ. Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
+ Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
+ Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Như vậy, nếu cha bạn là người không có năng lực pháp luật dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi đồng thời giao dịch này không có sự đồng ý của mẹ bạn thì giao dịch mà bố bạn tự thực hiện sẽ bị tuyên bố là vô hiệu, tức là không có hiệu lực pháp luật.
Nay mẹ bạn có quyền khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi những người mua bò đang cư trú để yêu cầu giải quyết. Hậu quả của giao dịch vô hiệu là hai bên sẽ trả lại cho nhau những gì đã nhận, bố bạn trả lại tiền cho những người mua bò, những người mua bò trả lại bò cho gia đình bạn.