Chấm dứt thực hiện hợp đồng nhưng không có giấy tờ thanh lý. Trả lại tài sản thuê khoán.
Chấm dứt thực hiện hợp đồng nhưng không có giấy tờ thanh lý. Trả lại tài sản thuê khoán.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính chào Luật sư: Năm 1996, tôi có thuê khoán một chiếc tàu vận tải 70 tấn của Dì ruột và có Hợp đồng rõ ràng. Trong Hợp đồng có ghi nội dung là hàng tháng tôi phải trích khấu hao tàu cho Dì là 8 triệu đồng/tháng. Sau 1 năm (cụ thể là năm 1997), do làm ăn không có lãi, tôi đã trả lại tàu cho Dì tôi nhưng do quan hệ họ hàng nên không có Hợp đồng thanh lý. Đến năm 2015, Dì tôi có kiện tôi ra tòa với hai mục đích:
+ Đòi lại tài sản là chiếc tàu trên.
+ Đòi số tiền trích bỏ khấu hao 8 triệu/tháng tính từ năm 1997 đến nay. Số tiền tương đương khoảng trên 2 tỷ. Vậy, kính thưa luật sư, tôi muốn hỏi hai điều như sau:
+ Dì tôi có căn cứ để đòi lại Tàu vận tải trên không.
+ Tôi tìm hiểu thì Đối với Hợp đồng dân sự thì có thời hiệu khởi kiện là 2 năm tính từ ngày phát sinh mâu thuẫn.
Vậy với trường hợp của tôi, thời hiệu để khởi kiện khoản tiền trích khấu hao hàng tháng là 8 triệu từ năm 1997 đến nay có còn hiệu lực không. Mong được luật sư tư vấn. Tôi xin chân thành cảm ơn!?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Hợp đồng thuê khoán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản đó và có nghĩa vụ trả tiền thuê.
Tranh chấp xảy ra năm 2015 nên áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011.
Điều 510, Điều 511 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê khoán và việc trả lại tài sản thuê khoán như sau:
“Điều 510. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê khoán
1. Trong trường hợp một bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì phải báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý; nếu thuê khoán theo thời vụ hoặc theo chu kỳ khai thác thì thời hạn báo trước phải phù hợp với thời vụ hoặc chu kỳ khai thác.
2. Trong trường hợp bên thuê khoán vi phạm nghĩa vụ, mà việc khai thác đối tượng thuê khoán là nguồn sống duy nhất của bên thuê khoán và việc tiếp tục thuê khoán không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của bên cho thuê khoán thì bên cho thuê khoán không được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng; bên thuê khoán phải cam kết với bên cho thuê khoán không được tiếp tục vi phạm hợp đồng.
Điều 511. Trả lại tài sản thuê khoán
Khi chấm dứt hợp đồng thuê khoán, bên thuê khoán phải trả lại tài sản thuê khoán ở tình trạng phù hợp với mức độ khấu hao đã thoả thuận; nếu làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thuê khoán thì phải bồi thường thiệt hại.”
Vì thông tin bạn cung cấp không đầy đủ nên bạn cần xác định những sự việc sau:
– Hợp đồng thuê khoán có ghi thời hạn thuê không để xác định việc bạn trả lại tàu vận tải sau 1 năm sử dụng có vi phạm hợp đồng hay không?
– Khi trả lại tàu bạn có báo trước cho dì bạn hay không?
– Khi trả tàu, bạn có trả tiền khấu hao cho 1 năm sử dụng với mức khấu hao đã thỏa thuận trong hợp đồng hay không, tàu có mất giá trị hoặc giảm sút giá trị so với mức khấu hao hay không?
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Ngoài ra, việc chấm dứt hợp đồng thuê khoán cũng phải thực hiện đúng theo quy định tại Điều 426 Bộ luật dân sự năm 2005 :
« Điều 426. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự
1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán.
4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị đơn phương chấm dứt phải bồi thường thiệt hại. »
Như vậy, nếu bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không tuân thủ các quy định trên thì bên cho thuê có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc đơn phương chấm dứt hợp đồng gây ra.
Tuy nhiên, theo như bạn trình bày thì việc bạn trả lại tàu đã diễn ra năm 1997 thì đến năm 2015 đã hết thời hiệu khởi kiện theo Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011 và Điều 247 Bộ luật dân sự năm 2005 như sau:
“Điều 159. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu
1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thực hiện như sau:
a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện;
b) Tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
4. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu yêu cầu để Tòa án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ các việc dân sự có liên quan đến quyền dân sự về nhân dân của cá nhân thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu.”
Điều 247 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:
"Điều 427. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm."