Vi phạm hợp đồng đặt cọc phải bồi thường thế nào? Bồi thường do vi phạm hợp đồng đặt cọc.
Vi phạm hợp đồng đặt cọc phải bồi thường thế nào? Bồi thường do vi phạm hợp đồng đặt cọc.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính chào Luật sư tôi (ở quận Cái Răng – thành phố Cần Thơ) có thỏa thuận mua chính sách tái định cư của ông A (do ông A bị ảnh hưởng dự án được nhà nước giải quyết bố trí nền tái định cư) với giá 80 triệu. Tôi có đặt cọc trước 40 triệu và có thỏa thuận nếu đổi ý không bán ông A phải bồi thường cho tôi gấp 10 (mười) lần tiền đặt cọc (Biên nhận này có thành lập văn bản đặt cọc các bên thống nhất ký vào văn bản đặt cọc, không có công chứng). Hiện nay ông A đã nhận nền tái định cư nhưng không đồng ý giao nền cho tôi (do hiện nay giá trị nền tái định cư lên cao 400 triệu/nền). Hỏi như vậy tôi có nhận được tiền bồi thường theo biên nhận đặt cọc do ông A vi phạm thỏa thuận đặt cọc hay không? Vì vừa rồi trong cuộc hòa giải với ông A, Thẩm phán Tòa án nhân dân quận Cái Răng nói rằng "không có luật nào 1 (một) thường 10 (mười)". Và Tòa án quận đề nghị bồi thường 10 triệu tiền phạt cọc cho tôi làm tôi rất hoang mang. Rất mong Luật sư tư vấn. Trân trọng kính chào.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 358 Bộ luật dân sự năm 2005:
Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự. Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.
Đặt cọc mua nền tái định cư là quan hệ dân sự do các bên thoả thuận, và pháp luật không quy định hợp đồng đặt cọc phải có công chứng do đó hợp đồng đặt cọc mà bạn đã ký với ông A là hợp pháp. Theo đó, khoản 2, Điều 358 Bộ luật dân sự 2005 có quy định:
2. Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Như vậy, nếu hai bên có thỏa thuận về việc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự của một bên thì sẽ thực hiện theo thỏa thuận đó. Trong trường hợp này, bạn và ông A đã có thỏa thuận nếu ông A đổi ý không bán thì sẽ phải bồi thường gấp 10 lần giá trị đặt cọc thì tiến hành theo thỏa thuận . Cụ thể về vấn đề này, Điều 422 Bộ luật dân sự 2005 đã quy định về thỏa thuận phạt vi phạm như sau:
1. Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
2. Mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận.
3. Các bên có thể thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải nộp phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại; nếu không có thoả thuận trước về mức bồi thường thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Trong trường hợp các bên không có thoả thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy, mức phạt vi phạm hợp đồng do các bên tự thỏa thuận. Tự thỏa thuận ở đây có nghĩa là các bên được phép tự do ấn định mức phạt mà không bị khống chế bởi những quy định của pháp luật, thể hiện rõ nguyên tắc tự do thỏa thuận được ghi nhận trong pháp luật dân sự. Do đó, khi ông A có hành vi vi phạm hợp đồng khi không đồng ý giao nền tái định cư cho bạn thì bạn có quyền yêu cầu ông A thực hiện việc nộp tiền phạt vi phạm như đã thỏa thuận trong hợp đồng là phải bồi thường gấp 10 lần giá trị tiền đặt cọc. Và việc tòa án đề nghị bồi thường 10 triệu tiền phạt đặt cọc cho bạn là không có căn cứ pháp luật. Vì cho dù bạn không có thỏa thuận về việc phạt vi phạm trong hợp đồng thì ông A phải có nghĩa vụ bồi thường cho bạn khoản tiền tương đương với giá trị tiền đặt cọc là 40 triệu đồng.