Các trường hợp bị nghiêm cấm, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thông tin mạng. Quy định về an toàn thông tin mạng.
Luật an toàn thông tin mạng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu xây dựng từ năm 2011, sau gần 4 năm hoàn thiện, ngày 19/11/2015, trong phiên họp toàn thể tại hội trường của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật an toàn thông tin mạng với 424/425 đại biểu có mặt tán thành.
Sự ra đời của bộ luật này sẽ làm nền tảng cho việc triển khai các hoạt động an toàn thông tin tại Việt Nam.
Luật An toàn thông tin mạng gồm 8 Chương, 54 Điều, quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn; quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.
Đặc biệt, tại Điều 7 Luật an toàn thông tin mạng năm 2015 có quy định về 6 hành vi bị cấm để đảm bảo an toàn thông tin mạng như sau:
Thứ nhất, ngăn chặn việc truyền tải thông tin trên mạng, can thiệp, truy nhập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép và làm sai lệch thông tin trên mạng trái pháp luật.
Thứ hai, cấm gây ảnh hưởng, cản trở trái pháp luật tới hoạt động bình thường của hệ thống thông tin hoặc tới khả năng truy nhập hệ thống thông tin của người sử dụng.
Thứ ba, cấm tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an toàn thông tin mạng của hệ thống thông tin; tấn công, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống thông tin.
Thứ tư, cấm phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo.
Thứ năm, cấm thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân.
Thứ sáu, cấm xâm nhập trái pháp luật bí mật mật mã và thông tin đã mã hóa hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tiết lộ thông tin về sản phẩm mật mã dân sự, thông tin về khách hàng sử dụng hợp pháp sản phẩm mật mã dân sự; sử dụng, kinh doanh các sản phẩm mật mã dân sự không rõ nguồn gốc.
>>> Luật sư
Tại Điều 8 Luật an toàn thông tin mạng năm 2015 có quy định về xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thông tin mạng như sau:
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Và nếu như gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
– Về xử phạt hành chính, tại mục 4 Nghị định 174/2013/NĐ-CP có quy định về xử phạt hành chính về an toàn, an ninh thông tin mạng.
– Về xử phạt hình sự, tại mục 2 Bộ luật hình sự năm 2015 (vẫn chưa có hiệu lực) quy định về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông đã quy định chi tiết về các loại tội trong lĩnh vực này.