Tranh chấp ranh giới đất đai là cây trồng. Xác định những trách nhiệm pháp lý đối với người cố ý hủy hoại tài sản của người khác.
Tranh chấp ranh giới đất đai là cây trồng. Xác định những trách nhiệm pháp lý đối với người cố ý hủy hoại tài sản của người khác.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Tôi và bà A có đang tranh chấp phần ranh đất chưa giải quyết xong. Ngày 1.4.2016 bà A chặt phá một số cây trồng (20 cây dừa đang cho trái) do tôi trồng trên phần đất ranh đang tranh chấp nói trên. Vậy nay tôi có được khởi kiện hình sự hay dân sự đối với bà A về việc hủy hoại cây trồng của tôi không? Cảm ơn luật sư!
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009;
2. Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 265 Bộ luật dân sự 2005 thì
– Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thoả thuận của các chủ sở hữu hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ ba mươi năm trở lên mà không có tranh chấp.
– Người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác.
Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
– Trong trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng thì người sử dụng đất có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung; không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách.
Căn cứ khoản 1 Điều 266 Bộ luật dân sự 2005 thì quyền sở hữu đối với mốc giới ngăn cách các bất động sản như sau:
– Chủ sở hữu bất động sản liền kề chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình. Những người sử dụng đất liền kề có thể thoả thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn, trồng cây trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của những người đó.
Trong trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thoả thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.
– Đối với cây là mốc giới chung, các bên đều có nghĩa vụ bảo vệ; hoa lợi thu được từ cây được chia đều, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Trong trường hợp này, phần đất giáp ranh đang bị tranh chấp nên việc xác định phần quyền trên đó do cơ quan nhà nước có thâm quyền quyết định. Dù chưa được xác định nhưng ranh giới chung này phải được các bên bảo vệ. Nếu mốc giới do một bên tạo lên mà bên kia không đồng ý thì phải có yêu cầu đối với bên còn lại phá dỡ mốc giới đó. Những hoa lợi, lợi tức thu được từ cây được chia đều trừ khi có thỏa thuận khác. Như thế, bà A trong trường hợp này cũng được hưởng một nửa số hoa lợi, lợi tức trên. Tuy nhiên, việc bà A chặt phá cây trên ranh giới chung là sai theo quy định của pháp luật. Bà A chỉ có quyền yêu cầu bạn dỡ bỏ những cây mà bạn trồng mà thôi. Cho nên, trong trường hợp này, bà A có thể phải chịu những trách nhiệm sau:
– Trách nhiệm hình sự: Căn cứ Điều 143 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 thì người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Như thế, bà A chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây ra thiệt hại tài sản từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
– Trách nhiệm hành chính:
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác. Như thế, bà A sẽ bị xử phạt hành chính từ 2 triệu đến 5 triệu trong trường hợp này.
– Trách nhiệm dân sự: Căn cứ khoản 1 Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 thì người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
Do đó, bà A phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp này. Mức bồi thường thiệt hại sẽ dựa trên:
– Tài sản bị mất;
– Tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;
– Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản;
– Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
Nếu bà A không bồi thường cho bạn thì bạn có quyền khởi kiện ra Tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp này.