Gia đình cho công ty mượn sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng. Đòi lại tài sản đã cho mượn.
Gia đình cho công ty mượn sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng. Đòi lại tài sản đã cho mượn.
Tóm tắt câu hỏi:
Hiện nay em có một vài thắc mắc, mong được luật sư giải đáp. Hiện nay nhà em đang gặp vấn đề về việc cho mượn sổ đỏ, e đã đọc bài chị viết trên dân luật nhưng vãn có một số thắc mắc, mong được chị giải đáp. Năm 2011, gia đình em và 3 gia đình nữa có cho công ty VLXD mượn sổ đỏ để đi thế chấp ngân hàng và hàng tháng công ty sẽ trả cho nhà em 700k. Lúc đó bố mẹ em đồng ý cho mượn với thời hạn 1 năm. Sau khi hết 1 năm bố mẹ e đòi lại sổ đỏ nhưng công ty không trả mặc dù gia đình em đã đòi nhiều lần. Tháng 5/2016 ngân hàng gửi đơn kiện lên tòa án yêu cầu được tịch thu tài sản thế chấp do công ty VLXD đã phá sản. Vậy em xin hỏi là nếu công ty đó đủ khả năng thanh toán nợ, nhưng ông giám đốc không chịu bán muốn kéo dài thì gia đình em có thể làm gì để thúc ép. Và ngân hàng làm vầy có đúng không khi sau 1 năm đáo hạn thì theo em biết là cần có chữ ký của gia đình em thì ngân hàng mới được cho vay tiếp. Em xin cảm ơn và mong sớm được giải đáp.?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2005;
– Luật Phá sản năm 2014.
2. Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, việc "cho mượn” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để công ty đó đi vay tiền
Vì việc các hộ gia đình cho công ty VLXD mượn sổ đỏ để vay vốn ngân hàng không được rõ ràng, nên căn cứ quy định của pháp luật hiện hành về hợp đồng tín dụng, giao dịch bảo đảm có thể hiểu việc lập văn bản ủy quyền (công chứng) theo đó cho phép doanh nghiệp được thay mặt gia đình bạn để liên hệ với ngân hàng, vay tiền và dùng quyền sử dụng đất làm tài sản bảo đảm cho khoản vay; Sau khi ký văn bản này, doanh nghiệp được sử dụng giấy tờ tài sản để mang đi thế chấp cho Ngân hàng nhằm bảo đảm nghĩa vụ trả nợ khoản vay. Khi doanh nghiệp không thanh toán được nợ đến hạn với ngân hàng thì ngân hàng có quyền xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.
Theo đó, sự ràng buộc trách nhiệm của các hộ gia đình trước ngân hàng về việc cam kết dùng tài sản để trả nợ thay cho doanh nghiệp nếu họ không trả được nợ cho ngân hàng.
Lưu ý, để giao dịch dân sự về thế chấp tài sản trên có hiệu lực, theo Điều 122 Bộ luật dân sự năm 2005:
– Hai bên hiểu rõ giao dịch, hậu quả pháp lý của giao dịch, cùng tự nguyện xác lập và thực hiện giao dịch;
– Giao dịch được xác lập bằng văn bản, có công chứng (tuân thủ về hình thức với các giao dịch liên quan đến bất động sản là nhà, đất) và phải được đăng ký giao dịch bảo đảm với cơ quan chức năng (nếu là giao dịch bảo đảm).
– Giao dịch được xác lập bởi các chủ thể có thẩm quyền: phải được xác lập bởi chủ của tài sản là nhà/đất và người có thẩm quyền của doanh nghiệp (hoặc ngân hàng).
– Đối tượng là nhà/đất đủ điều kiện tham gia giao dịch theo quy định của pháp luật (không có tranh chấp; vẫn còn thời hạn sử dụng đất; đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…).
Trong trường hợp có căn cứ chứng minh giao dịch được xác lập không đảm bảo một trong các yếu tố nói trên thì có thể dẫn tới giao dịch vô hiệu, theo pháp luật hiện hành, khi giao dịch vô hiệu sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch và hai bên hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận, ai có lỗi làm cho giao dịch vô hiệu phải bồi thường thiệt hại cho bên còn lại theo quy đinh tại Điều 127 và Điều 137 Bộ luật dân sự 2005.
Như vậy, nếu giao dịch được xác lập hợp pháp thì khi doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ ngân hàng, tài sản của gia đình bạn sẽ bị xử lý bảo đảm nghĩa vụ trả nợ thay cho doanh nghiệp. Việc công ty đó đủ khả năng thanh toán nợ thì trong quá trình mở thủ tục phá sản, căn cứ vào hội nghị chủ nợ mở ra mà sẽ xem xét phục hồi hoạt động kinh doanh hay không? Gia đình bạn không có quyền thúc ép công ty bán tài sản.
Thứ hai, việc bố mẹ bạn đồng ý cho mượn với thời hạn 1 năm. Sau khi hết 1 năm bố mẹ e đòi lại sổ đỏ nhưng công ty không trả mặc dù gia đình bạn đã đòi nhiều lần. Trường hợp này gia đình bạn có thể căn cứ vào hợp đồng đã xác lập với công ty XDVL. Kiểm tra lại tính hợp pháp của các giao dịch mà mình đã xác lập với doanh nghiệp hoặc với ngân hàng; Liên hệ với doanh nghiệp để đôn đốc nghĩa vụ trả nợ của họ; Liên hệ với ngân hàng để tìm ra giải pháp giãn nợ, đáo nợ, cơ cấu lại khoản nợ… (nếu cần thiết)…
Ngoài ra, do công ty đã đang trong quá trình lâm vào tình trạng phá sản nên việc xử lý, giải quyết khoản nợ cho gia đình bạn cũng cần tuân theo thủ tục. Khoản 1 Điều 54 Luật Phá sản năm 2014 quy định thứ tự phân chia tài sản như sau:
– Chi phí phá sản;
– Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo
hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết;– Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
– Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Hiên nay, theo quy định Luật phá sản năm 2014 quy trình xử lý các khoản nợ xấu của Ngân hàng cơ bản như sau:
– Thông báo cho chủ tài sản về việc xử lý quyền đòi nợ, theo đó, yêu cầu chủ tài sản chuyển giao tài sản để ngân hàng xử lý theo quy định của pháp luật, theo hợp đồng các bên đã ký.
– Trong trường hợp chủ tài sản không chuyển giao tài sản thì ngân hàng có thể khởi kiện ra tòa án buộc chủ tài sản phải thực hiện nghĩa vụ đã cam kết của mình. Căn cứ bản án, quyết định của tòa án, tài sản sẽ bị xử lý để ngân hàng có thể thu hồi được khoản nợ về.
Thông thường, các hợp đồng tín dụng/các giao dịch bảo đảm bao giờ cũng ràng buộc trách nhiệm của bên vay tiền/bên thế chấp chịu mọi chi phí giải quyết tranh chấp nếu vi phạm nghĩa vụ, do vậy, bạn nên lưu ý toàn bộ những chi phí giải quyết vụ kiện doanh nghiệp và gia đình sẽ phải là bên gánh chịu.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trong trường hợp bạn nêu ra, nếu các bên đã giao kết hợp đồng vay và hợp đồng bảo đảm một cách hợp pháp. Nếu công ty bị tuyên bố phá sản, ngân hàng có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo phương thức mà các bên thỏa thuận, bao gồm:
– Bán tài sản bảo đảm,
– Nhận tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách hàng,
– Phương thức khác do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì tài sản bảo đảm được bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Khoản 1 Điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định:
“Bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều này để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết”.
Như vậy, phía ngân hàng hoàn toàn có quyền thu giữ nhà đất để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.