Vấn đề liên quan về thừa kế tài sản ông nội để lại. Phân chia di sản thừa kế như thế nào?
Vấn đề liên quan về thừa kế tài sản ông nội để lại. Phân chia di sản thừa kế như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Dạ em có 1 vấn đề xin được cty luật DƯƠNG GIA tư vấn giúp ạ . Ông nội em là người chủ sở hữu nhà … Nhưng ông đã xuất ngoại trong 1 thời gian dài , hiện tại mẹ em đang là chủ hộ của gia đình , bây giờ ông nội về và tình trạng sức khoẻ không được tốt … Hàng xóm và mọi người trong gia đình hối thúc em sớm để ông nội lập di chúc cho con cháu nhưng ông là người hoa , lại không rành về chữ việt và không còn min mẫn nữa … Em lo ngại nếu ông mất mà không lập di chúc thì khi ông mất con cái ông ( cô , bác ) trong gia đình đòi quyền thừa kế … Ông đang sở hửu ngôi nhà trong đó ông là chủ nhà , mẹ là chủ hộ và anh chị em tôi tất cả là 5 người …. Nếu lập di chúc thì em phải làm như thế nào … Và nếu không lập di chúc thì mẹ và anh chị em tôi có quyền hưởng thừa kế từ ông không ạ .. Mong cty luật DƯƠNG GIA tư vấn giúp ạ?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2005.
2. Luật sư tư vấn:
Trong trường hợp lập di chúc thì ông bạn có thể thực hiện theo 2 cách sau:
Thứ nhất, lập di chúc bằng văn bản, Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:
"Di chúc bằng văn bản bao gồm:
1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
3. Di chúc bằng văn bản có công chứng;
4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực."
Thứ hai, lập di chúc bằng miệng, Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:
"1. Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
2. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ."
Tuy nhiên, có thể lập di chúc bằng văn bản hoặc bằng miệng với điều kiện người lập di chúc phải hoàn toàn minh mẫn và sáng suốt trong quá trình lập chi chúc nếu không di chúc sẽ bị coi là không hợp pháp, bạn nói ông bạn không còn minh mẫn nên cũng rất khó để thực hiện hai cách này, căn cứ quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005 :
"1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực."
Về vệc nếu không lập di chúc thì nếu ông bạn mất, tài sản của ông bạn để lại có thể do các con của ông bạn thỏa thuận về việc chia thừa kế, hoặc nếu không thỏa thuận được thì có thể gửi đơn yêu cầu chia tài sản thừa kế đến Tòa án. Theo quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005:
"1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
Do bạn không nói rõ việc bố của bạn còn sống hay đã mất nên nếu chia thừa kế theo pháp luật, nếu bố bạn còn sống thì người được hưởng thừa kế trước hết là bố của bạn và những người con khác của ông bạn, còn mẹ bạn, bạn và anh chị em của bạn sẽ không được hưởng di sản thừa kế vì không thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Tuy nhiên, nếu bố bạn đã mất, mất trước hoặc mất cùng thời điểm với ông bạn thì bạn và anh chị em của bạn sẽ có quyền hưởng suất thừa kế của ông bạn cho bố bạn căn cứ quy định tại Điều 677 Bộ luật dân sự 2005 về thừa kế thế vị.