Xử lý việc cho tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình. Cho tài sản không thuộc quyền sở hữu, khi chủ sở hữu đòi lại giải quyết thế nào?
Tóm tắt câu hỏi
A đi du lịch nước ngoài về, có mượn của B một máy ảnh để chụp ảnh lưu niệm. Hôm A về đến sân bay thì C ra đón, nhìn thấy máy ảnh, C khen đẹp và tỏ ý rất thích, thấy vậy A đã tặng chiếc máy ảnh trên cho C và nói là quà từ nước ngoài đem về.Sau đó B nhìn thấy C sử dụng máy ảnh của mình thì đòi lại, C không đồng ý. B có quyền đòi lại máy ảnh từ C không, hay chỉ có quyền đòi A bồi thường?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định tại Điều 164 “Bộ luật dân sự 2015” về quyền sở hữu:
“Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản.“
Điều 169 “Bộ luật dân sự 2015” quy định về bảo vệ quyền sở hữu:
“1. Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ.
2. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình.
Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật.“
Ngoài ra theo quy định tại điều 173 “Bộ luật dân sự 2015” có quy định các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản
“1. Người không phải là chủ sở hữu chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình theo thoả thuận với chủ sở hữu tài sản đó hoặc theo quy định của pháp luật.
2. Các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản bao gồm:
a) Quyền sử dụng đất;
b) Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề;
c) Các quyền khác theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Việc chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu tài sản cho người khác không phải là căn cứ để chấm dứt các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản đó quy định tại khoản 2 Điều này .
4. Các quyền đối với tài sản của người không phải là chủ sở hữu được bảo vệ theo quy định tại Điều 261 của Bộ luật này.”
>>> Luật sư
Khoản 7 Điều 170 “Bộ luật dân sự 2015” có quy định:
“7. Chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai phù hợp với thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này“
Điều 247 “Bộ luật dân sự 2015” quy định:
“1. Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Người chiếm hữu tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước không có căn cứ pháp luật thì dù ngay tình, liên tục, công khai, dù thời gian chiếm hữu là bao lâu cũng không thể trở thành chủ sở hữu tài sản đó.“
Như vậy trong trường hợp này, A cho C máy ảnh như vậy là đã vi phạm quyền sở hữu chiếc máy ảnh đó của B nhưng C lại là người thứ 3 ngay tình, không hề biết cái máy ảnh đó thuộc quyền sở hữu của B nên C không có nghĩa vụ phải hoàn trả máy ảnh cho B mà B ở đây có quyền đòi A bồi thường, nếu A không bồi thường B hoàn toàn có thể kiện A trước pháp luật.