Trình tự, thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa thông thường thông qua thủ tục hải quan truyền thống.
Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng có xu hướng mở rộng hợp tác quốc tế thì vai trò của ngành Hải quan càng được khẳng định. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng đòi hỏi các doanh nghiệp cần hiểu rõ những vấn đề về quy trình, thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu thông thường.
Luật Hải quan Việt Nam năm 2001(sửa đổi, bổ sung năm 2005) định nghĩa: “Thủ tục hải quan là các công việc mà người khai hải quan và công chức hải quan phải thực hiện theo quy định của Luật này đối với hàng hóa, phương tiện vận tải”. Trên tinh thần đó, Luật Hải quan năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2015) quy định: “ Thủ tục hải quan là các công việc mà người khai hải quan và công chức hải quan phải thực hiện theo quy định của Luật này đối với hàng hóa, phương tiện vận tải”.
Vậy nhập khẩu hàng hóa là gì? Hiểu một cách đơn giản nhất đây là loại hình nhập khẩu hàng hóa theo hợp đồng mua bán về Việt Nam để sau đó bán nội địa hoặc làm nguyên liệu phục vụ sản xuất (tạo ra sản phẩm tiêu thụ trong nước). Để tiến hành thủ tục nhập khẩu hàng hóa thông thường, ta cần xem xét hàng hóa có thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu không? (Xem Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013); hàng hóa có cần giấy phép nhập khẩu không?; hàng hóa có cần kiểm tra chất lượng trước khi nhập khẩu không?… Doanh nghiệp nhập khẩu cần chuẩn bị bộ hồ sơ hải quan với những giấy tờ như sau:
- Tờ khai hải quan: 02 bản chính;
- Hợp đồng mua bán hàng hóa: 01 bản chụp;
- Hóa đơn thương mại: 01 bản chụp;
- Bảng kê chi tiết hàng hóa đối với trường hợp hàng hóa có nhiều chủng loại hoặc đóng gói không đồng nhất: 01 bản chụp;
- Vận đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương: 01 bản chụp;
- Chứng từ khác có liên quan (Giấy đăng ký kiểm tra hoặc giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc giấy thông báo kết quả kiểm tra; Chứng thư giám định; Tờ khai trị giá hàng hóa nhập khẩu đối với trường hợp phải khai; Giấy phép nhập khẩu; Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Các giấy tờ chứng minh hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu tại Điều 101 Thông tư 128/2013/TT-BTC…)
Sau khi xem xét và chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ liên quan ta tiến hành thủ tục nhập khẩu hàng hóa thông thường theo các bước sau đây:
Bước 1: Khai và đăng ký tờ khai hải quan; nộp xuất trình chứng từ theo Hồ sơ hải quan:
Việc khai thủ tục hải quan bao gồm cả việc khai thuế khi làm thủ tục hải quan. Người khai hải quan cần điền đầy đủ thông tin vào Tờ khai hải quan do Bộ Tài chính ban hành. Tại bước này, cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra các điều kiện đăng ký tờ khai hải quan, bao gồm: Kiểm tra điều kiện áp dụng biện pháp cưỡng chế, tạm dừng thủ tục hải quan; Kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của thông tin khai hải quan và chứng từ có liên quan; Kiểm tra việc tuân thủ chế độ và chính sách quản lý, thuế đối với hàng hóa nhập khẩu. Trong thời hạn chậm nhất là 02 giờ, cơ quan hải quan phải tiến hành kiểm tra xong hồ sơ hải quan. Trường hợp không đủ điều kiện thì cơ quan hải quan phải thông báo bằng văn bản cho người khai hải quan biết.
Bước 2: Kiểm tra thực tế hàng hóa
Đây không phải là bước bắt buộc thực hiện đối với mọi loại hàng hóa. Những hàng hóa được miễn kiểm tra thực tế thì tiến hành tiếp các bước tiếp theo mà không cần thông qua bước này. Hàng hóa được miễn kiểm tra thực tế được quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Hải quan Việt Nam năm 2001(sửa đổi, bổ sung năm 2005), quy định cụ thể tại Điểm a Khoản 2 Điều 11 Nghị định 154/2005/NĐ-CP.
Đối với những hàng hóa không thuộc diện được miễn kiểm tra thực tế thì cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra thực tế khi hàng hóa đã được đưa về địa điểm được quy định. Hàng hóa có thể được kiểm tra bằng phương pháp thủ công hoặc bằng máy móc, kiểm tra toàn bộ hoặc theo tỉ lệ, xác suất tùy thuộc vào tính chất, số lượng hàng hóa. Thời hạn kiểm tra hàng hóa thực tế được quy định như sau:
- Chậm nhất là 08 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hóa;
- Đối với hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành về y tế, văn hóa, kiểm dịch… thì trong 08 giờ làm việc tính từ thời điểm nhận được kết quả kiểm tra chuyên ngành;
- Đối với lô hàng số lượng lớn, việc kiểm tra phức tạp thì có thể gia hạn nhưng không quá 02 ngày.
Trong thời hạn quy định, công chức hải quan tiến hành kiểm tra những vấn đề, ví dụ như: tình trạng bao bì niêm phong, nhãn mác, số lượng, chất lượng… Sau khi kiểm tra thực tế, nếu:
- Việc kiểm tra phù hợp với tờ khai: công chức hải quan xác nhận người khai hải quan đã làm thủ tục hải quan;
- Việc kiểm tra có sai lệch với tờ khai: đề xuất biện pháp giải quyết, trình lãnh đạo Chi cục xem xét để ra quyết định và báo cho người khai hải quan biết.
Bước 3: Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính
Việc nộp phí và lệ phí chú ý những điểm sau:
- Phí và lệ phí hải quan gồm: Phí niêm phong, kẹp chì, lưu kho Hải quan; lệ phí làm thủ tục hải quan theo quy định là 20.000 đ/tờ khai và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh Việt Nam là 200.000 đ/tờ khai.
- Phí, lệ phí hải quan thu bằng đồng Việt Nam. Trường hợp đối tượng nộp phí, lệ phí hải quan có nhu cầu nộp bằng ngoại tệ thì được thu bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi và được quy đổi từ đồng Việt Nam ra ngoại tệ tự do chuyển đổi theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu phí, lệ phí.
- Thời hạn nộp phí, lệ phí được quy định như sau: a) Lệ phí làm thủ tục hải quan phải nộp trước khi cơ quan hải quan kiểm tra xác nhận “đã hoàn thành thủ tục hải quan”; b) Lệ phí hàng hoá, phương tiện vận tải quá cảnh phải nộp ngay khi làm thủ tục cho hàng hoá, phương tiện vận tải quá cảnh;
- Cần chú ý những trường hợp được miễn thu phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư 43/2009/TT-BTC.
Doanh nghiệp tiến hành nộp thuế sau khi đã có thông báo của cơ quan Hải quan về kết quả kiểm tra trị giá tính thuế tự tính của doanh nghiệp. Nếu việc tự tính của người khai hải quan là đúng thì được tiến hành nộp thuế theo tờ khai. Nếu việc tính thuế có sự sai lệch giữa cơ quan hải quan và người khai hải quan thì tiến hành tham vấn. Những điểm cần chú ý khi nộp thuế:
- Thời hạn nộp thuế được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 42 Luật Quản lý thuế được sửa đổi bổ sung tại Khỏan 11 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế 2012.
- Địa điểm: nộp trực tiếp tại KBNN hoặc tài khỏan chuyên thu của cơ quan hải quan tại ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định tại Khỏan 1 Điều 26 Nghị định 83/2013/NĐ-CP
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Bước 4: Thông quan hàng hóa
Hàng hóa được thông quan sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan. Quy định về các trường hợp hàng hóa được thông quan được ghi nhận cụ thể tại Điều 29 Thông tư 128/2013/TT-BTC. Đối với những hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp; hàng hóa chuyên dùng phục vụ an ninh, quốc phòng; túi ngoại giao, túi lãnh sự, hành lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ được thông quan ngay.
Bước 5: Kiểm tra sau thông quan
Công chức Hải quan tiến hành kiểm tra hồ sơ hải quan, các chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính và các chứng từ có liên quan đến hàng hoá nhập khẩu; trong trường hợp cần thiết và đủ điều kiện thì kiểm tra hàng hoá nhập khẩu đã được thông quan của các tổ chức, cá nhân (gọi là đơn vị được kiểm tra). Tiến hành kiểm tra trong hai trường hợp:
- Kiểm tra khi: phát hiện dấu hiệu trốn thuế; hoặc nghi ngờ có hành vi vi phạm (Điều 32 Luật Hải quan)
- Kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề.
Bước 6: Phúc tập hồ sơ
Được quy định cụ thể tại Điều 28 Thông tư 128/2013/TT-BTC. Đây là việc cơ quan hải quan kiểm tra lại các việc đã làm trong quá trình thông quan hàng hóa để phát hiện những sai sót, đồng thời bổ sung thông tin vào cơ sở dữ liệu, sắp xếp lại hồ sơ cho khách hàng, tiện cho việc tra cứu. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ký quyết định thông quan thì cơ quan hải quan phải tiến hành phúc tập hồ sơ.