Ý nghĩa của việc nghiên cứu, vận dụng chế độ hồi tỵ hiện nay? Một số kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và vận dụng chế độ hồi tỵ?
Mục lục bài viết
1. Ý nghĩa của việc nghiên cứu, vận dụng chế độ hồi tỵ hiện nay:
Nhìn từ góc độ thực tiễn, việc nghiên cứu, vận dụng chế độ hồi tỵ trong chế độ quan lại thời phong kiến có thể mang lại nhiều bài học bổ ích, có ý nghĩa thực tiễn tích cực trong tăng cường hiệu quả công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Đầu tiên, việc nghiên cứu và vận dụng chế độ hồi tỵ sẽ có lợi cho việc xây dựng cơ quan nhà nước liêm chính, Việt Nam là một đất nước có lịch sử phong kiến lâu dài, từ xưa đến nay luôn rất coi trọng quan hệ gia đình và thân thuộc, các mối quan hệ này có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống xã hội, đồng thời cũng ảnh hưởng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Tại một số địa phương và bộ ngành, có một số cán bộ lãnh đạo bổ nhiệm nhân sự dựa vào thân tình, lấy quan hệ thân thích để thay thế cho quan hệ tổ chức thông thường, gây nên hiện tượng người thân cùng tụ tập trong đội ngũ cán bộ của một địa phương và đơn vị, một số cán bộ lợi dụng chức quyền để mưu lợi cho anh em, người thân.
Việc “bật đèn xanh” cho con em của mình hoặc thông đồng với người thân, người trong “ê–kíp” cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các hành vi tham nhũng, sai phạm, phạm tội. Các quy định hồi tỵ là chế độ mang tính phòng ngừa, giúp tránh sự làm việc không khách quan, nể nang, né tránh hoặc bao che, nâng đỡ cho nhau giữa những người thân thuộc, đồng thời cũng phát huy vai trò trong việc giám sát và quản lý cán bộ, giúp hạn chế việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện các hành vi tiêu cực.
Việc thực hiện chế độ hồi tỵ đối với cán bộ, công chức, ở một mức độ nào đó giảm thiểu khả năng cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo lợi dụng chức quyền để mưu lợi cho bản thân và người thân, phòng ngừa tình trạng bổ nhiệm dựa vào tình thân, kéo bè kết phái, tham ô, tham nhũng, góp phần thúc đẩy xây dựng cơ quan nhà nước liêm chính từ khía cạnh văn hóa ứng xử của những người nắm giữ công quyền.
Tiếp đó, việc nghiên cứu và vận dụng chế độ hồi tỵ có lợi cho việc tạo dựng môi trường làm việc tốt đẹp, thúc đẩy sự trưởng thành của cá nhân mỗi cán bộ, công chức. Trên thực tế, cho dù là những cán bộ, công chức tuân thủ kỷ luật, pháp luật, công bằng liêm chính, hết lòng phục vụ nhân dân đến đâu, thì trong cuộc sống, tất cả những cán bộ đó đều ở trong mạng lưới các mối quan hệ” thân thuộc, hoạt động công vụ hàng ngày thường xuyên gặp phải sự quấy nhiễu của một vài mối quan hệ thân thuộc đó, khiến cho cán bộ khó lòng triển khai công tác một cách vô tư bình thường.
Việc thực hiện chế độ hồi tỵ, về mặt thể chế, quy định có thể giúp cán bộ, công chức thoát khỏi sự ràng buộc của các mối quan hệ đó, từ đó tạo cho cán bộ một môi trường làm việc tốt, giúp cho cán bộ, công chức mạnh dạn, vô tư công tác. Điều này vừa giúp cho sự trưởng thành của cá nhân cán bộ, công chức, vừa có lợi cho việc giữ gìn hình ảnh của cơ quan nhà nước.
Cuối cùng, việc nghiên cứu và vận dụng chế độ hồi tỵ có lợi cho việc xây dựng quan hệ tổ chức và quan hệ xã hội lành mạnh, góp phần giải quyết vấn đề “xung đột lợi ích”, nâng cao hiệu quả hành chính. Trong thực tế, bộ máy hành chính có vai trò hết sức quan trọng đối với việc thực thi các chính sách mà Đảng và Nhà nước ban hành. Sự xuất hiện và tồn tại của quan hệ “dây lưng buộc váy”, các hành vi phi tổ chức sẽ phá hoại quan hệ tổ chức thông thường, quy chế quy định và kỷ luật tổ chức khó có thể được quán triệt chấp hành tốt, tạo ra sự bị động và lực cản cho hoạt động của cơ quan nhà nước. Vì vậy, cùng với các chính sách đào tạo, sử dụng cán bộ, các biện pháp đãi ngộ về vật chất và tinh thần, việc thực hiện chế độ hồi tỵ cũng sẽ góp phần giúp cho công tác quản lý của các cơ quan trở nên thuận lợi, từ đó giúp nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý hành chính.
2. Một số đề xuất, kiến nghị:
(1) Nghiên cứu xây dựng một đạo luật hoặc một văn bản dưới luật riêng biệt về “hồi tỵ” đối với việc tuyển dụng, bổ nhiệm, đảm nhận chức vụ của công chức, viên chức, trong đó quy định cụ thể về: phạm vi thực hiện hồi tỵ (bao gồm hồi tỵ về thân thuộc, địa vực, một số hoạt động công vụ đặc biệt); trình tự thực hiện hồi tỵ (đưa ra yêu cầu hồi tỵ, thẩm tra và quyết định hồi tỵ); cơ chế quản lý, giám sát, chế tài xử lý vi phạm. Trong đó cần quy định rõ về cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát. Cách hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm cần đủ sức răn đe, có khả năng áp dụng cao trong thực tế, căn cứ vào tính chất, mức độ của việc vi phạm các quy định về “hồi tỵ” để xem xét áp dụng các hình thức kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hay thậm chí là xử lý hình sự.
(2) Về quan điểm áp dụng, cần tăng cường lồng ghép các quy tắc hồi tỵ vào trong các văn bản luật để nâng cao tính công bằng, hiệu quả của hoạt động công vụ, góp phần đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, chống lại các nguy cơ cục bộ địa phương, cục bộ ngành. Trong đó, chú trọng áp dụng thống nhất, đồng bộ phạm vi thực hiện hồi tỵ (quan hệ thân thuộc, địa vực, quan hệ có lợi hoặc có hại, hoặc quan hệ khác có thể ảnh hưởng đến việc vô tư thực hiện hoạt động công vụ) trong tất cả các lĩnh vực cần thiết phải áp dụng các quy tắc hồi tỵ, đồng thời căn cứ vào đặc thù của từng lĩnh vực để điều chỉnh phạm vi cho phù hợp. Ngoài ra, trong mỗi lĩnh vực cũng cần phải quy định cụ thể về trình tự hồi tỵ và biện pháp bảo đảm thi hành; đặc biệt trong một số lĩnh vực như hành chính, tư pháp..., cần làm rõ cách thức, các biện pháp bảo đảm để công dân có thể thực hiện quyền yêu cầu hồi tỵ đối với người thực thi công vụ.
Một mặt mở rộng phạm vi áp dụng các quy định về hồi tỵ, mặt khác cần xác định rõ tính đặc thù của từng ngành khi áp dụng, đối với những cơ quan, đơn vị thuần làm hoạt động chuyên môn, khoa học có lẽ không cần thiết áp dụng “hồi ty”. Có thể thấy rằng, việc áp dụng các quy định hồi tỵ đối với tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước, các ngành, lĩnh vực là cần thiết, song trên thực tế có nhiều ngành nghề mang tính chất gia truyền “cha truyền con nối” thì việc áp dụng một cách cứng nhắc quy định này là không hợp lý, đặc biệt là trong những ngành như y học, nghiên cứu học thuật, nghiên cứu lĩnh vực văn hóa..., bên cạnh đó tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa nếu vận dụng pháp luật hồi tỵ một cách cứng nhắc sẽ dẫn đến việc không tận dụng được nguồn nhân lực của địa phương, hiểu biết về tình hình kinh tế – chính trị – văn hóa vùng miền.
Ngoài ra, trong công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển gắn với bố trí cán bộ, cần rà soát đội ngũ cán bộ, nắm chắc lý lịch cán bộ, đánh giá, lựa chọn những người có năng lực, phẩm chất tốt, đưa vào kế hoạch điều động, luân chuyển, tăng cường, biệt phải gắn với bố trí cán bộ không phải là người địa phương. Bên cạnh đó cần chia nhóm đối tượng định kỳ để luân chuyển, luân chuyển về từng vị trí, thời gian phải rõ ràng cụ thể, việc luân chuyển phải phù | hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo, việc luân chuyển bố trí sắp xếp vị trí làm sao cho phù hợp với pháp luật hồi tỵ là rất quan trọng. Đồng thời, cần hiểu rõ nhu cầu cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị để bố trí cho phù hợp với từng chức danh, lĩnh vực và nhiệm vụ cụ thể.
(3) Nghiên cứu mở rộng phạm vi các mối quan hệ cần phải thực hiện hồi ty, trong đó cần tập trung vào các mối quan hệ lợi ích, quan hệ thân thiết giữa các cá nhân trong cùng một cơ quan, địa phương. Trong bối cảnh kinh tế – xã hội ngày càng phát triển, các mối quan hệ giữa người với người không ngừng được
mở rộng, ngoài những quan hệ thân thích ruột thịt hay đồng hương thông thường, ngày càng xuất hiện nhiều những mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên cấp dưới, “ê–kíp”, ... được hình thành trong quá trình công tác, là nguy cơ lớn dẫn đến tình trạng bè phái, lợi ích nhóm, nâng đỡ bất chính, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của bộ máy và dẫn đến nguy cơ tham nhũng. Do đó cần nghiên cứu một cách toàn diện về mối quan hệ giữa các cá nhân để áp dụng biện pháp kiểm soát hợp lý.
Ngoài ra, các mối quan hệ thân thuộc cần phải hồi tỵ cũng cần được mở rộng thêm, ngoài người thân ruột thịt có thể nghiên cứu mở rộng phạm vi đến họ hàng (3 đời), đồng hương... để bảo đảm việc vận dụng các quy tắc hồi tỵ được thực hiện một cách triệt để nhất. Việc hồi tỵ về địa vực (bố trí cán bộ lãnh đạo không phải người địa phương, ngoài việc xét đến quê quán, cũng cần xem xét nơi người đó trưởng thành, nơi từng đảm nhận công tác...
(4) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật mang tính chất hồi tỵ, chế tài cụ thể đối với các hành vi vi phạm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát không chỉ góp phần phát hiện nhanh chóng những sai phạm, mà còn góp phần làm trong sạch bộ máy công quyền; kiểm tra, giám sát là công cụ phối hợp để thực hiện pháp luật hồi tỵ, nếu không có hoạt động kiểm tra, giám sát thì sẽ không phát hiện được những sai phạm trong quá trình vận dụng pháp luật hồi tỵ.
Vấn đề đặt ra trong thời gian tới cần hoàn thiện hệ thống các cơ quan giám sát, kiểm tra theo hướng tinh giản và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác này, cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, đây cũng là kênh giám sát hiệu quả nhất. Hiện nay, bên cạnh những văn bản pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng, luân chuyển cán bộ, công chức đưa ra chế tài xử phạt từ khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, bãi nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật, buộc thôi việc, chế tài trong luật phòng, chống tham nhũng còn rất chung chung, chưa cụ thể và cần được quan tâm, bổ sung trong thời gian tới.
(5) Cần phải xác định rõ, hồi tỵ chỉ là một trong các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính nhà nước, ngăn ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Do vậy cần phải kết hợp với nhiều biện pháp khác, đặc biệt là việc thực hiện các yêu cầu về quản trị nhà nước hiện đại. Cần tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc tuyển chọn, bổ dụng và quá trình thực thi công vụ của cán bộ công chức, giảm tình trạng chạy chức, chạy quyền. Thực hiện kiểm soát quyền lực kết hợp với công tác cán bộ và quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ. Kiểm soát quyền lực để ngăn chặn sự lộng quyền, lạm quyền và có sự yểm trợ tích cực của cơ quan có thẩm quyền bố trí cán bộ để chọn người có thực đức, thực tài đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu tổ chức đảng các cấp.
Tích cực xây dựng văn hóa công vụ nói không với “gia đình trị” và tệ “con ông cháu cha”, hay lợi dụng các mối thân quen để chạy chức, chạy quyền. Hiện nay khi pháp luật nước ta còn chưa hoàn thiện, đồng bộ, còn nhiều quy định chưa rõ ràng cụ thể thì nạn con ông, cháu cha, chủ nghĩa gia đình, chủ nghĩa thân quen....vẫn còn nhiều làm ảnh hưởng đến nền hành chính. Vì vậy loại bỏ những tư tưởng này là điều cần thiết, cần phải có chế tài chặt chẽ, cần làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, công chức thấy được giá trị của pháp luật hồi tỵ, qua đó coi pháp luật hồi tỵ là một trong những biện pháp cần thiết để thực hiện công cuộc phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò giám sát của người dân đối với công tác cán bộ nói chung và trên phương diện thực hiện “hồi tỵ” nói riêng, thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát công tác cán bộ, tăng cường sự bảo đảm để người dân thực hiện quyền yêu cầu hồi tỵ và giám sát các quyết định hồi tỵ.