Theo quy định của Luật bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật quy định chặt chẽ những điều khoản trong hợp đồng giao kết người tiêu dùng. Dưới đây là mức xử phạt vi phạm về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng:
Mục lục bài viết
- 1 1. Xử phạt vi phạm về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng:
- 2 2. Quy định chung về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng:
- 3 3. Những nội dung nào không được phép quy định trong hợp đồng với người tiêu dùng:
- 4 4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng:
1. Xử phạt vi phạm về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng:
Căn cứ Điều 48 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng như sau:
– Mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng:
+ Thực hiện ký kết hợp đồng với người tiêu dùng với hình thức, ngôn ngữ hợp đồng không đúng quy định.
+ Khi giao kế hợp đồng bằng phương tiện điện tử, không thực hiện cho người tiêu dùng xem xét toàn bộ hợp đồng trước.
– Ngoài bị phạt tiền mức xử phạt như trên, các đối tượng còn phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là bắt buộc phải sửa đổi lại hợp đồng đã giao kết theo đúng quy định.
Như vậy, khi ký kết hợp đồng với người tiêu dùng với hình thức hợp đồng không đúng quy định có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Lưu ý khác: Mức phạt tiền trên là áp dụng đối với cá nhân, còn đối với tổ chức thì mức phạt tiền sẽ cao gấp 02 lần, cụ thể là từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, còn buộc phải sửa lại hợp đồng đã giao kết theo đúng hình thức của quy định pháp luật.
2. Quy định chung về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng:
Căn cứ Điều 23 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về việc giao kết hợp đồng với người tiêu dùng như sau:
– Về hình thức: phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Dẫn chiếu đến Điều 119 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định hình thức giao dịch dân sự bao gồm: lời nói, bằng văn bản, hành vi vụ thể.
Lưu ý: Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
– Về ngôn ngữ, hình thức của hợp đồng: phải bằng văn bản phải được thể hiện rõ ràng, dễ hiểu.
+ Ngôn ngữ: phải đảm bảo bằng tiếng Việt.
+ Hoặc các bên có thể thỏa thuận thêm tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc tiếng nước ngoài.
+ Trường hợp nếu như có sự mâu thuẫn giữa bản tiếng Việt với bản tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc bản tiếng nước ngoài, bản có lợi hơn cho người tiêu dùng được ưu tiên áp dụng.
– Nội dung cơ bản của hợp đồng theo mẫu bao gồm:
+ Thông tin đầy đủ của các bên trong hợp đồng: tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có).
+ Các thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được bán, cung cấp theo hợp đồng.
+ Phương thức, thời hạn thanh toán.
+ Đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được bán, cung cấp, các thành phần cấu thành giá cuối cùng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nếu pháp luật có quy định phải công khai cấu thành giá của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
+ Thời gian, địa điểm, phương thức bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
+ Trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng.
+ Quyền và nghĩa vụ của các bên bảo đảm tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
+ Các trường hợp chấm dứt thực hiện hợp đồng.
+ Trách nhiệm của các bên khi phát sinh việc chấm dứt thực hiện hợp đồng.
+ Các trường hợp bất khả kháng theo quy định.
+ Các phương thức giải quyết khi có tranh chấp.
+ Thời điểm giao kết hợp đồng và thời hạn của hợp đồng.
+ Các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
3. Những nội dung nào không được phép quy định trong hợp đồng với người tiêu dùng:
Căn cứ Điều 25 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định các điều khoản không được phép có trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng bao gồm:
– Điều khoản hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng.
– Điều khoản cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương thay đổi quy định của hợp đồng đã giao kết với người tiêu dùng.
– Điều khoản hạn chế, loại trừ trách nhiệm được pháp luật quy định của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng (ngoại trừ trường hợp pháp luật liên quan quy định trách nhiệm được hạn chế, được loại trừ).
– Điều khoản quy định cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương thay đổi điều kiện giao dịch chung mà không quy định quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng cho người tiêu dùng.
– Điều khoản cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh có quyền quy định hoặc có quyền thay đổi giá tại thời điểm giao sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
– Điều khoản cho phép trong quá trình cung cấp dịch vụ liên tục, tổ chức, cá nhân kinh doanh thay đổi giá mà không quy định quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng cho người tiêu dùng.
– Điều khoản cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương xác định người tiêu dùng không thực hiện một hoặc một số trách nhiệm.
– Điều khoản về việc trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ thông qua bên thứ ba quy định loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
– Điều khoản trong trường hợp điều khoản của hợp đồng, điều kiện giao dịch chung được hiểu khác nhau cho phép cá nhân, tổ chức kinh doanh giải thích hợp đồng, điều kiện giao dịch chung.
– Điều khoản bắt buộc người tiêu dùng phải tuân thủ trách nhiệm khi tổ chức, cá nhân kinh doanh không hoàn thành trách nhiệm của mình.
– Điều khoản cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh chuyển giao trách nhiệm cho bên thứ ba nhưng không có sự đồng ý của người tiêu dùng.
– Điều khoản quy định về việc tổ chức, cá nhân kinh doanh gia hạn hợp đồng đã thỏa thuận với người tiêu dùng mà không quy định trách nhiệm thông báo trước hoặc không có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn gia hạn hay chấm dứt thực hiện hợp đồng.
– Điều khoản quy định về chế tài theo hướng bất lợi hơn cho người tiêu dùng do vi phạm hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng.
– Điều khoản quy định trái với nguyên tắc thiện chí theo quy định của pháp luật về dân sự, dẫn đến mất cân bằng về quyền và nghĩa vụ của các bên theo hướng bất lợi cho người tiêu dùng.
– Điều khoản quy định về tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin của người tiêu dùng là điều kiện để giao kết hợp đồng, điều kiện giao dịch chung và người tiêu dùng phải đồng ý.
Theo đó, những điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng sẽ không có hiệu lực khi thuộc một trong những trường hợp trên.
4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng:
Căn cứ quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính sẽ là 01 năm, ngoại trừ một số lĩnh vực thời hiệu xử lý sẽ là 02 năm như: kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả.
Như vậy, theo quy định trên thì đối với hành vi vi phạm về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng thời hiệu xử phạt là 01 năm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật dân sự năm 2015.
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15.
Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.