Khi tiếp xúc với thức ăn thì người chế biến phải tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Vậy xử phạt không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thức ăn được pháp luật quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Xử phạt không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thức ăn:
Điều 15 Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BYT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định về xử phạt vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống mà thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm, cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không có bảo đảm vệ sinh;
+ Không có đủ các dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến;
+ Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, các động vật gây hại xâm nhập;
+ Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không có đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi mà tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay;
+ Không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa các thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng với quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước;
+ Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng với quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn;
+ Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm về vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm;
+ Cống rãnh thoát nước thải ở khu vực cửa hàng, nhà bếp bị ứ đọng; không được che kín;
+ Không có nhà vệ sinh, không có nơi rửa tay;
+ Không có dụng cụ thu gom, dụng cụ chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh;
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm.
– Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Sử dụng nước không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật hoặc không bảo đảm được vệ sinh theo quy định của pháp luật tương ứng để chế biến thức ăn; để vệ sinh các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống;
+ Chủ cơ sở không có giấy xác nhận tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm;
+ Không thực hiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải trong phạm vi của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo đúng quy định của pháp luật;
+ Vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ ăn uống
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà người này đang bị mắc các bệnh: tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp.
Điều 16 Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BYT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định về xử phạt vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố, cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo đúng quy định của pháp luật để bày bán thức ăn;
+ Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, các động vật gây hại xâm nhập;
+ Không sử dụng găng tay khi mà tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với các thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
+ Người trực tiếp chế biến thức ăn mà đang bị mắc các bệnh là: tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp;
+ Sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, san chiết không phù hợp với các quy định của pháp luật để chế biến thức ăn;
+ Sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn; để vệ sinh các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống;
+ Vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật trong kinh doanh thức ăn đường phố.
Như vậy, trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm có sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà người này có hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Còn trong kinh doanh thức ăn đường phố, người có hành vi không sử dụng găng tay khi mà tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
2. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố:
2.1. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống:
– Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với những nơi chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống
+ Bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa các thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến.
+ Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho việc chế biến, kinh doanh.
+ Có dụng cụ để thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh.
+ Cống rãnh ở các khu vực cửa hàng, nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng.
+ Nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì về chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại.
+ Có thiết bị bảo quản thực phẩm, nhà vệ sinh, rửa tay và thu dọn các chất thải, rác thải hàng ngày sạch sẽ.
+ Người đứng đầu đơn vị có bếp ăn tập thể phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm.
– Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống:
+ Có dụng cụ, đồ chứa đựng riêng cho các thực phẩm sống và thực phẩm chín.
+ Dụng cụ nấu nướng, chế biến phải bảo đảm được an toàn vệ sinh.
+ Dụng cụ ăn uống phải được làm bằng các vật liệu an toàn, rửa sạch, giữ khô.
+ Tuân thủ các quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
– Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong chế biến và bảo quản thực phẩm
+ Sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải rõ về nguồn gốc và bảo đảm an toàn, lưu mẫu thức ăn.
+ Thực phẩm phải được chế biến bảo đảm được an toàn, hợp vệ sinh.
+ Thực phẩm bày bán phải để ở trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được bụi, mưa, nắng và sự xâm nhập của các côn trùng và động vật gây hại; được bày bán trên bàn hoặc giá cao hơn mặt đất.
2.2. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố:
– Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi bày bán thức ăn đường phố:
+ Phải cách biệt các nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm.
+ Phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm về vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố.
– Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với những nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố:
+ Nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm được an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
+ Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm được an toàn vệ sinh.
+ Bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với các thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm.
+ Có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và các động vật gây hại.
+ Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho việc chế biến, kinh doanh.
+ Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành đối với những người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
– Trách nhiệm quản lý kinh doanh thức ăn đường phố:
+ Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố.
+ Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý các hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BYT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm;
– Văn bản hợp nhất 02/VBHN-VPQH 2018 Luật An toàn thực phẩm.