Xử phạt hành chính đối với hành vi tự ý xây nhà ở trên đất ao, hồ. Luật sư tư vấn về thẩm quyền, thời hiệu xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Xử phạt hành chính đối với hành vi tự ý xây nhà ở trên đất ao, hồ. Luật sư tư vấn về thẩm quyền, thời hiệu xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi xây nhà từ năm 2015 (trên đất ao hồ đã trừ vào ruộng từ năm 1993) đến nay đã ở được hơn một năm. Vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi chưa có điều kiện để xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nay Uỷ ban nhân dân xã mời tôi đến làm việc và nói gia đình tôi xây nhà trái phép và yêu cầu phá nhà trả lại nguyên trạng đất. Cho tôi hỏi xã yêu cầu gia đình tôi như vậy là đúng hay sai. Vì trong suốt quá trình tôi xây nhà Ủy ban nhân dân xã có biết nhưng không có ý kiến. Làng tôi hàng trăm gia đình thì phải có 50% các gia đình vi phạm. Nhưng xã chỉ phạt gia đình nhà tôi.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
+ Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012
+ Nghị định số 102/2014/NĐ- CP
2. Nội dung tư vấn:
Về việc Ủy ban nhân dân xã phường yêu cầu gia đình bạn tháo dỡ nhà, trả lại nguyên trạng đất.
Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai năm 2013 quy định về nguyên tắc sử dụng đất thì đất phải đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất. Do vậy, việc bạn xây nhà trên mảnh đất không phải là đất ở, đất được phép xây dựng (ở đây là đất ao, hồ) được xác định là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích. Điều 12 Luật Đất đia 2013 quy định nghiêm cấm các hành vi sử dụng đất không đúng mục đích.
“Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.
2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.
3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích…”
Như đã phân tích, đất ao, hồ có thể được xác định là thuộc nhóm đất nông nghiệp, do vậy, khi bạn xây nhà trên đất ao, hồ được hiểu là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp. Với hành vi này, thì căn cứ theo Điều 8 Nghị định 102/2014/NĐ- CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, bạn sẽ bị xử phạt như sau:
"Điều 8: Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
…
2. Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;
b) Phạt tiền từ trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta;
c) Phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.
….
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này."
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 102/2014/NĐ- CP được trích dẫn nêu trên thì ngoài việc bị xử phạt hành chính thì bạn còn bị buộc tháo dỡ ngôi nhà đã xây, khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
>>> Luật sư tư vấn về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai: 1900.6568
Theo quy định tại Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì thời hiệu xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai là 02 năm. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính áp dụng như sau:
– Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
– Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.
Khi hết thời hiệu xử phạt hành chính thì cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính sẽ không được ra quyết định xử phạt hành chính đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính.
Căn cứ theo thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, đồng thời quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất sang đất nông nghiệp theo Điều 8 Nghị định 102/2014/NĐ- CP thì có thể thấy trong trường hợp cụ thể của bạn, việc Ủy ban nhân dân xã yêu cầu gia đình bạn tháo dỡ nhà và trả lại nguyên trạng đất như vậy là đúng quy định của pháp luật.
Về việc trong làng của bạn có nhiều gia đình vi phạm
Theo thông tin bạn cung cấp thì trong làng của có hàng trăm gia đình thì phải có đến 50% các gia đình vi phạm nhưng họ không bị xử lý mà chỉ xử phạt một mình gia đình bạn. Nếu có căn cứ xác định những hộ dân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (tương tự như gia đình bạn) nhưng vì lý do nào đó mà không bị xử lý và bạn cảm thấy không công bằng đối với gia đình mình thì bạn hoàn toàn có quyền tố cáo hành vi vi phạm của cá nhân, hộ gia đình vi phạm; hoặc khiếu nại quyết định xử phạt hành chính của Ủy ban nhân dân xã có thẩm quyền đối với những hộ dân khác nếu có căn cứ mức xử phạt, hay hình thức xử phạt không tương xứng với mức độ vi phạm.