Xử lý trường hợp xây dựng nhà trên đất không có quyền sử dụng hợp pháp? Xây dựng nhà trái phép bị xử lý như thế nào?
Xử lý trường hợp xây dựng nhà trên đất không có quyền sử dụng hợp pháp? Xây dựng nhà trái phép bị xử lý như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Gia đình chúng tôi có mảnh vườn liền kề nhà ở sử dụng ổn định từ năm 1989 đến nay không có tranh chấp. Thời gian gần đây có người từ nơi khác đến xây dựng nhà ở trên phần đất này. Ủy ban nhân dân xã đã lập biên bản xây dựng trái phép, tuy nhiên gia đình này vẫn cố ý vi phạm. Ủy ban nhân dân xã đã gửi văn bản lên huyện nhưng huyện không giải quyết với lý do là: do ủy ban nhân dân xã không quyết liệt ngay từ đầu đã để cho gia đình này hoàn thành công trình đưa vào sử dụng. Vậy bây giờ chúng tôi phải làm thế nào để tháo dỡ được nhà ở nói trên . Gia đình chúng tôi sinh sống tại vùng ven biển khó khăn ở Hà tĩnh. Cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Căn cứ Điều 5 Luật đất đai 2013 thì:
Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:
– Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức);
– Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân);
– Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;
– Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo;
– Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;
– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Người có quyền sử dụng đất hợp pháp có quyền thực hiện các hoạt động trong phạm vi sử dụng của mình và tuân theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp xây dựng nhà trên đất thì phải xin cấp giấy phép xây dựng trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng 2014.
Do vậy, nếu có một người khác xây dựng trên mảnh đất mà họ không phải là người sử dụng đất hợp pháp đối với mảnh đất đó thì việc xây dựng của họ là hoàn toàn sai theo quy định của pháp luật.
Căn cứ khoản 7 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính hành vi xây dựng không phép như sau:
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
– Xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng;
– Xây dựng công trình sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với công trình xây dựng được miễn giấy phép xây dựng.
Biện pháp khắc phục bổ sung: buộc tháo dỡ công trình xây dựng.
Thẩm quyền áp dụng: chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, chánh thanh tra Bộ xây dựng, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, Chánh thanh tra xây dựng.
Hành vi trên vừa vi phạm quy định xây dựng không phép và có thể vừa vi phạm quyền sử dụng đất của người có quyền sử dụng đất (trường hợp gia đình bạn có quyền sử dụng đất hợp pháp).
Dù là gia đình họ có phải là người có quyền sử dụng đất hợp pháp hay không thì hành vi xây dựng trên đều bị xử phạt vi phạm hành chính hành vi xây dựng không phép và buộc phải tháo dỡ công trình này.
Đối với gia đình bạn nếu bạn chứng minh được đất này là đất mà bạn được nhà nước giao,cho thuê hoặc có một trong các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của nhà bạn thì lúc này gia đình bạn có quyền yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và tháo dỡ công trình vi phạm. Nếu bên vi phạm không thực hiện thì gia đình bạn có quyền yêu cầu giải quyết tại để Ủy ban nhân dân cấp xã để ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện đến Tòa án để Tòa án đòi lại quyền lợi cho bạn.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật xây dựng qua tổng đài: 1900.6568
Nếu như gia đình bạn chỉ có điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không có một trong các giấy tờ hợp pháp thì thời điểm này gia đình bạn chưa được công nhận là người có quyền sử dụng hợp pháp mảnh đất đó. Trường hợp này bạn chỉ có quyền tố cáo hành vi vi phạm đến chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện để chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết. Trường hợp này, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết vì lý do chủ tịch ủy ban nhân dân xã không ngăn chặn ngay từ thời điểm đang xây dựng là không chính xác. Chủ tịch ủy ban nhân cấp xã không ngăn chặn là lỗi bên phía ủy ban nhân dân xã. Còn chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện vẫn phải có trách nhiệm giải quyết người đang có hành vi xâm phạm trong trường hợp này. Gia đình bạn hoàn toàn có quyền khiếu nại quyết định của chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong trường hợp này.