Xóa án tích là một trong những thủ tục rất cần thiết và có ý nghĩa đối với người bị kết án phạt tù. Vậy xóa án tích có mất lệ phí không? Xóa án tích bao nhiêu tiền?
Mục lục bài viết
1. Các trường hợp xóa án tích:
Xóa án tích được hiểu là việc đối tượng bị kết án về một hành vi phạm tội theo quy định của Bộ luật hình sự, sau khi đã chấp hành xong hình phạt tù, đồng thời trải qua khoảng thời gian thử thách luật quy định thì sau đó sẽ được xóa án tích. Và người được xóa án tích sẽ được coi là chưa bị kết án.
Theo quy định của Bộ luật hình sự hiện nay có 03 trường hợp được xóa án tích, bao gồm:
– Đương nhiên được xóa án tích.
– Xóa án tích theo quyết định của Tòa án.
– Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt.
Thứ nhất, đối với trường hợp đương nhiên được xóa án tích phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Áp dụng đối với những người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
+ Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội phải chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo.
+ Hết thời hiệu thi hành bản án.
+ Đối tượng đã chấp hành xong hình phạt chính hoặc đã hết thời gian thử thách án treo.
+ Đối tượng đã chấp hành xong các hình phạt bổ sung cũng như các quyết định khác của bản án.
+ Không thực hiện hành vi phạm tội trong khoảng thời gian sau:
Trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo: thời gian là 01 năm.
Trường hợp bị phạt tù đến 05 năm: thời gian là 02 năm.
Trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm: thời gian là 03 năm.
Trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án: thời gian là 05 năm.
+ Từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, đối tượng không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn như nêu trên.
Thứ hai, đối với trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án:
+ Áp dụng đối với các đối tượng bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI Bộ luật hình sự.
+ Đối tượng bị kết án phải chấp hành xong hình phạt chính; hoặc đã hết thời gian thử thách án treo; chấp hành xong hình phạt bổ sung cũng như các quyết định khác của bản án.
+ Đối tượng không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau:
trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo: 01 năm.
Trường hợp bị phạt từ đến 05 năm: 03 năm.
Trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm: 05 năm.
Trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.: 07 năm.
Thứ ba, đối với trường hợp xóa án tích trong trường hợp đặc biệt:
Điều kiện để được xóa án tích trong trường hợp này là:
+ Đối tượng bị kết án có biểu hiện tiến bộ rõ rệt.
+ Đã lập công.
+ Được cơ quan, tổ chức nơi đối tượng bị kết án công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị được xóa án tích.
+ Đối tượng bị kết án đảm bảo được ít nhất một phần ba thời hạn đối tượng bị kết án không thực hiện hành vi phạm tội mới theo quy định của trường hợp đương nhiên xóa án tích và xóa án tích theo quyết định của Tòa án.
2. Xóa án tích có mất lệ phí không? Xóa án tích bao nhiêu tiền?
Hiện nay, theo quy định hiện hành thì người xin xóa án tích theo quyết định của Tòa án hoặc xóa án tích trong trường hợp đặc biệt sẽ không phải nộp bất cứ khoản lệ phí nào.
Còn với trường hợp đương nhiên xóa án tích, người dân muốn chứng thực việc được xóa án tích đó thì thực hiện xin lý lịch tư pháp sẽ bị mất phí. Cụ thể:
– Mức phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp: 200.000 đồng/lần/người.
– Mức phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp áp dụng đối với các đối tượng gồm sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi và người có công nuôi dưỡng liệt sỹ): 100.000 đồng/lần/người.
Lưu ý: nếu như người có yêu cầu xị cấp phiếu lý lịch tư pháp từ phiếu thứ 3 trở đi sẽ tính thuê thêm 5000 đồng/phiếu.
(căn cứ Điều 4 Thông tư số 244/2016/TT-BTC, được hướng dẫn bởi Mục 1 Công văn 44/TTLLTPQG-HCTH năm 2017).
3. Hồ sơ xóa án tích:
Thứ nhất, trường hợp đương nhiên xóa án tích:
– Đối tượng có nhu cầu xóa án tích sẽ làm văn bản yêu cầu gửi đến cơ quan có thẩm quyền là sở tư pháp tại nơi đăng ký thường trú. Hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để chứng nhận đã xóa án tích bao gồm:
+ Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
+ Giấy tờ tùy thân (gồm chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân).
+ Trích lục/bản sao Bản án hình sự sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật, nếu đã xét xử phúc thẩm thì cung cấp cả trích lục/bản sao Bản án sơ thẩm và phúc thẩm.
+ Trường hợp được đặc xá thì cần Giấy chứng nhận đặc xá do Trại giam nơi thi hành án cấp.
+ Trường hợp bị xử phạt tù giam và đã chấp hành xong hình phạt tù: Giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt tù do Trại giam nơi thi hành án cấp hoặc giấy tờ có giá trị thay thế.
+ Trường hợp bị phạt tù nhưng được hưởng án treo: Giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời gian thử thách án treo do Cơ quan thi hành án hình sự – Công an quận, huyện, thị xã hoặc giấy tờ có giá trị thay thế.
+ Trường hợp bị phạt cải tạo không giam giữ: Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cải tạo không giảm giữ do Cơ quan thi hành án hình sự – Công an quận, huyện, thị xã cấp hoặc giấy tờ có giá trị thay thế.
+ Các Biên lai nộp tiền án phí, tiền phạt và các nghĩa vụ dân sự khác như: bồi thường, truy thu…
– Sau đó cơ quan có thẩm quyền sẽ xác nhận cấp phiếu lý lịch tư pháp là người đó không có án tích trong vòng 05 ngày tính từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy đối tượng có nhu cầu đáp ứng đủ các điều kiện.
Do đó, khi cá nhân đủ điều kiện được đương nhiên xóa án tích, trong trường hợp có nhu cầu cần chứng minh việc xóa án tích thì có thể đến Sở Tư pháp nơi thường trú, trong phiếu lý lịch tư pháp sẽ ghi nhận cá nhân đó đã được xóa án tích hay chưa được xóa.
(Căn cứ Điều 369 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Thứ hai, trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án:
Hồ sơ cần có:
+ Đơn xin xóa án tích (theo mẫu của Tòa án).
+ Giấy xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc thi hành xong các khoản bồi thường, án phí, tiền phạt.
+ Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù của trại giam nơi thi hành án cấp.
+ Giấy chứng nhận không phạm tội mới do Công an Quận, Huyện nơi người bị kết án thường trú cấp (theo mẫu quy định của ngành Công an).
+ Bản sao Giấy tờ tùy thân.
Thứ ba, trường hợp xóa án tích trong trường hợp đặc biệt:
Hồ sơ gồm:
+ Đơn xin xóa án tích (theo mẫu của Tòa).
+ Văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức nơi người có án tích công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú.
+ Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù của trại giam nơi thi hành án cấp.
+ Giấy xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc thi hành xong các khoản bồi thường, án phí, tiền phạt.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Thông tư số 244/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp