Xác định trách nhiệm bồi thường khi lái xe gây tai nạn. Lái xe trên đường đâm vào trẻ nhỏ gây thiệt hại về sức khỏe có phải bồi thường?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi tham gia giao thông với tốc độ cho phép, có 2 em học sinh tiểu học đi bộ cùng chiều, bất ngờ đùa giỡn rồi băng ngang đường, do không tránh kịp, tôi va phải đứa trẻ ấy và văng cả người lẫn xe xuống hố rác bên vệ đường. Hậu quả làm đứa trẻ bị xây xát nhẹ vùng trán và mặt, tôi cũng bị xây xát nhẹ, xe bị vỡ. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Về việc ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ở đây thì cần phải xác định được lỗi trong trường hợp này thuộc về bên nào. Bởi theo quy định tại Điều 604 “Bộ luật dân sự 2015” thì:
“1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.”
Như vậy, một trong những điều kiện để bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đó là phải có lỗi. Và để xác định xem ai có lỗi trong trường hợp này thì cần có kêt luận của cơ quan chức năng. Nếu:
Trường hợp 1, cơ quan chức năng xác định lỗi ở đây hoàn toàn thuộc về một trong hai bên thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này thuộc về bên nào có lỗi. Bên có lỗi sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hai cho bên còn lại. Trong trường hợp này, nếu lỗi hoàn toàn do phía bạn thì bạn phải có trách nhiệm bồi thường cho hai em nhỏ theo quy định tại Điều 640 “Bộ luật dân sự 2015”. Nếu lỗi hoàn toàn thuộc về hai em nhỏ thì trách nhiệm thuộc về người đại diện hoặc người giám hộ của hai em (vì hai em nhỏ ở đây không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ) theo quy định tại Điều 141 “Bộ luật dân sự 2015”.
>>> Luật sư
Trường hợp 2, cơ quan chức năng xác định lỗi thuộc về cả hai bên thì tùy theo mức độ lỗi của hai bên để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mỗi bên. Trong trường hợp này, nếu bạn và cả hai em nhỏ đều có lỗi thì tùy tùy thuộc vào mức độ lỗi của bạn cũng như mức độ lỗi của hai em nhỏ thì mỗi bên sẽ phải bồi thường theo mức độ lỗi mà các bên vi phạm.
Trường hợp 3, nếu cơ quan chức năng kết luận việc bạn gây thiệt hại cho hai em nhỏ là một tình thế cấp thiết thì theo quy định tại Điều 614 “Bộ luật dân sự 2015” thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong tình thế cấp thiết như sau:
“1. Người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
2. Trong trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại.
3. Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.”
Như vậy, nếu cơ quan chức năng kết luận việc bạn làm hai em nhỏ bị tai nạn là do tình thế cấp thiết, hai em nhỏ tự băng qua đường khiến bạn không thể xử lý tình huống được phải khiến các em văng ra lề đường và xây xát thì bạn sẽ không phải bồi thường cho hai em nhỏ. Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng xác định hành vi của bạn là hành vi vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì bạn phải bồi thường cho hai em nhỏ phần vượt quá đó.