Tội vu khống: Cấu thành tội phạm, mức phạt tù là bao nhiêu? Xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của người khác có phạm tội không?
Danh dự, nhân phẩm, uy tín hay còn gọi là phẩm giá là những giá trị cơ bản của một con người, phản ánh sự tồn tại tối thiểu của họ trong xã hội. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của mỗi người là vô giá và cần được tôn trọng và bảo vệ. Thế nhưng, trên thực tế, có những người rất coi trọng phẩm giá của bản thân nhưng vì sự ích kỷ, vì những tổn thương của bản thân, vì những mâu thuẫn va chạm mà chà đạp lên phẩm giá của người khác, lại còn sẵn sàng “gắp lửa bỏ tay người”, bịa đặt, vu khống cho người khác nhằm xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác.
Nhưng, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Dù họ không hiểu hay cố tình không hiểu thì hành vi “vu khống” xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác đều được xác định là hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trong đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống. Vậy vu khống là gì? Để giải quyết vấn đề này, trong phạm vi bài viết, đội ngũ luật sư và chuyên viên Luật dương gia sẽ đề cập đến quy định về tội vu khống, cấu thành tội phạm của tội này và mức phạt tù được áp dụng đối với tội này.
Hiện nay, nội dung quy định về tội vu khống, cấu thành của tội vu khống, và mức hình phạt của tội vu khống đang được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bởi Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự 2015. Cụ thể:
Mục lục bài viết
- 1 1. Cấu thành của Tội vu khống
- 2 2. Mức hình phạt của tội vu khống
- 3 3. Xử lý hành vi vu khống người khác sàm sỡ mình
- 4 4. Xử phạt hành vi vu khống người khác
- 5 5. Vu khống, bôi nhọ người khác bằng tin nhắn bị xử lý thế nào?
- 6 6. Tố cáo hành vi vu khống và xúc phạm danh dự nhân phẩm
- 7 7. Dấu hiệu cấu thành tội vu khống người khác
1. Cấu thành của Tội vu khống
Trên phương diện lý luận chung, cấu thành tội phạm được xác định là tổng hợp tất cả những nội dung, những phương diện cấu tạo, tạo thành một tội phạm nói chung, là tính riêng của từng tội phạm để xác định và phân biệt tội phạm này với tội phạm khác, là cơ sở để xác định một người có bị xác nhận là tội phạm, bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội danh trong quy định của Bộ luật hình sự hay không. Một tội phạm thường được cấu thành từ 04 yếu tố cơ bản: Mặc khách quan, mặt chủ quan, chủ thể, khách thể.
Luật sư
Cụ thể: Căn cứ theo quy định tại Điều 156
- Về mặt khách quan:
Mặt khách quan được xác định là một trong những yếu tố, những phương diện quan trọng trong cấu thành tội phạm, là những biểu hiện rõ ràng nhất mà tội phạm thể hiện ra bên ngoài, là cơ sở ban đầu và rõ ràng nhất để nhận biết một tội phạm trong mối liên hệ với thế giới khách quan. Mặt khách quan của một tội phạm được thể hiện thông qua hành vi phạm tội, hậu quả của hành vi phạm tội và những yếu tố hỗ trợ việc thực hiện hành vi phạm tội như công cụ, phương tiện, thời điểm phạm tội, địa điểm thực hiện hành vi phạm tội. Trong Tội vu khống, mặt khách quan của tội phạm được biểu hiện như sau:
– Về hành vi: Trong cấu thành tội phạm của Tội vu khống, mặt khách quan của tội này thường được thể hiện thông qua hành vi “vu khống”. “Vu khống” nghĩa là bịa đặt về mặt thông tin, nhưng mục đích của việc bịa đặt là nhằm hạ thấp phẩm giá của người khác, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của họ. Trong tội vu khống, hành vi này thường được thể hiện thông qua việc:
+ Bịa đặt, loan truyền, phát tán những thông tin mà không có cơ sở, những thông tin sai sự thật, tự dựng chuyện để nhiều người cùng biết đến với mục đích “nói xấu”, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, hoặc nhằm xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
+ Bịa đặt, đưa ra thông tin vô căn cứ, vu cáo người khác phạm tội và tố cáo họ trước những cơ quan có thẩm quyền, nhằm mục đích làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm hay quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Có thể thấy, cho dù thực hiện hành vi vu khống dưới dạng nào thì những thông tin mà người phạm tội vu khống đưa ra đều mang tính chất gian dối, trái với thực tế và đều nhằm mục đích ảnh hưởng nghiêm trọng đến phẩm giá, quyền lợi của người khác. Khi một người thực hiện một trong các hành vi nêu trên thì họ có thể bị truy cứu về Tội vu khống theo quy định của Bộ luật hình sự.
– Về hậu quả: Hành vi của người phạm tội nêu trên đã làm hạ thấp phẩm giá, giá trị của người khác, làm cho họ nhục nhã, xấu hổ trước nhiều người hoặc trở thành người bị tình nghi phạm tội, làm cho uy tín hay danh dự mà họ bị ảnh hưởng, từ đó, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của họ. Đồng thời, những thông tin mà người phạm tội đưa ra và loan truyền nhằm xúc phạm người khác là không có căn cứ, là trái với sự thật nhưng không phải ai tiếp nhận nguồn thông tin này cũng hiểu được điều đó, mà họ sẽ lầm tưởng thông tin đó là thật và tin tưởng vào nó. Xuất phát từ tâm lý hoài nghi, như câu châm ngôn “không có lửa làm sao có khói” nên nhiều người khi tiếp nhận thông tin sai sự thật từ người đang có hành vi vu khống sẽ có nhận định không tốt về phẩm giá, danh dự, uy tín của người bị vu khống. Và như ông bà ta đã nói “tiếng lành đồn gần, tiếng xấu đồn xa”, áp lực dư luận sẽ làm cho người bị vu khống bị tủi hổ, cảm thấy oan ức, nhục nhã, tự tin, ảnh hưởng đến cuộc sống và bản thân của người bị vu khống.
– Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra:
Để xác định một hành vi có được xác định là vu khống hay không, có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì phải xác định được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả của hành vi. Bởi khi muốn vu khống một người, thì việc bịa đặt, hay lan truyền thông tin sai sự thật, hay vu cáo người khác, ít nhiều đều nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác.
Nếu một người có hành vi bịa đặt, hay loan truyền thông tin gian dối nhưng nội dung thông tin không nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng hay gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác thì cũng không cấu thành nên tội vu khống. Hay một người bị tố cáo lên cơ quan công an về hành vi trộm cắp tài sản. Mặc dù việc tố cáo này đã ảnh hưởng uy tín, danh dự và cuộc sống của người bị phạm tội nhưng thông tin tố cáo không phải là thông tin bịa đặt mà là những thông tin đã có đầy đủ bằng chứng, chứng cứ xác nhận có sự việc người này thực hiện hành vi trộm cắp thì trường hợp này, người đã thực hiện hành vi tố cáo cũng không bị truy cứu trách nhiệm về Tội vu khống.
Ví dụ: Anh A có vay mượn của anh B một số tiền là 100.000.000 đồng từ lâu nhưng do khó khăn, làm ăn thua lỗ nên anh A chưa thể trả được nợ nhưng vẫn thường xuyên thể hiện thiện chí trả nợ. Sau nhiều lần đòi nợ mà chưa thu được tiền vay, anh B đã cùng người thân của mình đã đăng tải hình ảnh và thông tin cá nhân của anh A lên các trang facebook, zalo (mạng xã hội) cùng những thông tin sai sự thật, nói anh A là “kẻ lừa đảo”, là “người có quan hệ bất chính với người đã có chồng”, là “kẻ trăng hoa”, “đã lừa nhiều người”, “từng đi tù…” nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của anh A, ép anh A phải trả tiền. Có thể thấy, việc anh A chưa trả được nợ, mất khả năng thanh toán vì làm ăn thua lỗ không phải là căn cứ để nói rằng anh A lừa đảo. Hơn nữa những thông tin mà anh B đưa ra là những thông tin sai sự thật nhằm mục đích để xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của anh A. Trường hợp này anh B có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vu khống.
- Về mặt chủ quan:
Nếu mặt khách quan là những yếu tố, phương diện thể hiện ra bên ngoài thì mặt chủ quan được biết đến là những phương diện nội tại bên trong cấu thành tạo nên một tội phạm. Nội dung mặt chủ quan thường được xác định thông qua các yếu tố lỗi, động cơ phạm tội, mục đích phạm tội và diễn biến tâm lý của người phạm tội, và đây được xác định là những yếu tố không dễ xác định, khó nhận biết khi xác định một tội phạm.
Trong Tội vu khống, mặt chủ quan được xác định như sau:
– Người thực hiện hành vi vu khống người khác phải thực hiện với lỗi cố ý, tức là bản thân người này phải nhận biết và hiểu được việc bịa đặt hay loan truyền những thông tin gian dối hay bịa đặt và tố cáo người khác phạm tội lên cơ quan có thẩm quyền sẽ xúc phạm nghiêm trọng như thế nào đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, và quyền lợi của người mà mình vu khống. Trường hợp này, bản thân người phạm tội không chỉ nhận thức được mà còn mong muốn hậu quả này sẽ xảy ra.
– Mục đích của người phạm tội khi thực hiện hành vi vu khống người khác là đều nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của đối tượng mà mình vu khống.
– Động cơ của người phạm tội: Người thực hiện hành vi vu khống người khác thường xuất phát từ động cơ là sự thù hằn, ganh ghét hay những mâu thuẫn giữa người này với người bị vu khống, hoặc xuất phát từ những tổn thương mà người bị vu khống đã gây ra cho người thực hiện hành vi vu khống.
Ví dụ: Chị A phát hiện với chồng mình có quan hệ qua lại bất chính với chị K thông qua việc phát hiện họ nói chuyện thân mật và thường xuyên nhắn tin cho nhau nên sau khi truy xuất được thông tin của cô gái K này, chị A đã mang ảnh của cô K cùng với những thông tin về cô này lên facebook cùng với việc đưa ra thông tin miệt thị, tố cáo cô này là “làm gái” (nghề mại dâm), “là đồ làm đĩ”, “là phò”, là người “nhân cách như cái giẻ rách”, là “rắn hoa”, là “kẻ đào mỏ”, với những lời lẽ tục tĩu, rồi còn đưa ra những thông tin như cô này đã “lừa tình”, “chắc là đã ngủ với nhiều người”… Nội dung này đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, được nhiều người vào “comment” – bình luận những lời lẽ thô tục, chửi mắng kẻ thứ 3 là cô K này, và được chia sẻ rất nhiều. Những thông tin mà chị A đưa ra, vốn không phải là sự thật và chẳng có căn cứ nào để chứng minh nội dung đó là sự thật, kể cả việc cô K là người thứ 3 trong mối quan hệ giữa vợ chồng chị A, nhưng việc chị A bị đặt và lan truyền những thông tin này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của chị K, làm đảo lộn cuộc sống của gia đình chị K, đồng thời đã làm định hướng dư luận theo hướng tiêu cực, có cái nhìn không tốt đối với chị K. Hành vi này của chị A đang có dấu hiệu của hành vi vu khống.
Nhưng có thể thấy, hành vi vu khống của chị A đối với chị K, không phải là vô ý mà là hành vi hoàn toàn có chủ đích từ trước, với mục đích là xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá của chị K. Hành vi này xuất phát từ nghi ngờ về việc ngoại tình của chồng chị A với chị K này và sự tổn thương của người vợ khi bị phản bội, với tâm lý không ổn định nên chị A đã vu khống chị K để “trút giận”, làm cho chị K bị nhục nhã, tủi hổ mà rời xa chồng của chị A. Dù có thể cảm thông với tâm trạng và nỗi lòng người vợ của chị A nhưng rõ ràng những thông tin mà chị A đưa ra đều là bịa đặt, không có cơ sở và hành vi của chị A đã làm tổn thương nghiêm trọng đến chị K. Do vậy, trường hợp này, chị A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống.
- Về mặt khách thể:
Mặt khách thể, hiểu đơn giản đó là đối tượng, là các quan hệ xã hội mà hành vi phạm tội đã hướng đến và xâm phạm. Trong cấu thành của Tội vu khống, mặt khách thể của tội này được xác định là “danh dự, nhân phẩm, uy tín” hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân. Trong đó:
Danh dự, nhân phẩm, uy tín là những giá trị cốt lõi làm nên mỗi con người mà hiểu đơn giản là cách nhìn nhận, đánh giá khách quan của xã hội về một con người và những phẩm chất tạo nên con người. “Danh dự, nhân phẩm, uy tín” của mỗi người là tài sản vô giá mà mỗi người đều trân trọng và được pháp luật bảo vệ. Tại Điều 20 Hiến pháp năm 2013, Điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015 đều khẳng định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là những giá trị bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
- Về mặt chủ thể:
Chủ thể của Tội vu khống theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 được xác định là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
2. Mức hình phạt của tội vu khống
Căn cứ theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015, được thay thế , sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 thì tùy vào mức độ hành vi vi phạm mà người phạm tội vu khống có thể bị xử phạt với các mức hình phạt như sau:
– Mức 1: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 năm đến 01 năm:
Mức hình phạt này được áp dụng chung đối với những người đã có hành vi vu khống, thể hiện ở việc bịa đặt, loan truyền những thông tin sai sự thật, không có cơ sở về người khác nhằm mục đích để xúc phạm đến danh sự, nhân phẩm của họ một cách nghiêm trọng hoặc nhằm mục đích gây thiệt hại đến quyền lợi của họ. Hoặc áp dụng trong trường hợp họ bịa đặt, vu cáo người khác lên cơ quan thẩm quyền rằng một người phạm tội mà không có bất kỳ cơ sở nào.
– Mức 2: Phạt tù 01 năm đến 03 năm
Cũng thực hiện hành vi “vu khống” như trên nhưng nếu người thực hiện hành vi phạm tội có các tình tiết như: có tổ chức, vu khống những người thân thích có công nuôi dưỡng mình (như ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, chữa bệnh cho mình), vu khống từ hai người trở lên hoặc vu khống người đang thi hành công vụ; hoặc có tình tiết lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để thực hiện hành vi vu khống hoặc sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; vu khống từ 02 người trở lên; hoặc vu khống người khác về tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; hoặc có tình tiết gây rối loạn về tâm lý cho nạn nhân từ 31% đến 60% thì trường hợp này, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
– Mức 3: Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm
Cũng thực hiện hành vi vu khống để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng mục đích phạm tội xuất phát từ động cơ đê hèn hoặc dẫn đến hậu quả làm cho người bị vu khống tự sát hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên thì sẽ bị phạt từ từ 03 năm đến 07 năm.
Ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt nêu trên thì người phạm tội vu khống còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc thực hiện công việc theo quy định từ 01 đến 05 năm.
Như vậy, danh dự, nhân phẩm, uy tín là những giá trị cốt lõi làm nên giá trị của một con người. Do vậy, hành vi vu khống nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đáp ứng đủ các yếu tố cấu thành của Tội vu khống theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015. Mức hình phạt đối với người phạm tội vu khống sẽ được xác định dựa trên mức độ nguy hiểm của hành vi, hậu quả mà hành vi đó gây ra và các tình tiết của hành vi phạm tội đó.
3. Xử lý hành vi vu khống người khác sàm sỡ mình
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi là nha sĩ và đang đứng phòng mạch riêng tại nhà, có giấy phép đầy đủ. Hôm vừa rồi, tôi có nhận 1 ca bệnh nữ, sao khi thoả thuận giá cả thì tôi làm cho cô ta 4 cây răng với giá 2 triệu. Khi làm xong, đến lúc thanh toán tiền thì bệnh nhân này không thanh toán mà la lên bảo tôi xàm sỡ, rồi kéo người vào nhà tôi chửi bới, làm uy tín của tôi mất đi. Nhưng tiếc là nhà tôi không có camera ghi lại hình ảnh, vậy Luật sư cho tôi hỏi có thể kiện được không? Và hình thức như thế nào? Xin tư vấn giúp! Xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo như nội dung bạn trình bày hai bên đã thỏa thuận về giá cả khi làm răng cho một bệnh nhân nữ. Tuy nhiên lại có phát sinh là không trả tiền còn vu không hành vi sàm sỡ của bạn.
Bạn trình bày là không có camera, tuy nhiên bạn cần xem xét tại thời điểm đó có ai làm chứng, có mặt tại địa điểm phòng khám không. Và bệnh nhân nữ này có hành vi như thế nào? Nếu như hành vi đó làm ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm, làm ảnh hương đến uy tín của bạn và bạn có căn cứ thì bạn hoàn toàn có quyền làm đơn tố cáo ra bên công an.
Trách nhiệm có thể phải chịu bao gồm trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật dân sư 2005 bao gồm:
+ Xin lỗi công khai
+ Bồi thường khi gây thiệt hại
Ngoài ra xem xét mức độ nặng nhẹ đối tượng này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ – CP, nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại “Bộ luật hình sự 2015” sửa đổi bổ sung 2009.
4. Xử phạt hành vi vu khống người khác
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư, tôi đang mở một quán photo, có một người đến thuê tôi viết một loạt giấy tờ nói xấu một chị tên là Đinh Thu H. Thực ra khi tôi nhận thì tôi cũng không rõ là gì vì tôi chỉ nhận tiền thôi. Tuy nhiên, phòng công an triệu tập tôi đến vì chị H có tố cáo. Họ lập biên bản và xử phạt lỗi viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân. Xin luật sư tư vấn?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì:
Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
l) Viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân;
Như vậy, theo quy định này thì mặc dù bạn chỉ được thuê để viết lại nhưng nếu viết lại nội dung có sự xuyên tạc, không đúng sự thật và làm ảnh hưởng đến uy tín danh dự của người khác thì có thể sẽ bị xử phạt hành chính về tội này.
5. Vu khống, bôi nhọ người khác bằng tin nhắn bị xử lý thế nào?
Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Điều này được ghi nhận trong “Bộ luật dân sự 2015” về Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mỗi cá nhân.
Theo đó, những người có hành vi (bằng lời nói hoặc hành động ) mà xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của người khác là hành vi vi phạm Pháp luật.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
Như vậy, người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể phải chịu truy cứu trách nhiệm hành chính, bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Tuy nhiên, nếu người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 “Bộ luật hình sự 2015”. Theo đó, người bị truy cứu có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc chịu hình phạt tù, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc trong thời hạn nhất định.
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Ngoài ra, theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện có quy định:
Người cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.00 đồng.
Từ các quy định trên, khi một người nhắn tin cho người khác có ý xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người đó, tùy vào mức độ, tính chất, hậu quả của hành vi xúc phạm gây ra mà phải chịu xử lý theo quy định Pháp luật (Truy cứu trách nhiệm hành chính , truy cứu trách nhiệm hình sự và các hình phạt bổ sung theo các quy định nêu trên ).
Do đó, để ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi trái Pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người nhận được các tin nhắn với nội dung vu khống, đe dọa, bôi nhọ thanh danh của mình cần lưu lại các tin nhắn có nội dung đó để làm chứng cứ. Sau đó, báo trực tiếp ( hoặc gián tiếp qua điện thoại, bằng văn bản hoặc thư điện tử) cho doanh nghiệp viễn thông mà mình là khách hàng hoặc gửi đơn khiếu nại cho Sở Thông tin và Truyền thông địa phương để yêu cầu giải quyết. Đồng thời, báo cáo sự việc lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để xử lý vi phạm hành chính hoặc báo cho Cơ quan điều tra để cơ quan này xem xét, điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vi phạm pháp luật
Doanh nghiệp viễn thông khi nhận được khiếu nại, tố cáo của khách hàng về việc quấy rối qua điện thoại cần theo dõi, kiểm tra, xác minh và yêu cầu chủ thuê bao ngừng ngay hành vi vi phạm của mình. Nếu chủ thuê báo quấy rối vẫn cố tình vi phạm, doanh nghiệp đó ngừng cung cấp dịch vụ, đồng thời báo cáo kết quả cho Sở Thông tin và Truyền thông địa phương của người khiếu nại, người quấy rối để xử lý vi phạm theo quy định.
6. Tố cáo hành vi vu khống và xúc phạm danh dự nhân phẩm
Tóm tắt câu hỏi:
Chồng tôi và anh trai cùng chung vốn mua 1 chiếc xe để chạy khách, (xe đứng tên anh trai chồng tôi – anh Minh, chồng tôi không có bằng lái xe). Trong một lần chồng tôi lái xe thì gặp tai nạn và mất. Trong buổi tòa hôm đó tòa có hỏi tôi có đề nghị anh Minh bồi thường tính mạng chồng tôi hay thêm điều gì nữa không, tôi trả lời là không vì tôi thiết nghĩ là anh em người thân trong gia đình thì thôi, tôi không nên đòi tiền bồi thường hay gì khác. Rồi anh Minh có sang nhờ tôi vay giúp anh Minh một khoản tiền để bồi thường và sửa xe. Tôi đã đi vay giúp anh số tiền là 40 triệu đồng, với lời hứa của anh Minh là sẽ trả sớm cho mẹ con tôi. Sau 5 năm năm kể từ ngày anh Minh nhờ tôi vay tiền, khi con tôi đã lớn tôi mới đến hỏi anh Minh nhưng anh Minh có ý không trả và em gái anh Minh là chị Hải đã khó chịu nói “nếu lấy tiền thì mất anh em” và có nhiều lời nói vô tình, hỗn láo với tôi. Kể từ đó tình cảm anh em gia đình bị rạn nứt và tôi luôn bị anh em bên nhà chồng liên tục uy hiếp, dọa dẫm, đánh chửi và làm nhục tôi trước nhiều người, chiếm đoạt tiền bạc vật chất, đất đai của gia đình tôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và danh dự của tôi. Giờ tôi muốn tố cáo chị Hải cùng một số người bên chồng đã cấu kết hành hung, làm nhục tôi trước đông người đồng thời vu khống cho tôi. Tôi muốn anh Minh phải bồi thường lại mất mát cho mẹ con tôi vì suốt bao nhiêu năm từ khi chồng tôi mất anh Minh cùng gia đình bên chồng ghẻ lạnh, đối xử độc ác và không chăm nom mẹ con tôi thì giờ tôi phải làm như nào?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, về việc tố cáo những người có hành vi hành hung, vu khống và làm nhục bạn
– Đối với hành vi vu khống, làm nhục người khác:
Khoản 1 Điều 121 “Bộ luật hình sự 2015” quy định:
Điều 121. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Do đó nếu người cô bên chồng và những người khác thường xuyên có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới bạn, những người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định trên. Nếu chưa nguy hiểm đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, những người đó sẽ bị xở phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
– Đôi với hành vi hành hung người khác
Hành hung người khác là hành vi dùng vũ lực nhằm xâm phạm đến sức khỏe của người khác. Tùy vào mức độ gây thiệt hại, người hành hung bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự:
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
…
Hoặc bị xử phạt hành chính về hành vi xâm hại sức khỏe người khác theo điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác;
Thứ hai, về việc yêu cầu anh Minh bồi thường
Theo bạn trình bày, việc chồng bạn bị tai nạn giao thông chết đã có phiên tòa xét xử và bản án của tòa án cách đây 5 năm. Trong phiên tòa này bạn không yêu cầu anh Minh bồi thường cho mình.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 234 Bộ luật tố tụng hình sự 2003:
1. Thời hạn kháng cáo là mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.
Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là mười lăm ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là ba mươi ngày, kể từ ngày tuyên án.
Bạn có mặt tại phiên tòa xét xử nên thời hạn kháng cáo đối với bản án của tòa án là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Do đó đến thời điểm này (sau 5 năm kể từ ngày tòa tuyên án), thời hạn kháng cáo bản án của bạn đã hết nên không có căn cứ để bạn yêu cầu anh Minh bồi thường nữa.
7. Dấu hiệu cấu thành tội vu khống người khác
Tóm tắt câu hỏi:
Hôm nay ngày 17/03/2018. Công an tỉnh Yên Bái có cử 1 số đồng chí vào địa chỉ UBND xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái làm chứng minh nhân dân (CMND). Trước đó bà ngoại tôi Cư trú tại Thôn Quăn 4, xã Bình Thuận, Văn Chấn, Yên Bái nay chuyển lên Thôn Luất xã Nghĩa Tâm, Văn Chấn, Yên Bái. nhận được tin thì tôi đưa ngoại tôi đi làm CMND khi xuống đó ngoại tôi lỡ cầm quyển sổ hộ khẩu cũ. Ban công an xã không hỏi gì thêm và nói “Gia đình bà đã chuyển khẩu đi rồi, bà định lừa chúng tôi à, Bà lấy địa chỉ này ăn nhiều tiền hỗ trợ hộ nghèo, chúng tôi sẽ làm biên bản để phạt bà 4 triệu đồng.” Bây giờ tôi muốn tố cáo về việc vu khống này. tôi cần những đơn nào để tố cáo ạ. Chờ phản hồi của LUẬT DƯƠNG GIA
Luật sư tư vấn:
Dựa theo thông tin bạn cung cấp, ngày 17/03/2018, theo chủ trương của Công an Tỉnh Yên Bái cử một số đồng chí về trực tiếp về địa phương làm chứng minh nhân nhân (CMND) thì bạn đã đưa bà ngoại của mình đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái để làm thủ tục cấp lại chứng minh nhân dân, tuy nhiên không được thực hiện thủ tục này mà người cán bộ xã còn có hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của bà ngoại bạn khi đưa ra lời nói: “Gia đình bà đã chuyển khẩu đi rồi, bà định lừa chúng tôi à. Bà lấy địa chỉ này ăn nhiều tiền hỗ trợ hộ nghèo, chúng tôi sẽ làm biên bản để phạt bà 4 triệu đồng”.
Trong trường hợp này, để giải quyết vấn đề của bạn cần xem xét các phương diện sau:
Thứ nhất, về việc cấp lại chứng minh nhân dân.
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 05/1999/NĐ-CP thì:
“Điều 3. Đối tượng được cấp Chứng minh nhân dân
1- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi tắt là công dân) có nghĩa vụ đến cơ quan công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp Chứng minh nhân dân theo quy định của Nghị định này.
2- Mỗi công dân chỉ được cấp một Chứng minh nhân dân và có một số chứng minh nhân dân riêng.”
Đồng thời theo quy định tại Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP, việc cấp đổi Chứng minh nhân dân được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau: chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng, chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được; do thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh; do thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, do thay đổi đặc điểm nhận dạng. Trường hợp bị mất Chứng minh nhân dân thì phải làm thủ tục cấp lại.
Nơi làm thủ tục cấp Chứng minh nhân dân theo quy định tại khoản 5 Mục III Thông tư 04/1999/TT-BCA (C13) được xác định như sau:
“III. Thủ tục cấp CMND
5. Nơi làm thủ tục cấp CMND.
a- Công dân thuộc diện được cấp CMND hiện đăng ký hộ khẩu thường trú thuộc địa phương nào do công an cấp huyện nơi đó làm thủ tục cấp CMND.
b- Những công dân đang phục vụ trong Quân đội và Công an nhân dân (trừ số đang thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự) chưa đăng ký hộ khẩu thường trú cùng gia đình hiện đang ở tập trung trong doanh trại quân đội, công an thì do Công an cấp huyện nơi đơn vị đóng trụ sở chính, nhà ở tập thể đó làm thủ tục cấp CMND theo quy định về cấp CMND đối với quân đội và công an. Trường hợp đã đăng ký hộ khẩu thường trú cùng gia đình thì áp dụng như các công dân khác.”
Từ những căn cứ nêu trên, dù bà ngoại của bạn làm thủ tục cấp mới hay làm thủ tục cấp đổi chứng minh nhân dân thì đều do cơ quan công an cấp huyện nơi bà ngoại bạn đang đăng ký thường trú làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân. Trong trường hợp của bà ngoại của bạn, trước đây bà ngoại cư trú tại xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nay đã chuyển nơi đăng ký thường trú lên xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, Yên Bái. Có thể thấy, bà ngoại của bạn mặc dù thay đổi nơi đăng ký thường trú nhưng vẫn thuộc trong cùng một huyện Văn Chấn, thuộc tỉnh Yên Bái.
Trong trường hợp này, nếu bà ngoại của bạn chưa từng được cấp chứng minh nhân dân thì bà ngoại của bạn sẽ được cấp Chứng minh nhân dân theo hộ khẩu thường trú hiện tại là tại xã Nghĩa Tâm, Văn Chấn, Yên Bái, bởi theo quy định tại Điều 22 Luật cư trú năm 2006 thì khi bà của bạn đã đăng ký thường trú ở nơi ở mới thì sẽ bị xóa đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ là tại xã Bình Thuận, Văn Chấn, Yên Bái, và sổ hộ khẩu cũ sẽ không có giá trị sử dụng. Đồng thời, khi đi làm thủ tục bà của bạn phải xuất trình hộ khẩu thường trú hiện tại để cán bộ công an nhân dân cấp chứng minh nhân dân cho bà ngoại bạn.
Trường hợp, bà ngoại bạn làm thủ tục cấp đổi chứng minh nhân dân đã được cấp vì lý do thay đổi nơi cư trú thì bà ngoại của bạn cũng sẽ thực hiện cấp lại theo sổ hộ khẩu mới, và xuất trình hộ khẩu mới khi đi làm thủ tục.
Từ những phân tích ở trên, cho thấy, khi bà bạn đi làm thủ tục cấp hoặc cấp đổi chứng minh nhân dân thì sẽ được cấp theo sổ hộ khẩu hiện tại, và khi đi làm thủ tục bà của bạn phải xuất trình sổ hộ khẩu mới. Trong trường hợp cụ thể của bạn, khi có cán bộ của cơ quan công an cấp huyện về làm thủ tục này, thì mặc dù đã chuyển nơi đăng ký thường trú khác nhưng vẫn thuộc cùng một huyện Văn Chấn, Yên Bái nên bà của bạn vẫn có thể liên hệ với những người cán bộ này để thực hiện thủ tục cấp, hoặc cấp đổi chứng minh nhân.
Thứ hai, về hành vi của người công an cấp xã đối với bà ngoại của bạn.
Như đã phân tích, do nơi đăng ký thường trú cũ và nơi đăng ký thường trú hiện tại đều cùng thuộc một huyện Văn Chấn, Yên Bái, nên khi có cán bộ công an huyện Văn Chấn, Yên Bái xuống địa phương làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân thì việc bà bạn hiện có hộ khẩu ở xã Nghĩa Tâm, Văn Chấn mà đến xã Bình Thuận, Văn Chấn (nơi đăng ký thường trú trước đây) để làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân thì cũng không bị coi là vi phạm. Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, bà của bạn sẽ phải xuất trình sổ hộ khẩu hiện tại là ở xã Nghĩa Tâm, Văn Chấn. Việc bà bạn đi làm thủ tục mà mang nhầm sổ hộ khẩu cũ ở xã Bình Thuận, Văn Chấn, Yên Bái (nơi đăng ký thường trú trước đây) để xuất trình thì không phù hợp với thông tin về nhân thân của bà bạn trên thực tế, có thể gây khó khăn trong việc làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân.
Mặc dù việc xuất trình sổ hộ khẩu không phù hợp sẽ gây khó khăn trong việc làm thủ tục cấp lại chứng minh nhân dân cho bà bạn, tuy nhiên, đó không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, việc người công an xã nói với bà bạn rằng: “Gia đình bà đã chuyển khẩu đi rồi, bà định lừa chúng tôi à. Bà lấy địa chỉ này ăn nhiều tiền hỗ trợ hộ nghèo, chúng tôi sẽ làm biên bản để phạt bà 4 triệu đồng” là không có cơ sở. Cụ thể:
Việc bà ngoại của bạn đã chuyển khẩu từ xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn đến nơi cư trú hiện tại là xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn là đúng sự thật. Tuy nhiên, việc bà của bạn có thay đổi nơi cư trú hay không, có còn hộ khẩu thường trú ở nơi ở cũ (tức xã Bình Thuận) hay không, đều được thể hiện cụ thể trong sổ đăng ký thường trú và trong sổ hộ khẩu, được quản lý trong tàng thư hồ sơ hộ khẩu. Đồng thời, việc hỗ trợ hộ nghèo chỉ thực hiện hỗ trợ cho những đối tượng hộ nghèo trong phạm vi xã đó, trên cơ sở căn cứ thông tin về hồ sơ sổ hộ khẩu được lưu trữ ở xã. Do vậy, cho dù bà ngoại của bạn tự sử dụng sổ hộ khẩu cũ (ở xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn) để nhận tiền hỗ trợ hộ nghèo của xã Bình Thuận thì cũng không thể nhận được vì thông tin về nơi cư trú không còn phù hợp với thông tin cư trú do xã quản lý.
Ngoài ra, việc bà của bạn có nhận được tiền hỗ trợ hộ nghèo của xã Bình Thuận hay không cũng không chỉ phụ thuộc vào bà của bạn có hộ khẩu tại xã này hay không mà còn phụ thuộc vào việc bà bạn có thuộc gia đình hộ nghèo, thuộc diện được hỗ trợ hay không. Cán bộ công an xã cũng không có chứng cứ, không có cơ sở về việc bà của bạn sử dụng sổ hộ khẩu cũ để nhận số tiền hỗ trợ hộ nghèo của xã Bình Thuận mà chỉ dựa trên sự phỏng đoán của bản thân nhưng đã khẳng định là bà của bạn lấy địa chỉ này để “ăn” nhiều tiền hỗ trợ hộ nghèo.
Người công an cấp xã này còn muốn thực hiện việc lập biên bản để xử phạt bà của bạn 4 triệu đồng, trong khi họ không có căn cứ gì cho thấy bà bạn vi phạm pháp luật, hay gian lận để nhận tiền hỗ trợ hộ nghèo…
Từ những phân tích nêu trên, có thể khẳng định, người công an xã ở xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn đang có hành vi bịa đặt những thông tin biết rõ là sai sự thật, là không có căn cứ để xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự, nhân phẩm của bà bạn. Hơn nữa lời nói này được nói công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đang có nhiều người thực hiện thủ tục cấp Chứng minh nhân dân đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của bà ngoại bạn.
Với hành vi này, người công an xã này đang xâm phạm đến quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được quy định tại Điều 34
Với hành vi này, người công an cấp xã này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự 2015 cụ thể:
“Điều 156. Tội vu khống
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người đang thi hành công vụ;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vì động cơ đê hèn;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Căn cứ theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự 2015 được trích dẫn ở trên thì người công an cấp xã này có đủ các dấu hiệu cấu thành tội vu khống, cụ thể:
- Về mặt khách quan:
Người phạm tội có hành vi bịa đặt, thường thể hiện ở hành vi tự đặt ra những điều không đúng sự thật, tung tin thất thiệt, có nội dung xuyên tạc, xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác. Hoặc người phạm tội có hành vi loan truyền, thường thể hiện ở hành vi loan báo, phát tán thông tin biết rõ là bịa đặt, là sai sự thật thông qua lời nói, phương tiện thông tin đại chúng để nhằm xúc phạm đến danh dự hoặc gây thiệt hại cho người khác. Hoặc người phạm tội có hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền như tố cáo đến cơ quan Nhà nước như: Công an, Viện kiểm sát… mặc dù người này thực tế không có thực hiện những hành vi đó.
Hành vi này là nguyên nhân gây ra thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, hoặc là làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người khác.
- Khách thể:
Trong tội vu khống, khách thể mà đối tượng tác động và xâm phạm đến là danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân mà pháp luật bảo vệ.
- Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm tội vu khống thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
- Chủ thể:
Chủ thể của tội này là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì tội phạm này có hai khoản nhưng không có trường hợp nào quy định là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng và Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 cũng không liệt kê đây là tội phạm mà người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.
Xem xét trong trường hợp của bạn, người có hành vi vu khống, xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của bà ngoại bạn ở đây là công an viên của cấp xã hoàn toàn đáp ứng được điều kiện về chủ thể. Đồng thời, như đã phân tích, nội dung lời nói, thông tin mà người công an viên này đã nói được xác định là những thông tin bịa đặt, không hề có căn cứ. Nhưng, hành vi này của công an xã đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp, làm giảm uy tín, danh dự, làm tổn thương đến lòng tự trọng của bà bạn. Ngoài ra, người thực hiện hành vi vu khống bà bạn ở đây là công an viên cấp xã – một trong những người có chức vụ quyền hạn. Việc một người có chức vụ, quyền hạn, là cán bộ của cấp xã đang thực hiện công vụ tại cơ quan đưa ra sự khẳng định, tố cáo bà của bạn sử dụng sổ hộ khẩu cũ để “ăn” (chiếm đoạt) tiền hỗ trợ hộ nghèo dễ khiến người khác tin tưởng vào nội dung lời bịa đặt này, mức độ ảnh hưởng đối với uy tín, danh dự của bà bạn càng nghiêm trọng hơn. Trường hợp này, hành vi của người công an xã đã cho thấy có dấu hiệu về việc lợi dụng chức vụ quyền hạn để vu khống người khác, nên người này có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. Tuy nhiên, việc người này có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, và mức án phạt áp dụng đối với người này còn phụ thuộc vào các bằng chứng, chứng cứ, mức độ vi phạm của hành vi phạm tội này.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
Trường hợp chưa đáp ứng đủ các yếu tố cấu thành tội phạm để bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người này cũng có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi có lời nói xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Như vậy, người công an xã này đã có hành vi bịa đặt những thông tin biết rõ là sai sự thật để xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của bà bạn. Hành vi này có thể được xác định có dấu hiệu của tội vu khống theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015. Trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi của mình, bà của bạn có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu cải chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại, hoặc tố cáo lên cơ quan công an để được can thiệp giải quyết. Kèm theo đơn khởi kiện, hay đơn tố cáo, bạn cần cung cấp các chứng cứ chứng minh vụ việc này như bản ghi âm, ghi hình, người làm chứng,… để chứng minh yêu cầu của mình là hợp pháp.