Vốn chủ sở hữu (Owner’s Equity) là gì? Vốn chủ sở hữu theo tiếng Anh là gì? Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020?
Hiện nay với sự phát triển không ngừng của xã hội và nền kinh tế đã kéo theo rất nhiều doanh nghiệp được thành lập. Tuy nhiên để có thể được cấp phép hoạt động thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng nhiều điều kiện theo quy định của pháp luật. Và vốn chủ sở hữu chính là một yếu tố quyết định được khả năng thành lập của doanh nghiệp. Vậy, vốn chủ sở hữu là gì? Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp theo
Luật sư tư vấn pháp luật miễn phí qua điện thoại 24/7: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
Mục lục bài viết
1. Vốn chủ sở hữu là gì?
Với nhu cầu ngày càng cao của nền thị trường đã kéo theo rất nhiều doanh nghiệp được thành lập. Tuy nhiên, để có thể được thành lập thì bắt buộc cần phải đáp ứng các điều kiện đi kèm trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Và vốn của chủ sở hữu là một trong những nội dung được nhiều người quan tâm. Theo đó, vốn của chủ sở hữu được hiểu là nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp và các thành viên trong công ty sau khi góp vốn vào để thành lập công ty và thu được lợi nhuận.
Vốn này khác với vốn điều lệ của công ty, vốn này là vốn mà các chủ doanh nghiệp hay gọi cách khác là tài sản riêng của chủ sở hữu.
Đây là một trong những nguồn tài trợ thường xuyên trong doanh nghiệp. Chỉ khi nào đơn vị ngừng hoạt động hoặc phá sản, lúc này đơn vị phải dùng tài sản của đơn vị, trước hết ưu tiên thanh toán cho các chủ nợ, sau đó tài sản còn lại mới chia cho các chủ sở hữu theo tỷ lệ vốn góp của họ.
Hiểu đơn giản thì vốn chủ sở hữu sẽ bằng tổng tài sản của doanh nghiệp trừ đi các khoản nợ phải trả. Được tính bằng tổng giá trị tài sản có của công ty trừ đi tổng giá trị tài sản nợ của công ty.
2. Vốn chủ sở hữu trong tiếng Anh là gì?
Vốn chủ sở hữu được dịch sang tiếng anh như sau: Owner’s Equity
3. Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp:
Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp có phạm vi rộng hơn vốn điều lệ, nó bao gồm các thành phần sau đây:
Thứ nhất, vốn điều lệ
Vốn điều lệ được quy định tại Luật doanh nghiệp theo từng loại hình doanh nghiệp sẽ có các quy định khác nhau
Một, đối với công ty cổ phần
Tại Điều 12 của Luật Doanh nghiệp quy định vốn của công ty cổ phần như sau:
– Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.
– Cổ phần đã bán là cổ phần được quyền chào bán đã được các cổ đông thanh toán đủ cho công ty. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, cổ phần đã bán là tổng số cổ phần các loại đã được đăng ký mua.
– Cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần là tổng số cổ phần các loại mà Đại hội đồng cổ đông quyết định sẽ chào bán để huy động vốn. Số cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng số cổ phần các loại mà công ty sẽ chào bán để huy động vốn, bao gồm cổ phần đã được đăng ký mua và cổ phần chưa được đăng ký mua.
– Cổ phần chưa bán là cổ phần được quyền chào bán và chưa được thanh toán cho công ty. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, cổ phần chưa bán là tổng số cổ phần các loại chưa được đăng ký mua.
– Công ty có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
+ Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;
+ Công ty mua lại cổ phần đã bán theo yêu cầu của cổ đông và theo quyết định của công ty.
+ Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 113 của Luật Doanh nghiệp về thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Hai, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên
– Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.
– Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.
– Sau thời hạn 90 ngày quy định trên mà vẫn có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết thì được xử lý như sau:
+ Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;
+ Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;
+ Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.
– Trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp như đã cam kết. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.
Ba, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên
– Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.
– Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.
– Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định 90 ngày, chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày cuối cùng công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo quy định tại khoản này.
– Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ.
Bốn, đối với công ty hợp danh
Tại điều 178 của Luật Doanh nghiệp quy định đối với việc góp vốn của công ty được quy định như sau:
– Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết.
– Thành viên hợp danh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty.
–Trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.
Ngoài ra tại thời điểm góp vốn đủ như đã cam kết, thành viên được cấp giấy chứng nhận phần vốn góp để xác nhận việc góp vốn của các thành viên đã được thực hiện.
Năm, đối với doanh nghiệp tư nhân
Điều 189 Luật Doanh nghiệp được quy định về vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân
– Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.
– Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và
– Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Thứ hai, thặng dư vốn cổ phần (đối với công ty cổ phần): Đây là khoản mục riêng trong vốn chủ sở hữu áp dụng cho công ty cổ phần tuy nhiên không áp dụng cho công ty trách nhiệm hữu hạn. Hiện nay không có quy định bắt buộc nào quy định về mệnh giá của cổ phần, tuy nhiên thông thường các chủ doanh nghiệp thường hay áp dụng mệnh giá 10.000 đồng.
Thứ ba, cổ phiếu quỹ (đối với công ty cổ phần): Đây là một khoản mục riêng trong vốn chủ sở hữu áp dụng cho loại hình công ty cổ phần. Có thể hiểu đơn giản là khi công ty cổ phần mua lại cổ phần của chính mình và không hủy bỏ cổ phần đó thì hiển nhiên cổ phần nay được coi là cổ phiếu quỹ.
Ngoài ra sẽ có các thành phần khác như lợi nhuận chưa phân phối, các quỹ dự trữ và các khoản mục khác của vốn chủ sở hữu…
Như vậy, vốn chủ sở hữu sẽ bao gồm nhiều thành phần khác nhau để tạo thành. Và dù doanh nghiệp được hoạt động dưới bất kỳ hình thức gì đi chăng nữa thì cũng cần phải thực hiện hết các nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân đối với nhà nước, người lao động…
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về vốn chủ sở hữu là gì? Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp theo Luật Doanh Nghiệp. Trường hợp có thắc mắc xin vui lòng liên hệ để được giải đáp cụ thể.