Hiện nay, các viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc mong muốn được ký hợp đồng làm thêm cho một công ty bên ngoài. Vậy viên chức có được ký hợp đồng lao động với công ty khác hay không?
Mục lục bài viết
1. Viên chức có được ký hợp đồng lao động với công ty khác không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 của Văn bản hợp nhất Luật viên chức năm 2019 (hướng dẫn cụ thể tại Điều 3 của Nghị định 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức) có định nghĩa cụ thể về viên chức. Theo đó, viên chức là công dân mang quốc tịch của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng lương từ quỹ lương của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Theo đó, viên chức sẽ được xác định dựa vào những tiêu chí sau đây:
– Được tuyển dụng theo vị trí làm việc, làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc;
– Viên chức được hưởng lương từ quỹ của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Nhìn chung, khi được tuyển dụng trên thực tế, viên chức sẽ phải thực hiện thủ tục ký hợp đồng làm việc với các đơn vị sự nghiệp công lập, các bên sẽ thỏa thuận đàm phán về vị trí làm việc, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Viên chức thực hiện hai loại hợp đồng làm việc đó là: Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc hợp đồng làm việc có xác định thời hạn. Nhiều người hiện nay đặt ra câu hỏi: Viên chức có được ký hợp đồng lao động với công ty khác hay không? Căn cứ theo quy định tại Điều 14 của Văn bản hợp nhất Luật viên chức năm 2019 có quy định về quyền của viên chức. Theo đó, quyền của viên chức trong vấn đề hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định được ghi nhận như sau:
– Viên chức được hoạt động nghề nghiệp ngoài khoảng thời gian làm việc theo quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác;
– Viên chức được quyền ký hợp đồng vụ việc với các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác mà pháp luật không cấm, tuy nhiên phải cam kết hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời phải có sự đồng ý của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập;
– Viên chức được quyền góp vốn tuy nhiên không được tham gia quá trình quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp doanh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư vào các tổ chức nghiên cứu khoa học tư, chưa trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Như vậy có thể thấy, viên chức sẽ được ký hợp đồng vụ việc với các cơ quan, tổ chức mà pháp luật không cấm, hoặc viên chức được hoạt động nghề nghiệp ngoài khoảng thời gian làm việc được quy định trong hợp đồng làm việc. Theo đó, pháp luật hiện nay cũng có quy định cụ thể về vấn đề làm việc ngoài giờ trong hợp đồng, viên chức được quyền hoạt động nghề nghiệp khác, ký hợp đồng với các cơ quan, công ty khác mà pháp luật không nghiêm cấm hành vi đó. Tuy nhiên, trong quá trình ký hợp đồng lao động với công ty khác, viên chức cần phải đảm bảo và cam kết hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ được giao, đặc biệt là cần phải có sự đồng ý của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Viên chức có được quyền tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 17 của Văn bản hợp nhất Luật doanh nghiệp năm 2022 có quy định, các tổ chức và cá nhân sau đây sẽ không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể như sau:
– Các cơ quan nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân có sử dụng tài sản của nhà nước trong quá trình thành lập doanh nghiệp, kinh doanh để thu lợi nhuận riêng cho các cơ quan và đơn vị;
– Các cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức;
– Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng làm việc trong các cơ quan và đơn vị của quân đội nhân dân Việt Nam, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an làm việc trong các đơn vị và cơ quan thuộc công an nhân dân Việt Nam, ngoại trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý đối với phần vốn góp của nhà nước tại các doanh nghiệp và quản lý tại các doanh nghiệp nhà nước;
– Các cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước căn cứ theo quy định tại Điều 88 của Văn bản hợp nhất luật doanh nghiệp năm 2022, ngoại trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý đối với phần vốn góp của nhà nước tại các doanh nghiệp khác;
– Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, các tổ chức không có tư cách pháp nhân;
– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người đang bị tạm giam hoặc đang bị chấp hành án phạt tù, người đang chấp hành các biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, các cơ sở giáo dục bắt buộc, người đang bị cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong khoảng thời gian nhất định, các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản và phòng chống tham nhũng. Trong trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu thì người đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ cần phải nộp phiếu lý lịch tư pháp;
– Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm hoạt động, cấm kinh doanh trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của pháp luật hình sự.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Văn bản hợp nhất Luật viên chức năm 2019 có quy định về quyền của viên chức trong quá trình hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định. Theo đó, viên chức sẽ có quyền được góp vốn vào doanh nghiệp, tuy nhiên sẽ không được tham gia quản lý và điều hành đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp doanh, hợp tác xã, các bệnh viện tư, trường học tư, các tổ chức nghiên cứu khoa học tư, chưa trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Theo như phân tích nêu trên thì có thể nói, viên chức là đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Viên chức chỉ có quyền góp vốn vào các loại hình công ty, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
3. Những việc viên chức không được làm bao gồm những công việc gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 19 của Văn bản hợp nhất Luật viên chức năm 2019 có quy định về việc viên chức không được làm. Theo đó, những việc viên chức không được làm bao gồm:
– Trốn tránh trách nhiệm, trốn tránh công việc, trốn tránh nhiệm vụ được giao, gây bè phái làm mất đoàn kết, tự tiện bỏ việc, tham gia đình công trái pháp luật;
– Sử dụng tài sản của các cơ quan, tổ chức và đơn vị, sử dụng tài sản của nhân dân trái quy định pháp luật;
– Có hành vi phân biệt đối xử dân tộc, phân biệt nam nữ, phân biệt thành phần xã hội, phân biệt tín ngưỡng tôn giáo dưới mọi hình thức;
– Xúc phạm danh dự nhân phẩm và uy tín của người khác trong quá trình hoạt động nghề nghiệp;
– Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để thực hiện các hành vi tuyên truyền chống lại chủ trương đường lối, chống lại chính sách của đảng và pháp luật Việt Nam, chống lại nhà nước, gây phương hại đối với thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và xã hội;
– Những việc khác viên chức không được làm phù hợp với quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2022 Luật Doanh nghiệp;
–
– Nghị định 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
– Nghị định 85/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.