Vay tiền nhưng không có khả năng chi trả? Nghĩa vụ trả nợ của bên vay trong hợp đồng vay tiền. Thế nào là nợ xấu?
Vay tiền nhưng không có khả năng chi trả? Nghĩa vụ trả nợ của bên vay trong hợp đồng vay tiền. Thế nào là nợ xấu?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật Dương Gia! Tôi có 1 vấn đề muốn nhờ giải đáp. Tháng 4/2017 tôi có vay của Công ty tài chính HDSaiSon số tiền là 63.000.00 trả trong vòng 18 tháng với số tiền hàng tháng là 4.884.000 tương đương lãi suất 2,03%/tháng với tổng số tiền phải thanh toán khi kết thúc hợp đồng là hơn 87.000.000 tôi đã đóng được 3 tháng, giờ chuẩn bị sang tháng thứ 4 và tôi không có khả năng chi trả nữa vậy tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Nếu có thì sẽ xử như thế nào? Lãi suất của bên cho vay như vậy có được bộpháp luật công nhận không? Không chi trả được tôi sẽ bị cho vào nhóm nợ xấu đúng không? Vậy trong bao lâu thì xóa và có vay tiếp được không? Việc tôi không chi trả được có ảnh hưởng gì đến con cái và gia đình của tôi không? Mong Luật Dương Gia giải đáp giúp tôi. Tôi xin chân thành cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009
– Văn bản hợp nhất 22/VBHN-NHNN
2. Nội dung tư vấn:
– Về mức lãi suất cho vay: Theo như bạn trình bày, bạn vay tiền của công ty tài chính HDSaiSon. Đây là công ty tài chính do đó mức lãi suất sẽ thực hiện theo quy định của công ty tài chính. Do đó, mức lãi suất này do hai bên thỏa thuận với nhau, không có quy định cụ thể.
– Nghĩa vụ trả nợ của bạn:
Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
"Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."
Theo quy định trên bạn có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính theo đúng thời hạn đã thỏa thuận. Nếu bạn không chi trả theo đúng thỏa thuận thì công ty có thể khởi kiện ra Toà án để yêu cầu bạn trả nợ.
Bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 nếu bạn không có hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hay sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Nếu bạn có hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hay sử dụng mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng thanh toán thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009.
>>> Luật sư tư vấn vay tiền nhưng không có khả năng chi trả: 1900.6568
– Về vấn đề nợ xấu:
Theo quy định tại Văn bản hợp nhất 22/VBHN-NHNN như sau:
"6. “Nợ xấu” (NPL) là các khoản nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5 quy định tại Điều 6 hoặc Điều 7 Quy định này, Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là tỷ lệ để đánh giá chất lượng tín dụng của tổ chức tín dụng."
Như vậy, khoản nợ được coi là nợ xấu bao gồm:
+ Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn): Các khoản nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày. Các khoản nợ được tổ chức tín dụng đánh giá là không có khả năng thu hồi nợ gốc và lãi khi đến hạn. Các khoản nợ này được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng tổn thất một phần nợ gốc và lãi.
+ Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) bao gồm: Các khoản nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày; Các khoản nợ được tổ chức tín dụng đánh giá là khả năng tổn thất cao.
+ Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) bao gồm: Các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày; Các khoản nợ được tổ chức tín dụng đánh giá là không còn khả năng thu hồi, mất vốn.
Như vậy, nếu bạn thuộc một trong các trường hợp trên thì sẽ bị coi là nợ xấu và chỉ được xoá khi bạn trả xong khoản nợ, sau đó sẽ được tiếp tục vay.
– Việc bạn đứng ra vay tiền thì bạn phải chịu trách nhiệm đối với khoản nợ. Nếu việc bạn vay phục vụ vào công việc chung của gia đình thì vợ bạn có nghĩa vụ liên đới trả nợ và không liên quan đến con cái của bạn.