Vận dụng các quy định của chế độ hồi tỵ tại Việt Nam hiện nay trong công tác bố trí và sử dụng cán bộ? Một số đánh giá, nhận xét về các quy định hồi tỵ được áp dụng tại Việt Nam hiện nay?
Chính sách hồi tỵ là một trong những biện pháp quản lý cán bộ xuất phát từ đặc trưng văn hóa, đời sống xã hội của đất nước, thể hiện sự am hiểu của ông cha đối với các mối quan hệ trong xã hội và nguy cơ tiềm ẩn mà nó có thể mang lại cho sự cai trị của chính quyền trung ương cũng như hiệu quả của hoạt động công vụ, thể hiện thái độ nghiêm khắc, kiên quyết của ông cha ta trước những hiện tượng tiêu cực hoặc nguy cơ xảy ra tiêu cực trong đội ngũ quan lại.
Sự hình thành và phát triển của chế độ hồi tỵ tại nước ta gắn liền với những vị vua anh minh, coi trọng hiền tài, có bản lĩnh và mạnh dạn trong việc thực hiện chính sách hồi tỵ đối với bộ máy quan lại đương thời. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, chế độ hồi tỵ đã trở thành một di sản trong văn hóa chính trị pháp lý có giá trị không nhỏ đối với hoạt động quản lý, sử dụng nhân sự trong nền chính trị ngày nay.
Trong hệ thống cơ quan chính quyền tại Việt Nam hiện nay, hiện tượng “cả họ làm quan” diễn ra tương đối phổ biến, nhiều trường hợp người cùng họ, cùng làng “hiện diện” ở rất nhiều cơ quan Đảng, chính quyền, các cơ quan chuyên môn của không ít địa phương, bộ, ngành; vấn đề cục bộ địa phương, lợi ích nhóm, tệ bè phái vẫn còn hiện hữu, tạo điều kiện cho các hành vi tham nhũng hoành hành.
Nhiều vụ việc được báo chí công khai gần đây đã gây bức xúc dư luận, làm lung lay lòng tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ và sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Vấn nạn này đã được chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo: “Họ kéo bè, kéo cánh, bà con, bạn hữu mình không tài năng gì cũng được họ kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài, có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Họ quên rằng đây là công việc chứ không phải là việc riêng gì dòng họ của ai” .
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã nêu rõ “cán bộ là gốc của mọi công việc”. Cách đây hơn 10 năm, trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ viết ngày 01 tháng 3 năm 1947 ngay từ những ngày đầu kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn phê bình, kiểm thảo “những đồng chí còn giữ thói một người làm quan cả họ được nhờ, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc, Đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”.
Nhận thức được những mối nguy đó, trong quá trình cải cách hành chính và chế độ quản lý cán bộ, Đảng và Nhà nước ta đã phần nào tiếp thu, vận dụng luật hồi tỵ từ thời phong kiến để khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ trong công tác cán bộ, được thể hiện qua việc áp dụng một số quy tắc hồi tỵ vào công tác bố trí, sử dụng cán bộ và trong một số lĩnh vực cụ thể khác.
Mục lục bài viết
1. Trong công tác bố trí, sử dụng cán bộ:
Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng tư tưởng và quy định hồi tỵ vào một số văn kiện của Đảng về công tác cán bộ, trong đó nổi bật là chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương, bao gồm:
– Nghị quyết số 11–NQ/TW, ngày 25/01/2002, của Bộ Chính trị khóa IX, về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý. Trong đó, khẳng định một trong những mục đích, yêu cầu của việc luân chuyển cán bộ là nhằm phá bỏ: “khuynh hướng cục bộ, khép kín trong từng đơn vị, nhất là trong từng địa phương”; về biện pháp, cho rằng cần: “Luân chuyển cán bộ giữa các đơn vị ở Trung ương, giữa các tỉnh, thành phố và giữa các quận, huyện trong một tỉnh, thành phố. Thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp tỉnh, huyện không phải là người ở địa phương”.
– Nghị quyết Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ: “thống nhất việc lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ trong hệ thống chính trị, thực hiện luân chuyển cán bộ, khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ về cán bộ“.
– Nghị quyết số 26–NQ/TW (Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 khóa XII), ngày 19/5/2018 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó chỉ rõ “Hai trọng tâm” và “Năm đột phá”. “Đột phá thứ ba” là thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương ở những nơi đủ điều kiện.
Nghị quyết này đặt mục tiêu, lộ trình từ năm 2020 đẩy mạnh bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và đến năm 2025 cơ bản hoàn thành ở cấp tỉnh, hoàn thành ở cấp huyện, đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, trước hết là chức danh chủ tịch Ủy ban nhân dân. Đồng thời, trong phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trong nửa cuối của nhiệm kỳ khoá XII, cố gắng phấn đấu hoàn thành một bước việc thể chế hóa, cụ thể hoá Nghị quyết thành các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ theo quy hoạch, phù hợp với tình hình thực tế; từng bước thực hiện việc bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương...”
– Quy định 205–QĐ/TW 2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Tại khoản 6, điều 3 có quy định: “Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cùng cấp uỷ; chủ tịch Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.”
Qua số liệu tổng hợp kết quả bầu nhân sự đại hội các cấp, nhiệm kỳ 2020 2025 cho thấy, đảng bộ cấp trên cơ sở có tổng số Bí thư cấp uỷ bầu được là 1.141 đồng chí, trong đó có 456 bí thư không phải người địa phương (chiếm 40%). Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã có 31 Bí thư tỉnh, thành ủy nhiệm kỳ mới không phải là người địa phương (55,3%), trong đó 4 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng và TP Cần Thơ đều có Bí thư là cán bộ được luân chuyển từ Trung ương.
Bên cạnh đó, Nhà nước tiến hành thể chế hóa những chủ trương, đường lối của Đảng để ban hành một số quy định về hồi tỵ trong việc bố trí, sử dụng cán bộ:
– Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 có quy định: “Những người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó” (tại khoản 3, điều 20).
– Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức do Bộ Nội Vụ đề xuất 2/2020 đã bổ sung quy định: “không bố trí những người có quan hệ là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của bên vợ hoặc chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của người dự thi hoặc những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật làm thành viên Hội đồng tuyển dụng, làm thành viên các Ban giúp việc của Hội đồng tuyển dụng, thăng hạng”.
Bổ sung quy định này để nhằm tăng cường hơn nữa tính minh bạch của kỳ tuyển dụng, thăng hạng viên chức, tránh tình trạng có người nhà, người thân tham gia Hội đồng, các bạn giúp việc của Hội đồng tuyển dụng, thăng hạng; góp phần bảo đảm chấp hành hiệu quả quy định của Luật Cán bộ, Công chức và các văn bản quy định chi tiết về việc phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức trong công tác tuyển dụng, khắc phục các sai phạm xảy ra tại một số bộ, ngành, địa phương trong công tác tuyển dụng, thăng hạng công chức.
2. Trong một số lĩnh vực cụ thể:
– Trong lĩnh vực tố tụng, Luật tố tụng Hình sự 2015, tại điều 21 có quy định nguyên tắc: “Bảo đảm sự vô tư của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng: Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản, người chứng kiến không được tham gia tố tụng nếu có lý do cho rằng họ có thể không vô tự trong khi thực hiện nhiệm vụ“. Hoặc điều 49 quy định về ” Các trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng“, theo đó:
“Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
1. Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;
2. Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;
3. Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.”
– Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, ban hành quy định những người trong ban ra đề thi kỳ thi tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, sẽ phải tách ra ở những khu vực quy định, không được liên hệ với bên ngoài cho đến khi kỳ thi kết thúc. Trong quá trình thi, quy định: cán bộ coi thi không làm việc tại những nơi có người thân như vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con thi. Việc chấm thi cũng quy định: “Người có người thân dự thi trong năm tổ chức thi không tham gia Ban chấm thi trắc nghiệm tại địa phương nơi người thân dự thi“. Đây đều là những quy định được ban hành trên cơ sở áp dụng các quy định của luật hội tỵ [3, tr.83].
3. Một số đánh giá, nhận xét về các quy định hồi tỵ được áp dụng tại Việt Nam hiện nay:
Nhìn chung, cùng với sự phát triển của đất nước, công tác xây dựng Đảng, trong đó trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ cùng với mục tiêu nâng cao năng lực cầm quyền đang được Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng chú trọng. Đảng đã ban hành, bổ sung, hoàn thiện nhiều chủ trương, đường lối về công tác cán bộ theo hướng ngày càng cụ thể, chặt chẽ, bám sát thực tiễn. Những quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác cán bộ đã thể chế hoá và nâng lên thành nhiều đạo luật, nhiều Nghị định, Thông tư. Trong chính sách sử dụng cán bộ cũng đã phần nào đã kế thừa được những tư tưởng, chính sách của cha ông ta về hồi tỵ, những quy định về hồi tỵ đã xuất hiện trong các công tác bố trí, sử dụng cán bộ và trong một số lĩnh vực cụ thể.
Tuy nhiên, việc vận dụng các quy định về hồi tỵ tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế:
– Những quy định về hồi tỵ còn tương đối đơn giản, thiếu tính hệ thống và chưa thực sự trở thành một tư tưởng, một chính sách lớn mang tính toàn diện trong thực tiễn.
– Đối tượng hồi tỵ mới chỉ tập trung vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo (bố trí bí thư cấp tỉnh, huyện không phải người địa phương) và người thực thi công vụ trong một số công việc đặc thù, chưa áp dụng phổ biến các quy tắc hồi tỵ trong toàn bộ đội ngũ công chức, viên chức.
– Việc triển khai thực hiện các quy định hiện hành cũng còn chưa thực sự mạnh dạn và quyết liệt, hiệu quả đạt được chưa như mong muốn. Đồng thời cũng còn thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, truy cứu trách nhiệm hiệu quả đối với thực hiện hồi tỵ.