Khái niệm về tội xâm phạm quyền sở hữu? Cấu thành tội phạm các tội xâm phạm quyền sở hữu? Đối tượng tác động của tội phạm? Biểu hiện của dấu hiệu chiếm đoạt trong các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt? Một số tội xâm phạm quyền sở hữu có tính chiếm đoạt cụ thể? Hình phạt đối với các tội xâm phạm về sở hữu?
Các tội xâm phạm quyền sở hữu là những tội có hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu. Các tội xâm phạm quyền sở hữu có tính chiếm đoạt bao gồm: tội cướp tài sản, bắt cóc chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đây đều là các tội gây nguy hiểm cho xã hội, không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của cá nhân, gia đình, tổ chức, cơ quan,… mà còn xâm hại đến sức khỏe, tính mạng, tinh thần của người dân.
Bên cạnh đó, các tội xâm phạm quyền sở hữu có tính chiếm đoạt còn gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội, cản trở đến sự phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ tới bạn đọc những vấn đề chung của các tội xâm phạm quyền sở hữu có tính chiếm đoạt.
Căn cứ pháp lý:
1. Khái niệm về tội xâm phạm quyền sở hữu
Tội xâm phạm quyền sở hữu được hiểu là những hành vi có lỗi, hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm hại quan hệ sở hữu, xâm phạm các quyền thuộc nội dung sở hữu, hậu quả là gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức được nhà nước thừa nhận. Tội xâm phạm quyền sở hữu chủ yếu hướng đến là xâm phạm quyền sở hữu tài sản.
2. Cấu thành tội phạm các tội xâm phạm quyền sở hữu
2.1. Mặt khách quan
Các tội xâm phạm quyền sở hữu có sự khác nhau ở hình thức thể hiện hành vi, được thực hiện theo nhiều dạng khác nhau. Tuy nhiên các hành vi của tội xâm phạm quyền sở hữu đều có cùng tính chất là gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu, xâm phạm đến quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt của chủ sở hữu tài sản, làm cho chủ tài sản mất khả năng thực hiện quyền sở hữu của mình.
Các hành vi chủ yếu của tội xâm phạm quyền sở hữu là các hành vi chiếm đoạt, chiếm giữ trái phép, sử dụng trái phép, hủy hoại, làm hư hỏng, làm mất mát, làm lãng phí tài sản của cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản. Các hành vi này gây hậu quả là những thiệt hại gây ra cho quan hệ sở hữu và thể hiện dưới dạng thiệt hại vật chất.
2.2. Mặt chủ quan
Các tội xâm phạm quyền sở hữu được chủ thể phạm tội thực hiện hành vi dưới lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý. Trong từng tội phạm cụ thể sẽ có động cơ phạm tội khác nhau. Tuy nhiên, cần lưu ý đối với tội sử dụng trái phép tài sản, động cơ phạm tội không được mô tả trong cấu thành tội phạm cơ bản như các tội xâm phạm quyền sở hữu khác.
2.3. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của hầu hết các tội xâm phạm quyền sở hữu chủ yếu là chủ thể thường, có năng lực trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, chủ thể của tội xâm phạm quyền sở hữu có thể là chủ thể đặc biệt đối với một số tội đặc biệt theo quy định của pháp luật. Chẳng hạn đối với tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì chủ thể của tội xâm phạm quyền sở hữu phải là chủ thể có quyền, việc thực hiện hành vi phạm tội ảnh hưởng trực tiếp bởi trách nhiệm, quyền hạn của họ.
2.4. Khách thể của tội phạm
Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Khách thể của các tội xâm phạm quyền sở hữu là quan hệ sở hữu. Quan hệ sở hữu là khách thể của tội phạm nghĩa là các tội xâm phạm sở hữu gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu và sự gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu đã phản ánh đầy đủ bản chất nguy hiểm cho tội phạm. Các hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu là những hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu của chủ sở hữu tài sản đó.
3. Đối tượng tác động của tội phạm
Đối tượng tác động của tội xâm phạm quyền sở hữu là tài sản – đối tượng vật chất nhờ đó có sự tồn tại quan hệ sở hữu, bao gồm:
– Vật: vật chất của thế giới khách quan thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức, nhà nước.
– Tiền
– Giấy tờ có giá trị thanh toán bằng tiền: ATM, sổ tiết kiệm.
– Những giấy tờ thể hiện quyền về tài sản
Tài sản là đối tượng của tội xâm phạm quyền sở hữu phải là tài sản được pháp luật nói chung cũng như luật hình sự nói riêng bảo vệ.
4. Biểu hiện của dấu hiệu chiếm đoạt trong các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt
4.1. Biểu hiện của mục đích chiếm đoạt
Mục đích chiếm đoạt là yếu tố bắt buộc trong cấu thành các tội xâm phạm quyền sở hữu có tính chiếm đoạt như cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, tùy vào từng tội cụ thể mà có biểu hiện mục đích chiếm đoạt khác nhau, tùy từng tội mà mục đích phạm tội có thể xuất hiện trước khi người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội, trong khi thực hiện hành vi phạm tội hoặc mục đích phạm tội có thể xuất hiện sau khi thực hiện hành vi phạm tội.
Mặc dù theo lý luận về các giai đoạn thực hiện tội phạm thì khi tội phạm ở giai đoạn hoàn thành tức là khi hành vi phạm tội đã thỏa mãn hết các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm. Tuy nhiên đối với các tội có cấu thành hình thức như tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản thì người phạm tội có hành vi mà điều luật mô tả thì tội phạm đã hoàn thành. Chính vì vây, mục đích chiếm đoạt trong các tội này chỉ có thể xuất hiện trước và trong khi thực hiện hành vi phạm tội.
Đối với các trường hợp mà mục đích chiếm đoạt xuất hiện sau khi thực hiện hành vi phạm tội thì tùy từng tội mà có sự định tội danh khác nhau. Chẳng hạn nếu sau khi thực hiện hành vi người phạm tội mới có mục đích chiếm đoạt thì người phạm tội không phạm tội cướp tài sản mà có thể phạm tội giết người, cố ý gây thương tích, công nhiên chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản khi hành vi của người phạm tội đáp ứng mặt khách quan của từng tội tương ứng đối với trường hợp người phạm tội có hành vi dùng vũ lục, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được.
Đặc biệt, mục đích chiếm đoạt phải gắn liền với các hành vi dùng thủ đoạn gian dối, bỏ trốn hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản sau khi có được tài sản thông qua hợp đồng hợp pháp đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Người thực hiện hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sẽ trở thành phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong trường hợp mục đích chiếm đoạt có trước hoặc vào thời điểm nhận tài sản qua hợp đồng.
4.2. Biểu hiện của hành vi chiếm đoạt
Hành vi làm cho chủ sở hữu tài sản mất hẳn khả năng thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình và tạo cho người chiếm đoạt có thể thực hiện được việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó được coi là hành vi chiếm đoạt. Xét về mặt thực tế, chiếm đoạt là quá trình vừa làm cho chủ tài sản mất tài sản vừa tạo cho người chiếm đoạt có tài sản đó. Xét về mặt pháp lý, thì quá trình này không làm cho chủ sở hữu mất quyền sở hữu của mình mà chỉ làm mất khả năng thực tế thực hiện các quyền cụ thể của quyền sở hữu.
Việc xác định hành vi chiếm đoạt có trái pháp luật hay không cần dựa theo quy định của pháp luật dân sự, theo đó “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”. Như vậy, người phạm tội để chiếm đoạt tài sản tạo ra khả năng làm mất quyền sở hữu của chủ sở hữu và tạo ra quyền sở hữu cho mình thì cần phải chiếm hữu tài sản một cách trái pháp luật. Tuy nhiên, chiếm hữu trái pháp luật không được quy định cụ thể trong pháp luật dân sự mà chỉ quy định về hành vi chiếm hữu hợp pháp. Do đó, để xác định hành vi của người phạm các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt cần phải xác định việc chiếm hữu của người phạm tội không thuộc các trường hợp chiếm hữu hợp pháp theo quy định của pháp luật dân sự.
Việc xác định hành vi chiếm đoạt đối với các tội xâm phạm quyền sở hữu một cách chính xác có tính chất chiếm đoạt có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thời điểm tội phạm hoàn thành đối với các tội mà dấu hiệu chiếm đoạt thuộc hành vi khách quan của tội phạm. Tùy vào từng tội xâm phạm quyền sở hữu cụ thể mà thời điểm hoàn thành của tội phạm là khác nhau. Ngoài ra, khi xem xét thời điểm hoàn thành của tội phạm cần có sự phân biệt giữa thời điểm tội phạm hoàn thành với thời điểm tội phạm kết thúc.
5. Một số tội xâm phạm quyền sở hữu có tính chiếm đoạt cụ thể
Các tội xâm phạm quyền sở hữu có tính chiếm đoạt được quy định tại chương XVI của
– Tội cướp tài sản
– Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
– Tội cưỡng đoạt tài sản
– Tội cướp giật tài sản
– Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
– Tội trộm cắp tài sản
– Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
– Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
6. Hình phạt đối với các tội xâm phạm về sở hữu
– Hình phạt chính áp dụng cho các tội xâm phạm quyền sở hữu có nhiều mức độ khác nhau được quy định cụ thể trong
– Hình phạt bổ sung áp dụng cho các tội xâm phạm quyền sở hữu được quy định cụ thể trong Bộ luật hình sự 2015, bao gồm: Phạt tiền; Tịch thu tài sản; Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; Quản chế; Cấm cư trú.
Ngoài ra, khi xem xét quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử sẽ cân nhắc về mức độ nghiêm trọng của hành vi và hậu quả của tội xâm phạm quyền sở hữu, căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự cũng như quy định của pháp luật để quyết định hình phạt đúng đắn nhất.