Khi ban hành văn bản pháp luật thường gặp không ít những lỗi khiếm khuyết mà văn bản áp dụng pháp luật mắc phải. Những văn bản này thường được chủ thể có thẩm quyền xử lý văn bản pháp luật khiếm khuyết huỷ bỏ hoặc bãi bỏ. Vậy văn bản pháp luật khiếm khuyết là gì? Thẩm quyền xử lý văn bản pháp luật khiếm khuyết?
Mục lục bài viết
1. Văn bản pháp luật khiếm khuyết là gì?
Văn bản pháp luật khiếm khuyết là những văn bản được ban hành bởi các chủ thể có thẩm quyền do pháp luật quy định, chứa đựng ý chí của nhà nước nhằm đạt được mục tiêu quản lí và được nhà nước đảm bảo thực hiện nhưng “còn thiếu sót, chưa hoàn chỉnh” không đảm bảo về chất lượng mà nhà nước yêu cầu.
2. Một số khiếm khuyết mà văn bản áp dụng pháp luật thường mắc phải:
Một số khiếm khuyết mà văn bản áp dụng pháp luật, văn bản hành chính thông dụng thường mắc phải như sau:
Thứ nhất, văn bản áp dụng pháp luật, văn bản hành chính thông dụng không đáp ứng yêu cầu về chính trị:
Văn bản áp dụng pháp luật, văn bản hành chính thông dụng được ban hành nhưng có nội dung không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng bị coi là khiếm khuyết và buộc cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý. Bên cạnh đó, văn bản có nội dung không phù hợp với ý chí của nhân dân cũng bị coi là khiếm khuyết về chính trị.
Thứ hai, văn bản áp dụng pháp luật, văn bản hành chính thông dụng không đáp ứng yêu cầu về pháp lí.
Đối với văn bản ADPL, văn bản HCTD không đáp ứng yêu cầu về pháp lý được biểu hiện như sau: văn bản vi phạm thẩm quyền ban hành, văn bản có nội dung trái với quy định của pháp luật, văn bản có sự vi phạm các quy định về thể thức và thủ tục ban hành.
Một là văn bản ADPL, văn bản HCTD vi phạm thẩm quyền ban hành
Văn bản ADPL, văn bản HCTD vi phạm thẩm quyền bao gồm vi phạm thẩm quyền về hình thức và vi phạm thẩm quyền về nội dung
Văn bản pháp luật vi phạm thẩm quyền về hình thức là văn bản có tên gọi không đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Văn bản pháp luật vi phạm thẩm quyền về hình thức thường được biểu hiện thông qua các hoạt động như: Cơ quan ban hành văn bản sử dụng hình thức văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền sử dụng của chủ thể khác, ví dụ: Hội đồng nhân dân ban hành quyết định; Sử dụng không đúng vai trò của văn bản đối với công việc được giải quyết, ví dụ sử dụng công văn,
Văn bản pháp luật vi phạm thẩm quyền về nội dung là văn bản mà chủ thể ban hành sử dụng để giải quyết công việc không thuộc thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật.
Biểu hiện của sự vi phạm thẩm quyền về nội dung được thể hiện như sau: Cơ quan ban hành văn bản pháp luật giải quyết công việc hoàn toàn không thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình; Chủ thể ban hành văn bản để giải quyết công việc vượt thẩm quyền mà pháp luật quy định đối với chủ thể đó, ví dụ Chánh án
Hai là văn bản ADPL, văn bản HCTD có nội dung trái với quy định của pháp luật.
Văn bản ADPL, văn bản HCTD là văn bản có nội dung trái với những quy phạm hoặc những mệnh lệnh không đúng với pháp luật hiện hành.
Biểủ hiện: Không viện dẫn hoặc viện dẫn không đúng những văn bản làm cơ sở pháp lí của văn bản đó; Nội dung của văn bản áp dụng pháp luật, văn bản hành chính thông dụng trái với quy định của văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hành chính có các quy định mang tính quy phạm trái với các quy phạm pháp luật hiện hành; Các mệnh lệnh trong văn bản hành chính không đúng với những mệnh lệnh trong văn bản áp dụng pháp luật mà nó tổ chức thực hiện.
Ba là văn bản ADPL, văn bản HCTD có sự vi phạm các quy định các quy định về thể thức và thủ tục ban hành.
Văn bản pháp luật có thể thức không đúng quy định của pháp luật biểu hiện ở việc thiếu những đề mục cần thiết hoặc các đề mục được trình bày không đúng theo quy định của pháp luật. Ví dụ: Văn bản áp dụng pháp luật không có trích yếu.
Văn bản pháp luật có thể có sự vi phạm về thủ tục. Ví dụ chủ thể ban hành văn bản không thực hiện những thủ tục được coi là cơ sở để xác định tính hợp pháp cho văn bản áp dụng pháp luật. Ví dụ: Không lập biên bản trước khi ra
Thứ ba văn bản ADPL, văn bản HCTD không đáp ứng yêu cầu về khoa học.
Một là văn bản ADPL, văn bản HCTD có nội dung không phù hợp với thực trạng và quy luật vận động của đời sống xã hội. Đó là những văn bản pháp luật trong đó có các quy định cao hơn hoặc thấp hơn thực trạng kinh tế – xã hội, phản ánh không chính xác, không kịp thời hiện thực xã hội nên những văn bản này thường không có tính khả thi. Bên cạnh đó, văn bản pháp luật có nội dung không phù hợp với đạo đức, phong tục tập quán tốt đẹp cũng là một dạng khiếm khuyết của văn bản pháp luật cần được chủ thể có thẩm quyền xem xét trong quá trình tiến hành xử lý văn bản pháp luật khiếm khuyết.
Hai là văn bản ADPL, văn bản HCTD khiếm khuyết về kĩ thuật pháp lí
Kĩ thuật pháp lí là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên một văn bản pháp luật có chất lượng. Tính logic, chặt chẽ về nội dung, đúng quy tắc về ngôn ngữ, phân chia sắp xếp hợp lí chính là những yêu cầu cơ bản của kĩ thuật pháp lí. Sự khiếm khuyết về kĩ thuật pháp lí của văn bản pháp luật biểu hiện ở việc nội dung không đủ để hoàn thiện chủ đề của văn bản; nội dung không tập trung, thống nhất; sắp xếp nội dung văn bản không logic, không rõ ràng; sử dụng ngôn ngữ không chuẩn mực.
3. Chủ thể có thẩm quyền xử lý văn bản pháp luật khiếm khuyết:
Hiện nay, pháp luật quy định có ba nhóm chủ thể có thẩm quyền xử lý văn bản áp dụng pháp luật, văn bản hành chính thông dụng khiếm khuyết.
Thứ nhất, cấp trên có thẩm quyền xử lý đối với văn bản pháp luật do cấp dưới ban hành
Hầu hết các văn bản ADPL khiếm khuyết do cấp dưới ban hành sẽ được cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền xử lý. Trừ trường hợp Quốc hội là cơ quan có quyền lực nhà nước cao nhất, không có cấp trên.
– Quốc hội có quyền bãi bỏ văn bản pháp luật của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
– Uỷ bản thường vụ Quốc hội có thẩm quyền hủy bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; bãi bỏ nghị quyết sai trái của Hội đồng nhân dân cấp Tỉnh.
– Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành quyết định, chỉ thị, thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quyết định, chỉ thị của ủy ban nhân dân và chủ tịch ủy ban nhân dân cấp Tỉnh trái Hiến pháp, luật và các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; đình chỉ thi hành quyết định của Hội đồng nhân dân cấp Tỉnh trái Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên đồng thời đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ.
– Hội đồng nhân dân cấp Tỉnh có quyền bãi bỏ quyết định, chỉ thị của ủy ban nhân dân cùng cấp và nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp huyện.
– Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ những văn bản sai trái của cơ quan trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh và quyết định, chỉ thị của ủy ban nhân dân cấp huyện; đình chỉ việc thi hành nghị quyết sai trái của hội đồng nhân dân cấp huyện và đề nghị hội đồng nhân dân cấp mình bãi bỏ.
– Hội đồng nhân dân cấp huyện có quyền bãi bỏ quyết định, chỉ thị của ủy ban nhân dân cùng cấp và nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp xã.
– Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền đình chỉ việc thi hành và bãi bỏ những văn bản sai trái của các cơ quan thuộc ủy ban nhân dân và quyết định, chỉ thị của ủy ban nhân dân cấp xã; đình chỉ việc thi hành nghị quyết sai trái của hội đồng nhân dân cấp xã và đề nghị hội đồng nhân dân cấp huyện bãi bỏ những văn bản đó.
– Tòa án nhân dân cấp trên có quyền sửa đổi, hủy bỏ văn bản áp dụng pháp luật do tòa án nhân dân cấp dưới ban hành nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
– Viện kiểm sát nhân dân cấp trên có quyền sửa đổi, hủy bỏ văn bản áp dụng pháp luật của viện kiểm sát nhân dân cấp dưới ban hành.
Thứ hai, cơ quan ban hành văn bản pháp luật có quyền tự xử lý các văn bản pháp luật do mình ban hành bị khiếm khuyết
Thông qua hoạt động kiểm tra, nếu cơ quan ban hành văn bản phát hiện những văn bản do mình ban hành có dấu hiệu khiếm khuyết thì sẽ ban hành văn bản pháp luật khác để xử lý. Trách nhiệm tự kiểm tra văn bản được quy định tại Điều 11 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ban hành ngày 12/4/2010 về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoại lệ: Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý thuộc về chính cơ quan ban hành văn bản khiếm khuyết sẽ không áp dụng trong trường hợp tòa án ban hành bản án, quyết định khiếm khuyết. Tòa án không có quyền tự xử lý với những bản án và quyết định do mình ban hành mà phải do tòa án cấp trên xử lý (trừ văn bản do tòa án nhân dân tối cao ban hành) nhằm để tránh tình trạng bản án, quyết định của Tòa án xét xử oan sai, trái pháp luật ảnh hưởng tới quyền lợi của đương sự cũng như giảm lòng tin của nhân dân đối với cơ quan xét xử, buộc Chánh án khi đưa ra bản án, quyết định phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế tình trạng văn bản áp dụng pháp luật khiếm khuyết.
Thứ ba, tòa án nhân dân có thẩm quyền xử lý đối với một số văn bản áp dụng pháp luật do cơ quan hành chính nhà nước ban hành khi có vi phạm pháp luật
Theo quy định của pháp luật tòa hành chính có quyền hủy bỏ văn bản áp dụng pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước trong một số loại việc.
Khi các quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của cơ quan nhà nước hoặc cá nhân có thẩm quyền bị khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp huyện và tòa hành chính, nếu chủ thể khởi kiện có đầy đủ chứng cứ chứng minh rằng văn bản áp dụng pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cá nhân có thẩm quyền ban hành có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Tòa án nhân dân sẽ phải ra bản án để hủy bỏ văn bản áp dụng pháp luật đó.
4. Những điểm khác biệt của văn bản pháp luật khiếm khuyết hủy bỏ và bãi bỏ:
Văn bản pháp luật là những văn bản được ban hành bởi các chủ thể có thẩm quyền do pháp luật quy định, chứa đựng ý chí của nhà nước nhằm đạt được mục tiêu quản lí và được nhà nước đảm bảo thực hiện. Do vậy, VBPL đóng một vai trò rất quan trọng trong việc quản lý xã hội của Nhà nước, có tác động không nhỏ đến đời sống hàng ngày của nhân dân. Với một vai trò to lớn như vậy nhưng trên thực tế, vẫn còn tồn tại những văn bản pháp luật “còn thiếu sót, chưa hoàn chỉnh” không đảm bảo về chất lượng mà nhà nước yêu cầu. Đó là những văn bản pháp luật khiếm khuyết. Và để khắc phục, điều 9 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định 6 cách thức xử lý văn bản pháp luật khiếm khuyết, trong đó có hai phương pháp khá phổ biến là hủy bỏ và bãi bỏ.
Để phân biệt hai biện pháp này hay nói cách khác là điểm khác nhau cơ bản giữa hai biện pháp hủy bỏ và bãi bỏ, chúng ta có thể dựa trên các tiêu chí:
Thứ nhất, khái niệm
Biện pháp hủy bỏ là biện pháp xử lý được áp dụng đối với VBPL bao gồm văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính có những dấu hiệu vi phạm luật nghiêm trọng.
Còn biện pháp bãi bỏ có thế được hiểu như là biện pháp xử lý “bỏ đi, không thi hành nữa”.
Thứ hai, đối tượng
Đối tượng của phương pháp hủy bỏ là cả 3 loại văn bản : quy phạm pháp luật, áp dụng và văn bản hành chính.
Trong khi đó, đối tượng của phương pháp bãi bỏ chỉ là văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ ba, dấu hiệu
Dấu hiệu để văn bản khiếm khuyết trở thành đối tượng của biện pháp hủy bỏ là văn bản đó vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Ví dụ như : có nội dung trái pháp luật, trái thẩm quyền về nội dung ; sai phạm thủ tục ban hành,… làm mất cơ sở pháp lý của việc giải quyết công việc pháp sinh.
Bên cạnh đó, những văn bản nào có dấu hiệu khiếm khuyết như có nội dung không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng hay đại đa số nội dung không phù hợp quyền và lợi ích chính đáng của đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản. Hay nếu văn bản đó có nội dung không phù hợp với nội dung văn bản do cấp trên ban hành, hoặc phần lớn nội dung không phù hợp với thực trạng kinh tế – xã hội,… thì sẽ đều bị bãi bỏ.
Ví dụ như năm 2006, thành phố Đã Nẵng đã phải hủy bỏ một số quyết định như quyết định số 137/2001/QĐ-UB ngày 11-9-2001 về việc xử phạt hành chính và thu phạt trực tiếp đối với vi phạm hành chính trong quản lý đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hay UBND huyện giao Phòng VH-TT huyện Tân Kỳ ra thông báo hủy bỏ và thu hồi Công văn số 05/VH-TT ngày 30-3 về quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn huyện. Tất cả những văn bản này đều được hủy bỏ với lý do nội dung những quyết định này trái luật.
Còn ví dụ như quyết định số 33/2008/QĐ – BYT về việc ban hành tiêu chuẩn sức khoẻ người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã bị bãi bỏ, không được thi hành với lý do đã vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích chính đáng của công dân khi tham gia giao thông và đồng thời cũng vi phạm thẩm quyền ban hành khi mà chủ thể ban hành là Bộ y tế trong khi vấn đề được điều chỉnh là thuộc thẩm quyền của Bộ giao thông – vận tải.
Thứ tư, thời điểm mất hiệu lực của VBPL khi áp dụng các biện pháp xử lý
VBPL bị hủy bỏ sẽ bị hết hiệu lực kể từ thời điểm văn bản đó được quy định là có hiệu lực pháp lý, nghĩa là văn bản đó không được thừa nhận giá trị ở mọi thời điểm dù trước khi bị hủy bỏ nó đã từng có hiệu lực.
Còn với VBPL bị bãi bỏ, nó sẽ chỉ hết hiệu lực kể từ thời điểm văn bản xử lý nó có hiệu lực pháp luật
Cuối cùng, phát sinh nghĩa vụ bồi thường, bồi hoàn của chủ thể ban hành văn bản pháp luật.
Đối với phương pháp hủy bỏ văn bản áp dụng pháp luật thì chủ thể ban hành văn bản sẽ có trách nghiệm bồi thường, bồi hoàn những thiệt hại phát sinh từ văn bản.
Nghĩa vụ này sẽ không được đặt ra với việc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính cũng như đối với hình thức bãi bỏ văn bản pháp luật.