Ưu điểm trong việc phát huy vai trò của Viện kiểm sát trong hoạt động hỏi cung bị can. Yếu tố tác động đến vai trò hỏi cung bị can của Viện kiểm sát.
Trong hoạt động hỏi cung bị can Viện kiểm sát đóng vai trò thực hiện, giám sát về trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động hỏi cung theo đúng quy trình pháp luật. Việc giám sát có thể được thực hiện bằng các phương thức như kiểm sát trực tiếp hoạt động hỏi cung của Điều tra viên hoặc thông qua việc kiểm sát các Biên bản hỏi cung. Trường hợp nhận thấy có dấu hiệu vi phạm thủ tục, vi phạm của các cán bộ điều tra trong hoạt động hỏi cung hoặc bị can kêu oan… thì Kiểm sát viên có quyền trực tiếp hỏi cung bị can.
Kiểm sát về những vấn đề trình tự, thủ tục, hình thức bao gồm:
– Kiểm sát về thể thức biên bản hỏi cung có được lập theo đúng biểu mẫu quy định không?
– Kiểm sát về chủ thể thực hiện hỏi cung bị can có đúng không? Điều tra viên tiến hành hỏi cung bị can phải là người được Thủ trưởng Cơ quan điều tra (CQĐT) phân công bằng quyết định tố tụng.
– Kiểm sát về ghi ngày, giờ, địa điểm thực hiện hoạt động hỏi cung của Điều tra viên. Biên bản hỏi cung bị can phải được ghi giờ bắt đầu hỏi cung, giờ kết thúc. Việc ghi đầy đủ, chính xác ngày, giờ hỏi cung còn có ý nghĩa rất quan trọng khi kiểm sát hoạt động của Điều tra viên tuân thủ quy định của BLTTHS đó là không hỏi cung bị can vào ban đêm (khoản 3 Điều 183); hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi không quá 02 lần trong 01 ngày và không quá 02 giờ/lần (khoản 5 Điều 421 BLTTHS). Bên cạnh đó, khi nghiên cứu lời khai theo tuần tự thời gian sẽ đánh giá được diễn biến tâm lý của bị can, có bị can giai đoạn đầu quanh co chối tội nhưng giai đoạn sau lại khai báo trung thực, thành khẩn hoặc ngược lại.
– Kiểm sát các thông tin về căn cước lý lịch của bị can ghi trong biên bản, như: Tên, tuổi, quê quán, dân tộc, nghề nghiệp…, của bị can đều phải được kiểm tra tính chính xác, phải có sự thống nhất với các biên bản hỏi cung khác, với các văn bản tố tụng đã được lập như biên bản bắt giữ người phạm tội quả tang, biên bản bắt khẩn cấp, lệnh tạm giam… Đây là những thông tin bắt buộc để xác định chính xác chủ thể đã thực hiện hành vi phạm tội, tránh nhầm lẫn về con người; nhất là phần liên quan đến xác định tiền sự, tiền án của bị can, các quyết định xử phạt hành chính… để xác định đúng nhân thân của bị can hay các căn cứ để xác định các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ tội phạm.
– Kiểm sát về thực hiện các quyền của bị can nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của bị can theo quy định của pháp luật thì khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải giải thích về quyền, nghĩa vụ của bị can. Việc giải thích này phải được ghi vào biên bản hỏi cung, nhất là bản hỏi cung đầu tiên ngay sau khi bị can đã được tống đạt quyết định khởi tố bị can và quyết định phê chuẩn khởi tố bị can của Viện kiểm sát. Do vậy, nếu qua kiểm sát các bản cung của bị can mà CQĐT chuyển tới, nếu không có việc giải thích về quyền, nghĩa vụ này thì KSV phải có văn bản yêu cầu CQĐT, ĐTV triển khai thực hiện bằng biên bản hỏi cung khác, mà phải thực hiện ngay; đồng thời, cần tập hợp để có kiến nghị với CQĐT về việc thực hiện chưa được nghiêm túc quy định của BLTTHS.
Trong các trường hợp bị can là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, bị can là người không biết chữ, bị can là người dân tộc ít người hoặc người nước ngoài không biết tiếng Việt, người đang bị điều tra về hành vi phạm tội có khung hình phạt cao nhất đến chung thân hoặc tử hình thì những trường hợp này phải có sự tham gia của người giám hộ, Luật sư, người phiên dịch. Nếu không thực hiện là vi phạm tố tụng, các biên bản hỏi cung này sẽ không thể thành chứng cứ để buộc tội đối với bị can cho dù nó có thể phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án. Viện kiểm sát sẽ phải kiểm sát việc thực hiện đúng các quy định về tố tụng trong trường hợp này.
– Kiểm sát về thực hiện hình thức của biên bản theo quy định của pháp luật đó là phải đảm bảo đủ chữ ký của các thành phần tham gia; khi ghi chép nội dung biên bản hỏi cung, ĐTV chỉ được sử dụng một màu mực, những phần nội dung bị tẩy xóa cần được bị can ký xác nhận; phần giấy trắng còn thừa phải được gạch bỏ. Kết thúc buổi hỏi cung, ĐTV đọc lại cho bị can và những người tham gia tố tụng nghe về nội dung biên bản đã lập hoặc để cho bị can, người phiên dịch, Luật sư tự đọc lại biên bản, sau đó bị can phải ký xác nhận vào từng trang của biên bản, nhất là ký tại các phần giáp lai giữa các trang. Người phiên dịch, Luật sư, người giám hộ khi tham gia vào hoạt động hỏi cung cũng phải ký xác nhận vào từng trang của biên bản; ĐTV thực hiện hỏi cung, người ghi biên bản giúp cho ĐTV cũng ký tên, chữ ký của ĐTV và phải được đóng dấu của CQĐT nơi ĐTV đang công tác.
– Kiểm sát về nội dung của biên bản hỏi cung
Khi kiểm sát nội dung của biên bản cung, KSV phải nghiên cứu, tổng hợp toàn bộ nội dung các biên bản hỏi cung do ĐTV lập. KSV cần đối chiếu nội dung của các biên bản hỏi cung với nhau và với các nội dung có trong các tài liệu khác để phát hiện ra các vấn đề còn mâu thuẫn trong lời khai, những vấn đề chưa được làm rõ. Qua đó, đánh giá hoạt động hỏi cung của ĐTV đã thực sự có chất lượng chưa, việc hỏi cung bị can có thu lại được những kết quả như mong muốn không? ĐTV đã sử dụng hợp lý các chiến thuật hỏi cung và phương pháp hỏi chưa? Điều này đòi hỏi người KSV phải thật sự tỉ mỉ, cẩn trọng nghiên cứu đối chiếu giữa các bản cung với nhau để phát hiện ra những vi phạm…
Sau khi kiểm sát nội dung các biên bản hỏi cung, KSV nếu phát hiện thấy những vấn đề gì còn mâu thuẫn trong lời khai của bị can với các đối tượng khác, những vấn đề gì chưa được làm rõ, nhất là về hành vi phạm tội của bị can, những vấn đề đã được KSV đề ra trong yêu cầu điều tra rồi mà ĐTV vẫn chưa thực hiện thì KSV phải tiếp tục đề ra yêu cầu điều tra, trong đó nêu lại cả những nội dung đã yêu cầu mà ĐTV chưa thực hiện và nội dung yêu cầu mới gửi cho ĐTV thực hiện.
Kiểm sát trực tiếp hoạt động hỏi cung của Điều tra viên:
Khác với hoạt động kiểm sát thông qua các biên bản hỏi cung (kiểm sát gián tiếp) thì KSV có quyền tham gia kiểm sát trực tiếp hoạt động hỏi cung của ĐTV theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, khi thực hiện nhiệm vụ này, KSV phải nhận thức rõ về vị trí, vai trò của mình theo quy định của Luật Tổ chức VKSND và BLTTHS; KSV là người được pháp luật trao quyền để giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động tố tụng của ĐTV khi tiến hành hỏi cung bị can do vậy, KSV không nên quá sa đà, chú trọng vào việc trực tiếp hỏi bị can, làm thay nhiệm vụ của ĐTV, đôi khi như vậy sẽ không thống nhất được chiến thuật, phương pháp đấu tranh với bị can mà ĐTV đang sử dụng. KSV chỉ nên đặt câu hỏi khi ĐTV đã hỏi xong mà còn có vấn đề chưa được làm rõ, còn mâu thuẫn, hoặc còn bỏ ngỏ. Trong những trường hợp như thế này, KSV và ĐTV nên thống nhất phương án hỏi cung trước khi tiến hành hỏi cung bị can.
Khi tham gia kiểm sát việc hỏi cung bị can của ĐTV, KSV sẽ:
– Kiểm sát việc ĐTV có kiểm tra lý lịch bị can để xác định chính xác người được hỏi cung có phải là bị can trong vụ án không?
Kiểm sát việc ĐTV phải giải thích về quyền và nghĩa vụ cho bị can,
– Kiểm sát việc ĐTV có kiểm tra về tình trạng sức khỏe của bị can, thời điểm hiện tại có đau ốm, bệnh tật gì không? Có đủ sức khỏe, tỉnh táo, minh mẫn để làm việc không?
– Kiểm sát việc ĐTV giải quyết các đề nghị của bị can như thế nào? Có phù hợp và đúng với các quy định của pháp luật hay không?
Kiểm sát viên chú ý trường hợp buổi hỏi cung được thực hiện ghi âm thì nội dung vẫn phải được thể hiện bằng biên bản hỏi cung; khi kết thúc hỏi cung, ĐTV phải để bị can nghe lại nội dung và cùng đối chiếu với nội dung đã được thể hiện dưới dạng văn bản.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 183 và khoản 3 Điều 236 BLTTHS, trong cả ba giai đoạn tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử), khi xét thấy cần thiết Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành hỏi cung bị can, cụ thể:
1. Trong giai đoạn điều tra: nếu có khiếu nại về hoạt động điều tra; có căn cứ xác định vi phạm pháp luật hay trường hợp bị can kêu oan thì KSV sẽ trực tiếp tiến hành hỏi cung bị can.
2. Trong giai đoạn truy tố: KSV trực tiếp hỏi cung bị can trước khi ra quyết định truy tố để nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu chứng cứ.
3. Trong giai đoạn xét xử: Khi
Trước khi hỏi cung, KSV phải xin ý kiến chỉ đạo từ Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Lãnh đạo đơn vị và
Kiểm sát viên phải trực tiếp hỏi cung bị can trong các trường hợp có bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định rằng việc điều tra có vi phạm pháp luật hay những trường hợp khác khi KSV xét thấy cần thiết. Giống như ĐTV, việc hỏi cung của KSV cũng phải tiến hành theo quy định của BLTTHS. Nghĩa là khi hỏi cung lần đầu, KSV phải giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của bị can theo quy định tại Điều 60 BLTTHS năm 2015 và việc giải thích đó phải được ghi vào biên bản. Trường hợp vụ án có nhiều bị can thì phải hỏi riêng từng người và không cho các bị can tiếp xúc với nhau. Song song với việc hỏi cung, KSV cho bị can viết bản tự khai về hành vi phạm tội của mình. Bộ luật Tố tụng hình sự cấm không cho hỏi cung vào ban đêm (từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau), trừ trường hợp không thể trì hoãn được. Việc hỏi cung bị can trong những trường hợp này phải ghi rõ lý do vào trong biên bản.
Biên bản trong các hoạt động tố tụng phải được lập theo theo mẫu thống nhất quy định tại Điều 133 BLTTHS năm 2015: “Biên bản ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc người liên quan đến hoạt động tố tụng, khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ”. Biên bản hỏi cung bị can được thực hiện theo Điều 178 BLTTHS năm 2015: “Khi tiến hành hoạt động điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này. Điều tra viên, Cán bộ điều tra lập biên bản phải đọc biên bản cho người tham gia tố tụng nghe, giải thích cho họ quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản; trường hợp không chấp nhận bổ sung thì ghi rõ lý do vào biên bản. Người tham gia tố tụng, ĐTV, Cán bộ điều tra cùng ký tên vào biên bản. Trường hợp Kiểm sát viên, Kiểm tra viên lập biên bản thì biên bản được thực hiện theo quy định tại Điều này. Biên bản phải được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án”.
Khi tiến hành hỏi cung bị can, Kiểm sát viên phải lập biên bản theo quy định tại Điều 133 và Điều 184 BLTTHS. Việc lập biên bản thực hiện theo mẫu số 126/HS (ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao).
Mẫu biên bản hỏi cung bị can số 126/HS được xây dựng trên cơ sở quy định của BLTTHS, đầy đủ nội dung, thuận lợi cho hoạt động của Kiểm sát viên.
Kiểm sát viên có thể trực tiếp hỏi cung bị can để kiểm tra tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án sau khi nhận được hồ sơ vụ án do Cơ quan điều tra chuyển sang.
Như vậy, kiểm sát viên có vai trò quan trọng trong việc kiểm sát trình tự, thủ tục của quá trình hỏi cung bị can, đảm bảo việc hỏi cung bị can được tiến hành đúng pháp luật, khách quan, khai thác được triệt để lời khai của bị can để có thể giải quyết thấu đáo vụ việc, tránh án oan, sai.
Tuy nhiên, theo thực tiễn điều tra hiện nay, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, sai sót trong hoạt động điều tra của CQĐT như: ĐTV cố tình làm sai lệch những chứng cứ đã thu thập được hay cố tình hay vô ý thu thập chứng cứ bằng những biện pháp không hợp pháp. Thậm chí, đôi lúc tại một số địa phương vẫn tồn tại những hình thức hỏi cung bị can trái pháp luật, thô bạo, tra tấn thể xác, khủng bố về tinh thần để lấy cung bị can. Hậu quả ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình giải quyết vụ án, khiến cho việc xử lý tội phạm không đúng, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân; xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người tham gia tố tụng. Từ đó, làm giảm uy tín của cơ quan điều tra và cơ quan tiến hành tố tụng.
Trước đây, hoạt động hỏi cung bị can chỉ những người tham gia vào quá trình điều tra vụ án mới biết. Điều này nhằm đảm bảo bí mật hoạt động điều tra nhưng cũng tạo điều kiện cho những sai phạm của cơ quan điều tra không bị phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Chỉ đến khi pháp luật tố tụng hình sự được hoàn thiện hơn, Bộ luật TTHS ra đời, cho phép người bào chữa cũng được tham gia vào quá trình hỏi cung, lấy lời khai của bị can, đối với bị can chưa thành niên còn có những quy định về cấm sử dụng bức cung, nhục hình trong quá trình hỏi cung bị can và chiến lược cải cách tư pháp với mục tiêu “xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh” đã cho phép hoạt động hỏi cung bị can mới được bảo vệ ở mức độ cao hơn.