Ủy quyền cho người khác thế chấp nhà để vay tiền. Bên vay không trả nợ ngân hàng bên thế chấp có bị đấu giá phát mãi tài sản?
Ủy quyền cho người khác thế chấp nhà để vay tiền. Bên vay không trả nợ ngân hàng bên thế chấp có bị đấu giá phát mãi tài sản?
Tóm tắt câu hỏi:
Mình có 1 căn nhà 2 tầng ở Hà Tĩnh. Hiện tại thì mình đang sống ở Hà Nội. Cách đây 4 năm mình chuyển ra Hà Nội sống thì mình có ủy quyền đại diện cho chú của mình sử dụng căn nhà của mình. Tháng trước mình mới biết là chú ấy vay ngân hàng và lấy căn nhà của mình thế chấp. Chú ấy không trả nợ được nên ngân hàng mới đấu giá căn nhà của mình nên mình mới về Hà Tĩnh. Công ty có thể tư vấn cho mình vấn đề này không?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ Luật dân sự 2005.
2. Luật sư tư vấn:
Theo Bộ Luật dân sự 2005 quy định về phạm vi đại diện tại Điều 144 như sau:
Điều 144. Phạm vi đại diện
1. Người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Phạm vi đại diện theo ủy quyền được xác lập theo sự ủy quyền.
3. Người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.
4. Người đại diện phải thông báo cho người thứ ba trong giao dịch dân sự biết về phạm vi đại diện của mình.
5. Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Vì bạn không trình bày rõ bạn chỉ ủy quyền cho chú bạn sử dụng căn nhà hay kèm theo ủy quyền cho chú bạn được thế chấp căn nhà nữa nên tùy từng trường hợp sẽ giải quyết như sau:
Trường hợp 1: Bạn ủy quyền cho chú bạn thế chấp căn nhà
Trong trường hợp giấy uỷ quyền của bạn có cho phép chú bạn thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến ngôi nhà thì việc thế chấp nhà của chú bạn là đúng pháp luật. Việc xác lập hợp đồng thế chấp với ngân hàng làm phát sinh quyền của ngân hàng trong việc thu hồi nợ khi chú bạn không thể trả khoản tiền vay ngân hàng.
Theo Bộ luật dân sự 2005 quy định về nghĩa vụ của bên được uỷ quyền có quy định bên được uỷ quyền thực hiện công việc theo uỷ quyền và phải báo lại cho bên uỷ quyền biết về việc đó (Khoản 1 Điều 584). Trong trường hợp người được uỷ quyền không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên uỷ quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại (quy định tại khoản 6 Điều 584). Do đó mà bạn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp chú bạn làm hợp đồng thế chấp với ngân hàng mà không thông báo cho bạn biết. Tuy nhiên, bạn phải chứng minh được việc trong khoảng thời gian từ lúc chú bạn làm hợp đồng thế chấp nhà với ngân hàng, tuy có thông tin qua lại với bạn nhưng không thông báo cho bạn biết về việc chú bạn đã thực hiện giao dịch trên với ngân hàng.
Trường hợp 2: Bạn không uỷ quyền cho chú bạn thế chấp căn nhà.
Trong trường hợp giao dịch được xác lập mà bạn không hề hay biết thì giao dịch dân sự do chú bạn xác lập với ngân hàng không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với bạn và với căn nhà của bạn đối với ngân hàng do giao dịch đó đã được xác lập vượt quá phạm vi đại diện. (Theo quy định khoản 1 Điều 146 Bộ luật dân sự 2005)
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
Giao dịch giữa chú bạn và ngân hàng làm phát sinh việc bạn bị mất nhà thì bạn có quyền yêu cầu chú của bạn bồi thường thiệt hại do quy định tại Khoản 3 Điều 146 Bộ luật dân sự 2005 quy định.
3. Trong trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.