Tuổi nghỉ hưu theo hồ sơ lý lịch Đảng hay theo chứng minh nhân dân? Cách xác định tuổi nghỉ hưu? Công thức tính tuổi về hưu theo luật mới. Đủ tuổi nghỉ hưu chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội phải làm thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Tuổi nghỉ hưu theo hồ sơ lý lịch Đảng hay theo chứng minh nhân dân?
- 2 2. Đủ tuổi nghỉ hưu chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội phải làm thế nào?
- 3 3. Tính thời gian công tác và điều kiện nghỉ hưu:
- 4 4. Độ tuổi nghỉ hưu đối với ngành nghề độc hại nguy hiểm:
- 5 5. Cách tính tiền lương hưu khi nghỉ hưu:
1. Tuổi nghỉ hưu theo hồ sơ lý lịch Đảng hay theo chứng minh nhân dân?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi tên là Đoàn Tám, công tác tại Sở giao thông vận tải Quảng Bình. Ngày 17/8/2016 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Thông báo kết luận số 13-TB/TW về xác định tuổi của đảng viên “theo tuổi khai trong hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng. Đây là căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên…”.
Tôi xin hỏi, theo văn bản này, tôi là người đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 5/1975; tuổi khai tại sổ bảo hiểm xã hội 2/5/1958 và hồ sơ cán bộ, chứng minh nhân dân, hộ chiếu đều 5/1958; có thời gian công tác liên tục đến nay 43 năm nhưng trong hồ sơ đảng viên là 5/1957. Như vậy tôi được nghỉ hưu theo Hồ sơ lý lịch đảng viên không? Trong khi tôi đã có thông báo và đã có Quyết định nghỉ hưu do giám đốc sở Giao thông vận tải ký bắt đầu từ 1/6/2017? Nếu có thì thực hiện theo thông tư hướng dẫn nào? Trường hợp này của tôi đang còn công tác theo hồ sơ bảo hiểm xã hội và hồ sơ cán bộ công chức (thực hiện luật cán bộ công chức và
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Công văn số 7066/VPCP-TCCV ngày 25/8/2016 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc xác định tuổi của Đảng viên theo Thông báo số 13-TB/TW ngày 17/8/2016 của Ban Bí thư. Theo đó, kể từ ngày 18/8/2016, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng. Đây là căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên. Như vậy theo quy định này, tuổi nghỉ hưu của Đảng viên sẽ được xác định theo hồ sơ lý lịch Đảng.
Xét trong trường hợp của bạn, bạn đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 5/1975. Tuổi khai tại sổ bảo hiểm xã hội 2/5/1958 và hồ sơ cán bộ, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu đều 5/1958; có thời gian công tác liên tục đến nay 43 năm. Nhưng tuổi của bạn trong hồ sơ đảng viên là 5/1957. Như vậy, theo quy định tại Thông báo số 13-TB/TW thì tuổi của bạn được xác định theo tuổi được ghi trong Hồ sơ lý lịch đảng viên và đây là căn cứ để thực hiện chế độ hưu trí bạn. Và theo hồ sơ lý lịch đảng viên thì tính đến tháng 5/2017, bạn được 60 tuổi, như vậy bạn đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của
Trong trường hợp này, bạn phải làm thủ tục điều chỉnh tuổi của mình trong giấy tờ chứng minh nhân dân, hộ chiếu và sổ bảo hiểm xã hội theo hồ sơ lý lịch Đảng.
Cụ thể, căn cứ theo khoản 3 Điều 29 Quyết định 959/QĐ-BHXH thì để có căn cứ điều chỉnh ngày, tháng, năm sinh đã ghi trên sổ bảo hiểm xã hội, bạn liên hệ với đơn vị sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ nộp cơ quan bảo hiểm xã hội để xem xét, giải quyết. Thành phần hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc, quốc tịch gồm:
– Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS).
– Sổ bảo hiểm xã hội.
– Bảng kê giấy tờ hồ sơ làm căn cứ điều chỉnh (Mục I Phụ lục 03).
2. Đủ tuổi nghỉ hưu chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội phải làm thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Luật sư, tôi có 1 vấn đề thắc mắc, mong luật sư giải đáp giúp Cơ quan tôi có 1 trường hợp (nữ) đến 55 tuổi, đúng tuổi nghỉ hưu, nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu ( hiện tại chỉ đóng 15 năm), như vậy tôi có ra thông báo nghỉ hưu hay không? Mong được Luật sư tư vấn, tôi xin cám ơn?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về điều kiện hưởng lương hưu.
Theo đó, người lao động nữ được hưởng chế độ lương hưu khi đáp ứng đủ 2 điều kiện: đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi hoặc đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 50 tuổi trong đó có 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Như vậy, trường hợp lao động nữ của công ty bạn đủ 55 tuổi nhưng chỉ có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội thì chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH.
Theo đó, những người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Có thể chọn cách đóng hằng tháng, 3 tháng/lần, 6 tháng/lần, 12 tháng/lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm/lần. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.
Thời điểm hưởng lương hưu là ngày 1 tháng liền kề sau tháng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có đủ điều kiện hưởng lương hưu. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định mà vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày 1 tháng liền kề sau tháng dừng đóng BHXH tự nguyện và có yêu cầu hưởng lương hưu.
3. Tính thời gian công tác và điều kiện nghỉ hưu:
Tóm tắt câu hỏi:
Tháng 9 năm 1978, tôi nhập ngũ công tác tại trường Sơn đến tháng 10/1982. Tôi chuyển ngành vào học đại học sư phạm ra trường năm 1986 và làm giáo viên trường Công lập đến nay. Theo tuổi thì 1/12/2016 tôi nghỉ hưu (55 tuổi). vậy thời gian công tác và chế độ của tôi được tính như thế nào.?
Luật sư tư vấn:
Thời gian công tác tính hưởng bảo hiểm xã hội của chị là từ tháng 9 năm 1978 cho đến tháng 11 năm 2016, trừ đi thời gian 4 năm chị học đại học sư phạm không công tác và thời gian trước khi chị làm giáo viên mà không công tác nếu có, thời gian chưa hưởng trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần đã được giải quyết nếu có. Khoản 1, 2, 7 Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định cụ thể một số trường hợp tính thời gian công tác hưởng bảo hiểm xã hội trước năm 1995.
Khi nghỉ hưu, chị sẽ được hưởng các chế độ bao gồm chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Mức lương hưu hằng tháng của chị trong trường hợp chị công tác liên tục cả trong thời gian đi học và chưa hưởng trợ cấp một lần, tức 38 năm 2 tháng công tác tính đóng bảo hiểm xã hội, là 75% – mức tối đa – căn cứ khoản 1 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
4. Độ tuổi nghỉ hưu đối với ngành nghề độc hại nguy hiểm:
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi đóng BHXH từ tháng 10/1985 đến nay . tôi sinh tháng 8 năm 1967 trong đó tôi có 15 năm làm công việc độc hai ( cộng dồn thì đủ 15 năm độc hại còn làm công tác độc hại liên tục thì chỉ được 12 năm). hiện nay tôi không làm công tác đã chuyển công tác làm văn phòng từ năm 2006 đến nay: – Vậy tôi có được về hưu tuổi 50 hay không?( tôi là nữ) – mức lương hưu bình quân được tính như thế nào?( như cách tinh lương của BHXH trước đây thì tính mức lương bình qân của 5 năm cuối hiện có áp dụng không?
Luật sư tư vấn:
Như bạn trình bày thì bạn đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 10/1985 đến nay là tháng 05/2017 thì bạn đóng bảo hiểm xã hội được 31 năm 7 tháng. Trong đó, bạn có nêu làm việc trong môi trường độc hại liên tục là 12 năm, cộng dồn thì đủ 15 năm. Theo nguyên tắc tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì trong trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và nếu thời gian làm việc và đóng bảo hiểm xã hội ngắt quãng thì sẽ được cộng dồn. Áp dụng tương tự đối với trường hợp của bạn thì thời gian 15 năm làm công việc độc hại nếu không liên tục thì được cộng dồn. Và bạn sinh tháng 8/1967 thì đến tháng 8/2017 bạn mới đủ 50 tuổi. Như vậy, hiện tại bạn còn thiếu 3 tháng nữa mới đủ 50 tuổi.
Theo quy định của pháp luật thì người lao động được hưởng lương hưu thuộc một trong các trường hợp sau:
Một, nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Hai, nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
Ba, Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
Cuối cùng, Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Như vậy, xét trường hợp của bạn là lao động nữ, có thời gian làm việc trong môi trường độc hại là 15 năm, đồng thời đã tham gia bảo hiểm xã hội được 31 năm 7 tháng. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật bạn là lao động nữ phải có độ tuổi từ 50 đến 55 tuổi mới đủ điều kiện để về hưu khi có thời gian công tác từ 15 năm trở lên trong môi trường nặng nhọc, độc hại. Do đó, bạn không thể hưởng lương hưu ngay tại thời điểm này. Phải đến tháng 8/2017, bạn đủ 50 tuổi thì bạn mới đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Bạn đóng bảo hiểm xã hội là 31 năm 7 tháng. Theo quy định tại Điều 17
15 năm đóng bảo hiểm xã hội = 45%
17 năm đóng bảo hiểm xã hội còn lại = 17 x 3% = 51%
Như vậy tổng mức hưởng của bạn là 96%. Tuy nhiên mức hưởng tối đa theo quy định là 75%. Vì vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bạn là 75%. Ngoài ra, do bạn có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng 75% (cao hơn 30 năm) là 96% – 75% = 21 % nên bạn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu là: 7 năm x 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Về mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, bạn bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 10/1985 và bạn thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức bình quân tiền lương của bạn sẽ bằng bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Theo như phân tích ở trên mức lương hưu hàng tháng bạn được hưởng = 75% x bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
5. Cách tính tiền lương hưu khi nghỉ hưu:
Tóm tắt câu hỏi:
Xin hỏi luật sư: Trước khi nghỉ hưu 1 năm tôi bị đình chỉ công tác hưởng 50% lương. Như vậy có ảnh hưởng đến tiền lương khi nghỉ hưu không? Xin chân thành cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp, trước khi nghỉ hưu 01 năm bạn bị đình chỉ công tác cho hưởng 50% lương. Thời gian bị đình chỉ công tác bạn không làm việc nhưng vẫn được hưởng lương. Trong khoảng thời gian bạn bị tạm đình chỉ công tác, bạn không làm việc nên không được đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.
Cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại Điều 62 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
– Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:
+ Tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
+ Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
+ Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
+ Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
+ Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
+ Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
+ Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
– Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
– Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Như vậy, thời gian bạn bị đình chỉ công tác và hưởng 50% lương không ảnh hưởng đến mức hưởng chế độ hưu trí sau này.