Khái quát về đình chỉ hoạt động giáo dục? Quy định về các trường hợp đình chỉ hoạt động giáo dục?
Hoạt động giáo dục là nội dung chính yếu được thực hiện trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt là tại nhà trường. Hoạt động giáo dục là hoạt động có điều kiện xuất phát từ vị trí, vai trò, chức năng của nó đối với người học. Hoạt động giáo dục phải luôn đạt đủ điều kiện và phải phù hợp với quy định của pháp luật nếu không nhà trường sẽ bị “đào thải” bằng cách đình chỉ hoạt động giáo dục. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ có những phân tích, bình luận, so sánh về các trường hợp đình chỉ hoạt động giáo dục theo Luật Giáo dục hiện hành.
Cơ sở pháp lý:
–
– Nghị định 135/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
– Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
1. Khái quát về đình chỉ hoạt động giáo dục?
Hoạt động giáo dục là tất cả các hoạt động diễn ra trong nhà trường và ngoài xã hội nhằm định hướng, hình thành và phát triển nhân cách cho người học theo một mục tiêu nhất định. Những hoạt động đó có thể là hoạt động văn hóa trong giờ lên lớp, có thể là hoạt động ngoài giờ lên lớp có sự hướng dẫn của người lớn. Hoạt động giáo dục nằm trong quá trình giáo dục tác động đến nhận thức, hành vi cho người học ở những nội dung khác nhau. Nếu hiểu theo nghĩa này, hoạt động giáo dục chỉ mang nghĩa hẹp.
Theo nghĩa rộng, hoạt động giáo dục là những hoạt động có chủ đích, có kế hoạch, do nhà trường giáo dục định hướng, thiết kế, tổ chức, thông qua những cách thức phù hợp, nhằm thực hiện mục đích giáo dục.
Về mặt ngôn ngữ, đình chỉ nghĩa là buộc dừng lại, ngừng lại hoặc làm cho điều gì đó phải ngừng lại mà sau đấy có thể không được tiếp tục thực hiện. Từ đây, có thể hiểu đình chỉ hoạt động giáo dục là việc chủ thể có thẩm quyền quyết định buộc nhà trường phải ngừng thực hiện hoạt động giáo dục theo các trường hợp luật định và trong thời hạn cụ thể. Việc đình chỉ được thực hiện trong một thời hạn nhất định, nếu trong thời hạn đó, các nguyên nhân được khắc phục thì nhà trường sẽ được chủ thể có thẩm quyền cho phép tiếp tục hoạt động (Theo quy định tại Khoản 3, Điều 50 Luật Giáo dục).
2. Quy định về các trường hợp đình chỉ hoạt động giáo dục?
Việc đặt ra các trường hợp đình chỉ hoạt động giáo dục là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm ràng buộc trách nhiệm của nhà trường trong việc thực hiện nghiêm chỉnh các điều kiện để được hoạt động giáo dục, là căn cứ để chủ thể có thẩm quyền áp dụng nhanh chóng, triệt để, tránh những quyết định mang tính chủ quan.
Các trường hợp đình chỉ hoạt động giáo dục được quy định tại Khoản 1, Điều 50 Luật Giáo dục, gồm có 05 trường hợp chính:
Thứ nhất, có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục.
Hành vi gian lận ở đây được hiểu là hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục, dẫn đến việc cơ quan có thẩm quyền vì hiểu sai mà quyết định cho phép. Hành vi gian lận phải là lỗi cố ý, ví dụ như việc địa điểm thực hiện hoạt động giáo dục là không hợp pháp, có tranh chấp giữa các chủ thể. Hành vi gian lận không chỉ bị đình chỉ mà còn bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 (Khoản 4, Điều 6, Nghị định 04/2021/NĐ-CP)
Thứ hai, không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật này.
Khoản 2, Điều 49 Luật Giáo dục quy định có 04 điều kiện để nhà trường được phép hoạt động giáo dục. Nếu đã là điều kiện thì việc không đảm bảo hoặc thiếu một trong các điều kiện trước đó đã làm cho nhà trường không được phép hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, sau khi đã được phép hoạt động giáo dục, một số nguyên nhân khiến cho một trong các điều kiện này không còn bảo đảm (nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan) thì nhà trường hoàn toàn có thể bị áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động có thời hạn. Thực tế, đây là nguyên nhân đình chỉ có thể khắc phục được trong thời hạn đình chỉ.
Tại Khoản 1, Điều 33, Nghị định 04/2021/NĐ-CP có quy định về xử phạt đối với hành vi không đảm bảo điều kiện như sau: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm điều kiện an toàn về cơ sở vật chất trường, lớp học theo các quy định pháp luật hiện hành về tiêu chuẩn cơ sở vật chất của trường, lớp học.“. Đây cũng là cách để răn đe và việc đình chỉ để nhà trường có thời gian tiến hành việc khắc phục các điều kiện chưa đảm bảo đó.
Thứ ba, người cho phép hoạt động giáo dục không đúng thẩm quyền.
Theo quy định của Nghị định 46/2017/NĐ-CP, thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục được quy định cụ thể như sau:
– Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo cho phép trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ hoạt động giáo dục. (Khoản 1, Điều 6).
– Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép hoạt động giáo dục đối với trường tiểu học. (Khoản 10 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP)
– Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép hoạt động giáo dục đối với trường trung học cơ sở; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép hoạt động giáo dục đối với trường trung học phổ thông. (Khoản 1, Điều 28).
Như vậy, nếu người cho phép hoạt động giáo dục đối với từng loại trường không đúng với các quy định trên thì nghĩa là không đúng thẩm quyền và nhà trường sẽ bị đình chỉ hoạt động giáo dục. Nếu nhà trường muốn thực hiện hoạt động giáo dục thì phải tiến hành thực hiện trình tự, thủ tục lại từ đầu để được cấp phép bởi chủ thể có thẩm quyền.
Thứ tư, không triển khai hoạt động giáo dục trong thời hạn quy định kể từ ngày được phép hoạt động giáo dục.
Trường hợp này cụ thể là “Không triển khai hoạt động giáo dục trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được phép hoạt động giáo dục”. Vấn đề đặt ra là tại sao? Kể từ ngày được phép hoạt động giáo dục, thời điểm đó, các điều kiện về hoạt động giáo dục đang đạt ở mức độ tốt nhất, đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, việc không triển khai hoạt động giáo dục trong một thời hạn quá dài dường như cho thấy được những hạn chế của nhà trường trong khâu tổ chức hoặc gặp phải các vấn đề không thể giải quyết được, việc đình chỉ là cách để nhà nước tạo thời gian cho nhà trường khắc phục hoặc chính thức từ bỏ hoạt động giáo dục.
Thứ năm, vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ.
Đình chỉ hoạt động giáo dục được ghi nhận trong Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục là hình thức xử phạt bổ sung. Cụ thể, tại Nghị định 04/2021/NĐ-CP có nêu rõ rằng:
Ví dụ 1: “1. Phạt tiền đối với hành vi không đảm bảo một trong các điều kiện cho phép hoạt động giáo dục, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đăng ký, cho phép hoạt động hoặc công nhận hoạt động tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục theo các mức phạt sau:….
a) Đình chỉ hoạt động giáo dục hoặc dịch vụ giáo dục từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hạnh vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này….” (Khoản 1, Khoản 6, Điều 6).
Ví dụ 2:
“7. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động giáo dục không đúng thời gian giáo dục, thời gian đào tạo hoặc hình thức đào tạo đối với chương trình giáo dục của nước ngoài.
8. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi giảng dạy chương trình giáo dục của nước ngoài không đúng theo chương trình trong hồ sơ cấp phép.
9. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động giáo dục từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 7 và 8 Điều này.” (Khoản 7, 8, 9 Điều 11).
Ví dụ 3:
“c) Không đảm bảo duy trì một trong các điều kiện đã được mở ngành, chuyên ngành đào tạo theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động giáo dục đối với ngành, chuyên ngành từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.” (Điểm c, Khoản 2, khoản 3 Điều 12).
Từ những quy định trên, có thể thấy, thời gian đình chỉ đều áp dụng từ 06 tháng đến 12 tháng, việc thực hiện đình chỉ với khoảng thời gian được cho là hợp lý, là khoảng thời gian đủ để nhà trường khắc phục các nguyên nhân và thực hiện các thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp tục hoạt động.
Chủ thể có thẩm quyền sau khi kiểm tra, xác minh hành vi vi phạm, ra quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục đối với nhà trường, trong đó phải xác định rõ lý do đình chỉ, thời hạn đình chỉ, biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người học, người lao động trong nhà trường và phải công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. (Khoản 2, Điều 50). Quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục là căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ ngừng hoạt động của nhà trường, kể từ thời điểm quyết định có hiệu lực, nhà trường buộc phải thực hiện nghĩa vụ của mình và có quyền khiếu nại nếu thấy quyết định đó không phù hợp, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của nhà trường.