Khái quát về sản phẩm, dịch vụ công ích? Trình tự tiến hành đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích?
Sản phẩm, dịch vụ công là sản phẩm, dịch vụ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống, là sản phẩm tác động trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của đất nước . Sản phẩm dịch vụ công bao gồm dịch vụ sự nghiệp công và sản phẩm, dịch vụ công ích, trong đó, sản phẩm, dịch vụ công ích là loại đặc biệt, chịu sự chi phối và ảnh hưởng lớn tự nhà nước và cơ chế thị trường, do vậy, các quy định về sản phẩm, dịch vụ công ích cũng có nhiều điều để bàn luận. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ tập trung vào phân tích một khía cạnh đặc trưng nhất về sản phẩm, dịch vụ công ích mà trọng tâm là trình tự tiến hành đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
1. Khái quát về sản phẩm, dịch vụ công ích?
Sản phẩm, dịch vụ được hiểu theo nghĩa thông thường là những đối tượng được nhà sản xuất đưa ra thị trường nhằm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Nếu như sản phẩm thường tồn tại dưới dạng hữu hình là các vật thể cầm, nắm, di chuyển được thì dịch vụ lại mang tính chất vô hình, thực hiện thông qua hoạt động của con người hoặc máy móc thiết bị.
Sản phẩm, dịch vụ công ích cũng mang tính chất như sản phẩm dịch vụ thông thường, tuy nhiên xem xét khái niệm với cụm từ “công ích’ thì sản phẩm dịch vụ công ích được định nghĩa một cách cụ thể hơn. Dưới góc độ pháp lý, sản phẩm dịch vụ công ích được giải thích trong
Khái niệm này một phần dựa trên khái niệm về sản phẩm, dịch vụ công, do đó, trong Nghị định 32/2019/NĐ-CP đã giải thích rõ hơn rằng: Sản phẩm dịch vụ công ích là một trong hai bộ phận của sản phẩm, dịch vụ công, được hiểu là sản phẩm, dịch vụ mà việc sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ này theo cơ chế thị trường khó có khả năng bù đắp chi phí hoặc sản phẩm, dịch vụ có tính chất đặc thù; được Nhà nước trợ giá phần chênh lệch giữa giá tiêu thụ, giá sản phẩm dịch vụ theo quy định của Nhà nước hoặc phần chênh lệch giữa số tiền do người được hưởng sản phẩm, dịch vụ công ích thanh toán theo quy định của Nhà nước, với chi phí hợp lý của nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích để sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng (hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành nếu có). (Khoản 4, Điều 3, Nghị định 32/2019/NĐ-CP).
Một số sản phẩm, dịch vụ công ích tiêu biểu như: Dịch vụ vệ sinh môi trường công cộng; Dịch vụ chiếu sáng đô thị; Dịch vụ cấp thoát nước đô thị; Trồng và bảo vệ rừng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; Hoạt động khảo sát, thăm dò, điều tra về tài nguyên đất đai, nước, khoáng sản và các loại tài nguyên thiên nhiên.
Phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích được thực hiện theo: Đặt hàng, đấu thầu (hoặc giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định). Trong đó, các sản phẩm, dịch vụ sau đây được thực hiện đặt hàng:
Nhóm 1: Quản lý, khai thác công trình thủy lợi lớn, quan trọng đặc biệt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, theo quy định của pháp luật về thủy lợi.
Nhóm 2: Dịch vụ cung cấp điện, nước sạch cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Nhóm 3: Vắc xin, sinh phẩm trong các trường hợp sau: (i) Phục vụ công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nhóm A, nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; (ii) Sử dụng cho chương trình tiêm chủng mở rộng; (iii) Chỉ có một nhà sản xuất trong nước.
Nhóm 4: Một số sản phẩm, dịch vụ công ích quan trọng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, việc thực hiện theo phương thức này không mang tính tuyệt đối, trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định thực hiện phương thức giao nhiệm vụ thì được thực hiện giao nhiệm vụ; nhưng khuyến khích áp dụng hình thức đặt hàng.
2. Trình tự tiến hành đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích?
Điều kiện để được đặt hàng sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ phụ thuộc vào từng loại sản phẩm, dịch vụ công ích khác nhau, ví dụ, đối với sản phẩm, dịch vụ được nhắc đến ở Mục 1 thì điều kiện đặt hàng phải đáp ứng đồng thời 3 điều kiện: (i) Nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đã có đăng ký ngành nghề kinh doanh phù hợp với lĩnh vực được đặt hàng sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; có đủ năng lực về tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất, trình độ quản lý và đội ngũ người lao động đáp ứng được các yêu cầu của việc sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích theo hợp đồng đặt hàng.
Ngoài ra đối với nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích được đặt hàng trong lĩnh vực thuộc diện Nhà nước cấp phép hoạt động phải đáp ứng thêm điều kiện phải là nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật chuyên ngành; (ii) Danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích có tính đặc thù do liên quan đến sở hữu trí tuệ hoặc chỉ có một nhà cung cấp đăng ký thực hiện. (iii) Sản phẩm, dịch vụ công ích có giá tiêu thụ, giá sản phẩm dịch vụ, mức trợ giá được cấp có thẩm quyền quyết định theo pháp luật về giá và các pháp luật khác có liên quan.
Trình tự tiến hành đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích được quy định với nội dung trọn vẹn là “Đặt hàng sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích”, thực tế Nghị định 32/2019/NĐ-CP không quy định một cách cụ thể về trình tự tiến hành đặt hàng, mà điều này cho phép Ủy ban nhân dân tỉnh, các bộ, cơ quan trung ương quyết định phù hợp với ngân sách của mình. Vì vậy, trong phần này, tác giả chỉ khái quát dựa trên quá trình tìm hiểu pháp luật của bản thân, cụ thể như sau:
Trước hết, trên cơ sở dự toán được giao, đơn giá, giá đặt hàng, chi phí hợp lý, giá tiêu thụ, giá sản phẩm, dịch vụ công ích, mức trợ giá, căn cứ đặt hàng khác theo quy định của pháp luật khác có liên quan (nếu có) (nói tóm lại là căn cứ đặt hàng tại Điều 18 Nghị định 32); cơ quan đặt hàng xác định số lượng, khối lượng sản phẩm, dịch vụ công ích được trợ giá để ký hợp đồng đặt hàng. Trường hợp giá tiêu thụ; đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công ích theo quy định của Nhà nước hoặc số tiền do người được hưởng sản phẩm, dịch vụ công ích thanh toán theo quy định của Nhà nước thấp hơn chi phí hợp lý của nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thì nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích được trợ giá theo số lượng hoặc khối lượng sản phẩm, dịch vụ công ích được đặt hàng.
Bước 2: tiến hành ký kết hợp đồng đặt hàng sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích công.
Hợp đồng phải đảm bảo 15 nội dung cơ bản: Tên sản phẩm, dịch vụ công ích đặt hàng: Số lượng, khối lượng sản phẩm, dịch vụ công ích; Chất lượng sản phẩm, dịch vụ công ích (theo tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành); Giá, đơn giá, mức trợ giá; Số lượng, khối lượng sản phẩm, dịch vụ công ích được trợ giá; Giá trị hợp đồng; Thời gian triển khai, thời gian hoàn thành; Doanh thu, chi phí từ hoạt động sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích (nếu cần thiết); Giá tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ công ích; Chi phí hợp lý sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; Giao hàng: thời gian, địa điểm, phương thức; Phương thức thanh toán, quyết toán; Phương thức nghiệm thu, thanh lý hợp đồng; Quyền và nghĩa vụ của cơ quan đặt hàng và nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; Trách nhiệm của các bên do vi phạm hợp đồng và thủ tục giải quyết.
Xuất phát từ sự tự do trong quan hệ dân sự, các bên có thể thỏa thuận bổ sung một số nội dung khác trong hợp đồng nhưng không trái với quy định của pháp luật và không làm thay đổi giá của sản phẩm, dịch vụ công ích. Hợp đồng này có thể điều chỉnh nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép khi đáp ứng các điều kiện.
Bước 3: Thanh toán sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện theo phương thức đặt hàng: Cơ quan đặt hàng, ký hợp đồng đặt hàng thực hiện thanh toán, quyết toán.
Thực tế, việc đặt hàng cung ứng không quá khó khăn, trình tự thực hiện khá đơn giản, điều quan trọng là các chủ thể có thẩm quyền phải thực sự minh bạch trong ngân sách, tiếp cận được nhà cung ứng sản phẩm, dịch vụ mang lại những sản phẩm, dịch vụ hiểu quả nhất.
Nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như đảm bảo được rằng, việc thực hiện đặt hàng là hiệu quả, doanh nghiệp cung ứng có các quyền và nghĩa vụ nhất định: Được hạch toán và bù đắp chi phí theo giá do pháp luật về đấu thầu quy định hoặc thu phí sử dụng dịch vụ theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Được bảo đảm thời hạn cung ứng sản phẩm, dịch vụ thích hợp để thu hồi vốn đầu tư và có lãi hợp lý; Cung ứng sản phẩm, dịch vụ đủ số lượng, đúng chất lượng và thời hạn đã cam kết theo giá hoặc phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; Bảo đảm các điều kiện công bằng và thuận lợi cho khách hàng; Chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về số lượng, chất lượng, điều kiện cung ứng và giá, phí sản phẩm, dịch vụ cung ứng.