Trình tự, thủ tục xử lý kỉ luật viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với viên chức không?
Trình tự, thủ tục xử lý kỉ luật viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Có thể đơn phương chấm dứt
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư. Tôi có một câu hỏi muốn nhờ luật sư tư vấn giúp để giải quyết. Đơn vị tôi là đơn vị sự nghiệp công lập. Vừa qua, tại đơn vị tôi có một trường hợp xin đi du học và cũng đã xin chủ trương của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên anh này đã đi ra nước ngoài khi chưa có Quyết định của cấp có thẩm quyền. Vậy xin luật sư tư vấn cho tôi về trình tự thủ tục xử lý kỉ luật, giấy tờ cần thiết. Đơn vị có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không. Tôi xin chân thành cảm ơn.?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, về hành vi vi phạm của viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập của bạn.
Đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước. Theo như thông tin bạn cung cấp, đơn vị của bạn là đơn vị sự nghiệp công lập và trường hợp tự ý ra nước ngoài du học khi chưa được sự cho phép của cấp trên là một viên chức trong đơn vị.
Luật viên chức 2010 tại điều 11 quy định về nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp. Theo đó, khoản 3 quy định viên chức phải “Chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền”. Khoản 1 điều 19 Luật viên chức 2010 cũng quy định những việc viên chức không được làm. Theo đó, viên chức không được tự ý bỏ việc trong thời gian đang thực hiện hoạt động nghề nghiệp tại đơn vị sự nghiệp công lập. Điều 4, Nghị định 27/2012/NĐ- CP về xử lý kỉ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường hoàn trả của viên chức quy định:
“Viên chức bị xử lý kỷ luật khi có hành vi vi phạm pháp luật trong các trường hợp sau:
1. Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ của viên chức và những việc viên chức không được làm quy định tại Luật viên chức;
2. Vi phạm các nghĩa vụ khác cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập;
3. Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật;
4. Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự”
Như vậy, theo như phân tích ở trên, trường hợp viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập của bạn tự ý nghỉ việc, đồng thời không chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền nên sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Tùy vào mức độ vi phạm của viên chức mà đơn vị có thể áp dụng những hình thức xử lý kỉ luật sau: khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc.
Thứ hai, về trình tự, thủ tục xử lý kỉ luật viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Bước 1:
– Bộ phận tổ chức yêu cầu viên chức, lao động hợp đồng vi phạm kỷ luật viết
– Đơn vị có viên chức, lao động hợp đồng vi phạm kỷ luật tổ chức họp kiểm điểm viên chức, lao động hợp đồng vi phạm kỷ luật, đề xuất hình thức kỷ luật.
Bước 2:
– Thành lập Hội đồng kỷ luật của đơn vị theo quy định tại Nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ.
– Họp Hội đồng kỷ luật của đơn vị, xem xét, đề xuất hình thức kỷ luật viên chức và lao động hợp đồng.
– Thủ trưởng đơn vị ban hành quyết định kỷ luật những trường hợp thuộc thẩm quyền và báo cáo cấp trên.
– Thủ trưởng đơn vị báo cáo lên cấp trên xem xét, giải quyết các trường hợp kỷ luật không thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị.
Bước 3:
Lưu trữ hồ sơ kỷ luật trong hồ sơ viên chức, lao động hợp đồng; ghi hình thức kỷ luật vào lý lịch viên chức, lao động hợp đồng.
Thứ ba, về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với viên chức.
Theo quy định tại Điều 29, Luật viên chức 2010, đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với viên chức trong trường hợp viên chức bị buộc thôi việc theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 và khoản 1 Điều 57 của Luật viên chức 2010. Mà theo quy định tại Nghị định 27/2012/ NĐ- CP:
“Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;
2. Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
3. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập;
4. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;
5. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch; năm dương lịch;
6. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức”.
>>> Luật sư
Như vậy, trong trường hợp này, nếu viên chức đó tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị buộc thôi việc. Khi đó, đơn vị sự nghiệp công lập có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với viên chức đó trong trường hợp này.