Trẻ em có được đứng tên sổ tiết kiệm không? Sổ tiết kiệm đứng tên riêng có phải tài sản riêng của con? Bố mẹ có được rút tiền từ sổ tiết kiệm của con? Nội dung của sổ tiết kiệm? Thủ tục mở sổ tiết kiệm cho con dưới 18 tuổi?
Hiện nay, nhiều cha mẹ muốn tích góp tiền cho con khi con còn nhỏ. Việc mở tài khoản tiết kiệm cho con đứng tên để chuẩn bị cho con hành trang tương lai tốt , muốn con có được chi phí dư giả trong tương lai. Nhu cầu được mở tài khoản tiết kiệm cho con của cha mẹ được pháp luật tạo điều kiện thực hiện. Bên cạnh đó những vấn đề pháp lý liên quan đến việc mở tài khoản tiết kiệm cho con cũng được cha mẹ quan tâm. Vậy khi mở tài khoản tiết kiệm thì trẻ em có được đứng tên sổ tiết kiệm không? Trẻ mấy tuổi thì được mở?
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2015;
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
– Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi tiết kiệm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.
Mục lục bài viết
1. Trẻ em có được đứng tên sổ tiết kiệm không?
– Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định người gửi tiền là người từ đủ 18 tuổi trở lên, là công dân việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật. Nếu công dân Việt Nam dưới 18 tuổi thì phải đáp ứng các điều kiện như sau:
+ Công dân Việt nam từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
+ Công dân Việt Nam dưới 15 tuổi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật mà thực hiện giao dịch gửi tiết kiệm phải thông qua người đại diện theo pháp luật; công dân Việt Nam có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật thực hiện giao dịch gửi tiết kiệm thì phải thông qua người giám hộ.
– Đối với việc quản lý tài sản riêng của con được quy định tại Khoản 1 Điều 76 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Cụ thể: Trường hợp con đã đủ 15 tuổi trở lên thì con có thể tự mình quản lý tài sản thuộc sở hữu riêng của mình hoặc con nhờ cha mẹ quản lý tài sản thay cho con. Trường hợp con dưới 15 tuổi hoặc con bị mất năng lực hành vi dân sự thì cha mẹ là người quản lý tài sản riêng cho con. Hoặc cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng cho con, khi con từ 15 tuổi trở lên hoặc khi con đã khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì cha mẹ hoặc người đang quản lý tài sản riêng của con phải giao lại cho con, trừ trường hợp giữa cha mẹ và con có thỏa thuận khác.
– Đồng thời tại Khoản 4 Điều 21 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định rằng người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ trường hợp tài sản liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký thì giao dịch thì phải được sự đồng ý người đại diện theo pháp luật.
Như vậy, căn cứ những quy định trên có thể thấy đối với trẻ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất năng lực hành vi dân sự, hoặc không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật, nếu có tiền được bố mẹ, ông bà, người thân thích tặng cho đã đủ điều kiện để mở sổ tiết kiệm, không cần thông qua sự đồng ý của bố mẹ. Với những trẻ ở độ tuổi này khi mở sổ tiết kiệm có thể nhờ bố mẹ quản lý hoặc tự mình quản lý tài sản đó. Còn với những trẻ dưới 15 tuổi khi mở sổ tiết kiệm phải được sự đồng ý của bố mẹ và được bố mẹ quản lý thay đến khi đủ tuổi theo quy định.
2. Sổ tiết kiệm đứng tên riêng có phải tài sản riêng của con:
Con có quyền có tài sản riêng. Điều này được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 75 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Tài sản riêng của con có thể được hình thành từ tài sản con được nhận thừa kế, được tặng cho riêng, thu nhập do con kiếm được từ sức lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và các khoản thu nhập khác của con. Như vậy, khi cha mẹ mở sổ tiết kiệm cho con thì sổ tiết kiệm đứng tên con được coi là tài sản riêng của con.
3. Bố mẹ có được rút tiền từ sổ tiết kiệm của con không?
Đối với tài sản riêng của con không phải khi nào bố mẹ cũng có toàn quyền định đoạt. việc bố mẹ định đoạt tài sản riêng của con phải phù hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều 77 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Cụ thể với con dưới 15 tuổi thì cha mẹ hoặc người giám hộ đang quản lý tài sản của con có quyền định đoạt tài sản riêng của con vì lợi ích học tập, sức khỏe, phát triển, … cho con. Đối với con từ 09 tuổi trở lên khi định đoạt tài sản riêng của con phải xem xét hỏi nguyện vọng của con.
Theo đó, bố mẹ muốn rút tiền phải được con ủy quyền bằng văn bản khi con trên 15 tuổi, bố mẹ không thể rút tiền tiết kiệm nếu con không ủy quyền cho.
Đối với trường hợp con dưới 15 tuổi, bố mẹ là người trực tiếp quản lý tài sản của con, với trẻ dưới 9 tuổi phải hỏi nguyện vọng của con, tuy nhiên thực tế áp dụng việc chứng minh lợi ích cho con và nguyện vọng cho con không có quy định cụ thể chính xác nên bố mẹ vẫn rút tiền tiết kiệm của con mà không cần phải chứng minh mục đích rút tiền sử dụng làm gì.
Khi bố mẹ mở sổ tiết kiệm cho con mà cả bố và mẹ đều là người đại diện thực hiện việc mở sổ thì khi rút cần có sự có mặt của cả hai, hoặc phải có văn bản ủy quyền nếu một trong hai người không có mặt, nếu không có ủy quyền thì một người không thể rút tiền tiết kiệm đó được.
4. Nội dung của sổ tiết kiệm
Sổ tiết kiệm hay còn gọi là thẻ tiết kiệm được áp dụng đối với trường hợp nhận tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng., đây được coi là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi tại tổ chức tín dụng. Sổ tiết kiệm bao gồm những nội dung cơ bản được quy định tại Điều 7 Thông tư 48/2018/TT-NHNN như sau:
– Tên tổ chức tín dụng, con dấu; Họ tên, chữ ký của người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng và của giao dịch viên;
– Đối với trường hợp gửi tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật thì phải có thông tin của người đại diện theo pháp luật của người gửi tiền; đối với trường hợp đủ điều kiện tự mình mở sổ tiết kiệm thì phải có thông tin cá nhân của người gửi. Thông tin gồm có: họ tên, số và ngày cấp Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền hoặc của tất cả người gửi tiền (đối với tiền gửi tiết kiệm chung); họ tên, số và ngày cấp giấy tờ xác minh nhân thân của người đại diện theo pháp luật (nếu có)
– Số Thẻ tiết kiệm; đồng tiền; ngày gửi tiền; thời hạn gửi tiền; ngày đến hạn (đối với tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn); lãi suất; phương thức trả lãi;
– Tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm và biện pháp để người gửi tiền;
– Cách thức xử lý đối với trường hợp sổ tiết kiệm bị rách, nhàu, nát, mất;
Ngoài các nội dung cơ bản cần có trong sổ tiết kiệm nêu trên thì sổ tiết kiệm có thể có các nội dung khác theo quy định của tổ chức tín dụng.
5. Thủ tục mở sổ tiết kiệm cho con dưới 18 tuổi:
Để mở sổ tiết kiệm dành cho con dưới 18 tuổi cần lưu ý trình tự như sau:
Thứ nhất, với cá nhân từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể tự mình mở sổ tiết kiệm thì khi đến chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng cần xuất trình các giấy tờ , khách hàng cần đến chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng gần nhất và xuất trình các giấy tờ: xuất trình CCCD hoặc CMND hoặc Hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực và các giấy tờ để chứng minh số tiền gửi ngân hàng là tài sản riêng của mình như: giấy tờ về việc tặng, cho được công chứng hoặc chứng thực, giấy tờ về thừa kế, các giấy tờ như
Thứ hai, với cá nhân dưới 15 tuổi hoặc trẻ dưới 18 tuổi nhờ cha mẹ gửi tiết kiệm, thì cha mẹ hoặc người giám hộ cho con thay mặt mở sổ tiết kiệm cho con cần phải cung cấp những giấy tờ liên quan sau: Giấy CMND/CCCD hoặc hộ chiếu của người giám hộ/đại diện theo pháp luật; Giấy khai sinh của con hoặc các giấy tờ chứng minh tư cách của người giám hộ/đại diện theo pháp luật. Khi mở sổ tiết kiệm cho con đứng tên của con thì cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ là người trực tiếp quản lý, theo dõi khoản tiền này cho con.
Sau khi cung cấp đầy đủ thông tin vào “Giấy gửi tiết kiệm/Giấy tờ có giá” thì người gửi tiết kiệm hoặc người đại diện/người giám hộ cho con phải thực hiện các thủ tục khác theo sự hướng dẫn của giao dịch viên Ngân hàng.