Vấn đề bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thuê trong lĩnh vực thương mại là một vấn đề quan trọng giúp đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên tham gia hợp đồng.
Vấn đề bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thuê trong lĩnh vực thương mại là một vấn đề quan trọng giúp đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên tham gia hợp đồng.
1. Căn cứ áp áp dụng trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
Không phải bất kỳ lúc nào, khi một bên trong hợp đồng mua bán ngoại thương không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ những quy định trong hợp đồng đều phải chịu trách nhiệm bồi thường và chịu phạt trước bên kia. Để xác định xem một trường hợp vi phạm hợp đồng có thể quy trách nhiệm cho bên vi phạm không, ta phải căn cứ vào các yếu tố cấu thành trách nhiệm.
Xuất phát từ lí luận và thực tiễn khoa học về quan hệ giữa các bên trong hợp đồng thuê, Điều 230 Luật Thương Mại: Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại” quy định bốn yếu tố cấu thành trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thuê trong trong thương mại:
a) Hành vi vi phạm hợp đồng
Đây là căn cứ cơ bản để quy trách nhiệm, vì hợp đồng là sự thỏa thuận tự nguyện có hiệu lực pháp luật, và sau khi được xác lập, các nghĩa vụ xuất phát từ quan hệ hợp đồng mang tính bắt buộc, nếu một bên không thi hành thì bị coi là vi phạm pháp luật và sẽ bị quy kết trách nhiệm.
Như vậy, chỉ khi các chủ thể hợp đồng thực hiện đúng nguyên tắc trong thương mại sau:
• Nguyên tắc thực hiện tự nguyện thực sự các cam kết.
• Nguyên tắc thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết.
• Nguyên tắc thực hiện trên cơ sở thiện chí hợp tác, hai bên cùng có lợi, đảm bảo đạo đức trong kinh doanh.
Có thực hiện đúng các nguyên tắc này thì các bên mới được coi là không vi phạm hợp đồng tức là không vi phạm pháp luật và được pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng. Luật thương mại Việt Nam quy định nghĩa vụ chứng minh vi phạm hợp đồng là của bên bị vi phạm.
b) Phải có lỗi của bên vi phạm hợp đồng.
Trong hợp đồng mua bán với thương nhân nước ngoài, việc một bên “không quan tâm” và “quan tâm không đúng mức” tới việc thực hiện nghĩa vụ của mình, do đó dẫn tới vi phạm nghĩa vụ đó thì bị coi là có lỗi. Ở đây, cụm từ “không quan tâm” được hiểu là hành vi cố ý, không thực hiện nghĩa vụ, dù biết là sai nhưng vẫn không chấp hành quy định của hợp đồng và do đó bị coi là có lỗi. Còn việc “quan tâm không đúng mức” tức là hành vi vi phạm do vô ý, do sơ suất hoặc có biết trước được hậu quả của hành vi sơ suất đó song do quá cẩu thả mà không lường trước được mức độ của hậu quả.
Luật thương mại Việt Nam không quy định ai có lỗi mà lỗi được xác định theo nguyên tắc suy đoán. Khi một bên vi phạm hợp đồng thì bên kia có quyền suy đoán bên vi phạm có lỗi và vì vậy, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm. Khi bị quy trách nhiệm, bên vi phạm muốn thoát trách nhiệm phải chứng minh là mình không có lỗi, chừng nào không chứng minh được thì đương nhiên vẫn bị coi là có lỗi và phải chịu trách nhiệm.
c) Có thiệt hại thực tế xảy ra
Đây là yếu tố cần thiết, đặc biệt cho trường hợp muốn quy trách nhiệm đòi bồi thường thiệt hại. Thông thường, thiệt hại mà trái chủ phải gánh chịu có thể là thiệt hại vật chất và thiệt hại tinh thần ( chủ yếu là thiệt hại vật chất)
Thiệt hại về vật chất thường gồm các loại thiệt hại sau:
Thiệt hại trực tiếp: Là một loại thiệt hại mang tính chất thực tế, có thể tính toán được một cách cụ thể. Tổn thất thực tế gồm có:
+ Giảm tài sản bằng hiện vật: như khi một bên vi phạm một nghĩa vụ nào đó làm cho tài sản của bên kia giảm sút
+ Các chi phí đã chi ra và chi thêm: các chi phí đã chi ra như chi phí đàm phán, ký kết hợp đồng….Ví dụ như: người thuê mất chi phí cải tạo, xây dựng trên bất động sản nhưng người cho thuê lại không chịu giao bất động sản.
Thiệt hại gián tiếp: Các khoản lợi bị bỏ lỡ, các khoản thu đáng lý ra được nhận nếu bên kia thực hiện đúng hợp đồng nhưng đã không được nhận. Đây chính là những khoản lợi mất hưởng mà khi ký kết hợp đồng, các bên đều mong đợi. Những khoản lợi này dù trên thực tế nếu không có vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm có nhận được hay không không quan trọng mà cứ có vi phạm gây thiệt hại làm mất khoản lợi dự ước đó, người bị vi phạm vẫn được quyền đòi bên vi phạm. Để đòi bồi thường thiệt hại thực tế, bên bị vi phạm phải chứng minh được là mình có thiệt hại đó và để thoát trách nhiệm, bên vi phạm phải chứng minh ngược lại.
d) Mối quan hệ giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế xảy ra.
Mối quan hệ này thể hiện ở chỗ vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra các thiệt hại, còn thiệt hại thực tế là hậu quả trực tiếp của những hành vi đó.
Nghĩa vụ chứng minh quan hệ nhân quả này thuộc về bên bị vi phạm. Điều cần chú ý là khi chứng minh phải loại trừ các thiệt hại gián tiếp, thiệt hại không lường trước được, thiệt hại đoán ước. Trên thực tế, nghĩa vụ chứng minh thiệt hại trực tiếp lại rơi vào bên bị vi phạm vì bên bị vi phạm muốn đòi được bồi thường càng nhiều càng tốt nên thường liệt kê các thiệt hại ra. Bên vi phạm để không phải bồi thường tất cả các thiệt hại mà trái chủ đã nêu thì phải chứng minh được rằng chỉ một phần thiệt hại xảy ra là do việc vi phạm nhiệm vụ của mình, thiệt hại tài sản khác còn lại do một số nguyên nhân khác không phải do lỗi của mình bằng cách đưa ra các văn bản, bằng chứng có liên quan.
2. Các chế tài áp dụng cho việc vi phạm hợp đồng thuê theo
Khi vi phạm hợp đồng trong hoạt động thuê, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm trước bên bị vi phạm thông qua các hình thức trách nhiệm gọi là chế tài. Theo pháp luật thương mại Việt Nam, các chế tài thương mại được hiểu là những biện pháp pháp lý mang tính tài sản do bên bị vi phạm lựa chọn để áp dụng đối với bên vi phạm nhằm mục đính ngăn ngừa, trừng trị và giáo dục. Như vậy, các chế tài thương mại được áp dụng là để khôi phục về mặt vật chất cho bên bị vi phạm hoặc là để ngăn ngừa thiệt hại hay có ý nghĩa trừng phạt về mặt vật chất đối với bên vi phạm hợp đồng. Do đó, các chế tài này được các bên áp dụng cho các vi phạm xuất hiện từ lúc ký kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng. Tùy thuộc vào các vi phạm và các quy định khác nhau trong hợp đồng mà các chế tài khác nhau được áp dụng.
Theo điều 292, Luật thương mại Việt Nam, quy định các loại chế tài trong thương mại. Đó là:
• Buộc thực hiện đúng hợp đồng.
• Phạt vi phạm.
• Buộc bồi thường thiệt hại.
• Tạm ngừng thực hiện hợp đồng.
• Đình chỉ thực hiện hợp đồng.
• Huỷ bỏ hợp đồng.
• Các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.
a) Trách nhiệm buộc thực hiện đúng hợp đồng.
Khi tới thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà người có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ thì sẽ phát sinh trách nhiệm. Khi xảy ra việc không thực hiện, thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì trước hết bên có quyền thường áp dụng các biện pháp buộc bên vi phạm tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng vì việc thực hiện đúng hợp đồng là mối quan tâm hàng đầu của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng. Chỉ khi không khắc phục được vi phạm, bên có quyền mới áp dụng các biện pháp chế tài khác như: phạt vi phạm, hủy hợp đồng hay yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra.
Ví dụ, nếu quá thời hạn mà nghĩa vụ xây nhà vẫn chưa hoàn thành, thì bên có nghĩa vụ phải tiếp tục hoàn thành việc xây nhà, đồng thời thanh toán khoản tiền phạt vi phạm hoặc (và) bồi thường thiệt hại (nếu có).
b) Phạt vi phạm
Định nghĩa:
Khoản 1 điều 422 “Bộ luật dân sự 2015” quy định: “Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm”. Theo Điều 226, Luật thương mại: “Phạt vi phạm là việc bên có quyền lợi bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt nhất định do vi phạm hợp đồng, nếu trong hợp đồng có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.”
Khi tham gia giao kết hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận trước khoản tiền mà bên vi phạm phải trả cho bên bị vi phạm trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ mà không có lý do chính đáng. Phạt vi phạm là chế tài nhằm trừng phạt bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng được các bên dự kiến trước. Việc quy định mức phạt vi phạm hợp đồng có thể làm cho bên bị vi phạm nhận được số tiền bị thiệt hại đã được dự tính trước mà không cần phải chứng minh có thiệt hại thực tế xảy hay không.
Phạt vi phạm cũng không hoàn toàn mang ý nghĩa bồi thường thiệt hại, vì chỉ cần có vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là phạt vi phạm được áp dụng, dù có thể thiệt hại do vi phạm không đáng kể, thậm chí có thể không xảy ra. Đây cũng là sự khác biệt giữa phạt vi phạm với bồi thường thiệt hại.
Cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 422 “Bộ luật dân sự 2015”: “Các bên có thể thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải nộp phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại; nếu không có thoả thuận trước về mức bồi thường thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.”
Trong trường hợp các bên không có thoả thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm. Như vậy, phạt vi phạm có thể được áp dụng như một hình thức trách nhiệm đơn nhất hoặc đồng thời với trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
• Hình thức phạt vi phạm:
Theo các quy định về hợp đồng trong thương mại quốc tế, thông thường có hai hình thức phạt vi phạm dựa vào hành vi vi phạm hợp đồng. Đó là phạt bội ước và phạt vạ.
Bội ước là không thực hiện những cam kết trong hợp đồng, do vậy có thể hiểu phạt bội ước là phạt do không thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp này mức phạt tương đối cao nhằm thực hiện chức năng bù đắp vật chất cho bên bị vi phạm hợp đồng, đồng thời thực hiện chức năng đảm bảo nghĩa vụ thực hiện hợp đồng. Chức năng đảm bảo nghĩa vụ thực hiện hợp đồng thể hiện ở chỗ nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thì sẽ phải chịu phạt. Đối với trường hợp phạt bội ước, sau khi đã nộp đủ tiền phạt thì bên vi phạm được giải phóng khỏi nghĩa vụ hợp đồng của mình. Nói cách khác hợp đồng chấm dứt khi bên vi phạm nộp phạt.
Phạt vạ trong các trường hợp các bên thực hiện không đúng nghĩa vụ như: chậm giao hàng, chậm thanh toán tiền…Phạt vạ là hình thức phạt mà sau khi nộp một khoản tiền phạt, bên vi phạm vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng. Như vậy phạt vạ là phạt về việc bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng.Mức phạt vạ thường nhỏ hơn mức phạt bội ước.
Các bên có thể thỏa thuận phạt vi phạm dưới hình thức là một khoản tiền cụ thể (ví dụ như chậm giao hàng thì phạt 5 triệu) hoặc cũng có thể dưới hình thức ấn định tỷ lệ phần trăm dựa trên phần nghĩa vụ bị vi phạm (ví dụ, phạt 0,7% giá trị của phần nghĩa vụ bị vi phạm).
• Mức phạt vi phạm
Mức phạt vi phạm là một khoản tiền nhất định mà bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp cho bên bị vi phạm. Các bên có thể ấn định một mức phạt nhất định khi thỏa thuận hợp đồng hoặc chỉ thỏa thuận một mức phần trăm tương đối dựa trên phần nghĩa vụ bị vi phạm và mức độ bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật.
Trên cơ sơ tiếp thu kinh nghiệp của pháp luật nước ngoài, trong “Bộ luật dân sự 2015” mức phạt vi phạm được quy định mở hơn, để cho các bên tự do thỏa thuận mức phạt vi phạm ( khoản 2 Điều 422 “Bộ luật dân sự 2015”). Khi được tự do thỏa thuận mức phạt vi phạm thì vấn đề khoản tiền phạt bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng.
Nếu như các bên coi khoản tiền phạt vi phạm là mức bồi thường thiệt hại dự tính trước, thì các bên phải tính toán rất cẩn thận các hậu quả về tài chính khi xảy ra vi phạm hợp đồng như: chậm giao hàng, chậm thanh toán hay không thực hiện đúng nghĩa vụ chuyển giao vật…cũng như các chi phí khác phát sinh từ hành vi vi phạm đó để đưa ra một khoản tiền phạt phù hợp. Trong trường hợp các bên không có sự tính toán kĩ càng, không lường trước được những chi phí bù đắp cho thiệt hại phát sinh thì khi xảy ra vi phạm hợp đồng, mức phạt vi phạm có thể rất lớn hoặc rất nhỏ so với thiệt hại thực tế.
Nếu như các bên chỉ coi phạt vi phạm là một biện pháp trừng phạt đối với bên vi phạm và nhằm bảo đảm hợp đồng, thì khoản tiền phạt chỉ mang tính chất tương đối, khi đó các bên thường áp dụng đồng thời với biện pháp bồi thường thiệt hại. Bên vi phạm sẽ phải vừa phải chịu khoản tiền vi phạm vừa phải chịu khoản tiền bồi thường thiệt hại đối với hành vi phạm hợp đồng.
Khi áp dụng điều khoản vi phạm hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận một khoản tiền cụ thể, cũng có thể đưa ra mức phạt dựa trên giá trị của phần nghĩa vụ bị vi phạm. Tuy nhiên, mức phạt vi phạm ngoài việc các bên có thể tự do thỏa thuận còn có thể thấy trong một số loại hợp đồng cụ thể được quy định tại các văn bản chuyên ngành khác hướng dẫn thi hành hoặc trong một số loại hợp đồng mẫu. Ví dụ: Trong Luật thương mại 2005 Điều 301 quy định, mức phạt vi phạm đối với vi phạm hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Hay trong quy định kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện ban hành kèm theo Quyết định 31/2006/QD-BCN ngày 6/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Công Nghiệp, quy định rõ mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng căn cứ theo thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy, một số văn bản quy phạm pháp luật về hợp đồng đều quy định các bên được tự do thỏa thuận về mức phạt vi phạm hợp đồng, tuy nhiên có giới hạn mức phạt cao nhất mà các bên được phép áp dụng dựa trên giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Điều này đảm bảo quyền lợi cho các bên, bên có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình đúng với tính chất của vi phạm và sẽ không phải lo lắng sẽ bị áp dụng một mức phạt quá cao so vói thiệt hại thực tế, bên có quyền cũng không lo chỉ nhận được một khoản tiền bù đắp quá nhỏ so với thiệt hại do hành vi vi phạm của bên có nghĩa vụ gây ra.
c) Bồi thường thiệt hại
Định nghĩa:
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng là loại trách nhiệm dân sự mà theo đó người có hành vi vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng gây ra thiệt hại cho người khác thì phải chịu bồi thường những tổn thất mà mình gây ra.
• Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng thuê:
Điều 303 Luật thương mại 2005 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: “Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:
1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;
2. Có thiệt hại thực tế;
3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.”
Trách nhiệm BTTH theo hợp đồng chỉ phát sinh khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng tức là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, thực hiện không đầy đủ hợp đồng gây ra. Để xác định bên nào vi phạm hợp đồng, phải xuất phát từ hợp đồng được kí kết, nghĩa vụ của các bên và từ đó xác định vi phạm, mức độ vi phạm để truy cứu trách nhiệm. Bên đưa ra yêu cầu đòi bồi thường phải chứng minh được hợp đồng làm phát sinh căn cứ nghĩa vụ giữa hai bên là hợp đồng hợp pháp và là căn cứ quan trọng để xác định hành vi vi phạm. Nếu giữa các bên tồn tại quan hệ hợp đồng nhưng hành vi gây thiệt hại không phải là do vi phạm hợp đồng thì trách nhiệm phát sinh cũng không phải là trách nhiệm theo hợp đồng. Ví dụ, A thuê B đến sơn lại nhà cho mình. Trong quá trình làm việc, B đã ăn trộm chiếc điện thoại của A và đã bán cho người khác. Trong trường hợp này không thể tìm lại chiếc điện thoại thì A chỉ có thể khởi kiện B yêu cầu BTTH ngoài hợp đồng.
Có thiệt hại xảy ra trong thực tế: Thiệt hại trong vi phạm nghĩa vụ hợp đồng có thể được hiểu là thiệt hại về vật chất. Bộ luật Dân sự 2005 đã quy định tại Điều 307: “thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.”
Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra: Hành vi gây ra thiệt hại là nguyên nhân, thiệt hại là kết quả. Hành vi vi phạm trên thực tế là nguyên nhân trực tiếp có ý nghĩa quyết định đối với thiệt hại xảy ra và chỉ khi nào thiệt hại xảy ra là hậu quả tất yếu của hành vi vi phạm thì người vi phạm mới phải bồi thường thiệt hại. Trong lĩnh vực hợp đồng, chỉ khi nào hành vi vi phạm hợp đồng của một bên là nguyên nhân dẫn đến những tổn thất, thiệt hại cho bên kia thì bên vi phạm mới phải chịu trách nhiệm.
Như vậy, về nguyên tắc chung khi áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại không cần xác định hình thức lỗi của người gây thiệt hại mà chỉ cần xem xét bên vi phạm có lỗi hay không.
• Xác định thiệt hại:
Khoản 2 Điều 307 của Bộ luật dân sự 2005 quy định những thiệt hại được xác định trong trường hợp phải bồi thường bao gồm nhữn tổn thất về tài sản, chi phí hợp lí để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút.
Trong thực tế, khi có vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm cũng phải áp dụng hết các biện pháp hợp lí để ngăn chặn, hạn chế những tổn thất. Vì vậy, ngoài những thiệt hại xảy ra do vi phạm hợp đồng bao gồm những tài sản bị mất mát hoặc bị hủy hoại hoàn toàn, những hư hỏng, giảm sút giá trị về tài sản, thiệt hại còn bao gồm cả những chi phí mà người bị vi phạm phải bỏ ra để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục những hậu quả do người vi phạm nghĩa vụ gây ra, những tổn thất do thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút.
Về mặt lý luận, thiệt hại được chia ra thành thiệt hại trực tiếp và gián tiếp. Thiệt hại trực tiếp là những thiệt hại đã xảy ra trong thực tế mà mức thiệt hại dễ dàng xác định được như chi phí thực tế và hợp lí mà bên bị vi phạm phải bỏ ra để khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, giá trị tài sản bị mất mát, hư hỏng, giảm sút…Thiệt hại gián tiếp là những thiệt hại phải dựa trên sự tính toán khoa học mới xác định được như thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút. Thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút là khoản thu nhập mà người bị thiệt hại không thu được do hành vi vi phạm hợp đồng gây thiệt hại của bên kia gây ra. Khoản thu nhập mà người thiệt hại mất thường là khoản lợi mà đáng ra nếu như không có hành vi vi phạm hợp đồng thì người đó sẽ được hưởng khoản tiền phát sinh từ hợp đồng đó.
Pháp luật dân sự của Cộng hòa Pháp cũng xác định mức thiệt hại là những tổn thất trực tiếp và tức khắc của việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.Điều 1149 của Bộ luật dân sự Pháp quy định: Những thiệt hại phải bồi thường cho người có quyền gồm những khoản mà họ mất và những món lợi mà họ không được hưởng…”. Điều 1151 Bộ luật dân sự Pháp quy định: “ Ngay trong trường hợp hợp đồng không được thực hiện là do hành động lừa dối của người có nghĩa vụ thì thiệt hại bồi thường cũng chỉ bao gồm những tổn thất nào là hậu quả tức khắc và trực tiếp của việc không thực hiện nghĩa vụ”
Bộ luật dân sự Nhật Bản lại quy định rằng, thiệt hại bồi thường phải là những thiệt hại có mối quan hệ nhân quả với hành vi gây thiệt hại. Hay nói cách khác, thiệt hại được bồi thường là hậu quả của việc không thực hiện nghĩa vụ.
Việc xác định thiệt hại trên thực tế là vô cùng khó khăn bởi có những thiệt hại có thể tính toán một cách chính xác cụ thể nhưng có những thiệt hại chỉ có thể xác định một cách ước đoán mang tính gần đúng chứ không thể đưa ra con số thiệt hại chính xác.
• Mức bồi thường thiệt hại
Theo các luật gia La Mã, mức bồi thường được xác định theo thời giá thị trường căn cứ vào những thiệt hại đã xảy ra.
Bộ luật dân sự Pháp quy định mức bồi thường thiệt hại dựa trên thiệt hại thực tế hoặc dựa trên thỏa thuận hợp đồng. Đối với các trường hợp không được thỏa thuận trước trong hợp đồng thì người có nghĩa vụ chỉ phải chịu các khoản bồi thường thiệt hại đã được dự kiến hoặc đã có thể được dự kiến khi giao kết hợp đồng, trừ trường hợp nghĩa vụ không thực hiện được là do sự lừa dối của người đó (Điều 1150 Bộ luật dân sự Pháp). Đối với các trường hợp mà hợp đồng có quy định trước về bồi thường thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại thì người không thực hiện nghĩa vụ gây thiệt hại chỉ phải trả đúng mức thiệt hại đã được thỏa thuận trước trong hợp đồng cho dù mức thiệt hại có thể thấp hơn hay cao hơn mức các bên đã dự tính (Điều 1152 Bộ luật dân sự Pháp)
Pháp luật dân sự Nhật Bản cũng quy định, đối với những trường hợp thiệt hại đã được các bên xác định hoặc thỏa thuận trước trong hợp đồng thì việc bồi thường thiệt hại được căn cứ theo thỏa thuận đó. Thiệt hại được bồi thường bằng hình thức do Tòa án xác định, xuất phát từ việc đánh giá toàn bộ các tình tiết và nguyên tắc công bằng.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, khi tính toán các khoản thiệt hại về tài sản phải bồi thường, cần lưu ý rằng pháp luật quy định bên vi phạm chỉ phải bồi thường những tổn thất thực tế, tính được thành tiền.
Một trường hợp quan trọng nữa mà bộ nguyên tắc UNIDROIT đã đề cập tới là việc xác định mức bồi thường khi thiệt hại xảy ra do một phần lỗi của bên có quyền. Điều 7.4.7 quy định: khi thiệt hại do một phần lỗi của bên có quyền bởi hành vi thực hiện hoặc không thực hiện của bên này, hoặc do một sự kiện mà bên này chịu trách nhiệm về rủi ro, khoản tiền bồi thường sẽ bị giảm tương ứng với mức độ mà các yếu tố trên góp phần gây nên thiệt hại và có tính đến hành vi xử sự của các bên. Quy định tại điều này nhằm đảm bảo sự công bằng cho bên có nghĩa vụ trong trường hợp thiệt hại xảy ra khi có một phần lỗi của bên có quyền.
d) Tạm ngừng, đình chỉ và hủy bỏ hợp đồng
Tạm ngừng thực hiện hợp đồng: Tạm ngừng việc thực hiện hợp đồng là hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng mà theo đó, một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng thuê. Bên bị vi phạm không đương nhiên có quyền tạm ngừng thực hiện hợp đồng khi có sự vi phạm mà hình thức chế tài này chỉ được áp dụng trong trường hợp quy định tại Điều 308 Luật thương mại 2005: xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng việc thực hiện hợp đồng; hoặc trường hợp một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Hậu quả pháp lí của việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng là bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và hợp đồng vẫn còn có hiệu lực pháp luật.
Đình chỉ thực hiện hợp đồng thuê: Theo Điều 310 Luật thương mại 2005 thì đình chỉ thực hiện hợp đồng là hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng, theo đó một bên chấm dứt việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng mua bán hàng hoá. Chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng mua bán được áp dụng khi có đủ các điều kiện: xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng hoặc một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng và các trường hợp này phải không thuộc các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng. Hợp đồng bị đình chỉ thực hiện sẽ chấm dứt hiệu lực ngay tại thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ, kể từ thời điểm đó các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của hợp đồng nữa và bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng. Bên bị vi phạm có thể áp dụng cả hình thức chế tài buộc bồi thường theo quy định của pháp luật song song với hình thức chế tài này.
Hủy bỏ hợp đồng thuê: Huỷ bỏ hợp đồng mua bán là hình thức chế tài, theo đó một bên chấm dứt thực hiện hợp đồng và làm cho hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết. Theo Điều 312 LTM thì huỷ bỏ hợp đồng bao gồm huỷ bỏ toàn phần, tức là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng; và huỷ bỏ một phần, tức là việc bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng, các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực.
Tương tự như tạm ngừng thực hiện hợp đồng và đình chỉ thực hiện hợp đồng, việc áp dụng hình thức chế tài này có ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của các bên, đặc biệt là bên vi phạm hợp đồng nên điều kiện áp dụng hình thức chế tài này có phần chặt chẽ hơn các hình thức khác như bồi thường, phạt vi phạm, buộc thực hiện đúng hợp đồng; hình thức chế tài này chỉ được áp dụng khi: hình vi vi phạm không thuộc các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm và phải trong trường hợp: xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để huỷ bỏ hợp đồng hoặc một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Hậu quả pháp lý của hình thức chế tài này là phần hợp đồng hoặc hợp đồng bị huỷ bỏ coi như không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng (hoặc phần hợp đồng), các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng (phần hợp đồng), nếu các bên đều có nghĩa vụ phải hoàn trả thì nghĩa vụ của họ được thực hiện đồng thời, trường hợp không thể hoàn trả được bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền
e) Các biện pháp khác do các bên thoả thuận
Bản chất của hợp đồng là sự thoả thuận, vì thế luật pháp không chỉ cho phép các bên tự thoả thuận, lựa chọn áp dụng các hình thức chế tài mà luật quy định rõ điều kiện áp dụng, hậu quả pháp lý…mà còn cho phép các bên tự do thoả thuận để đưa ra các hình thức chế tài phù hợp với quy định của pháp luận. Các nguyên tắc này không được trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.