Trách nhiệm dân sự là gì? Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ? Trách nhiệm buộc phải thực hiện nghĩa vụ? Trách nhiệm bồi thường thiệt hại?
Pháp luật dân sự luôn tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên trong quan hệ dân sự. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo được tính cân bằng cũng như bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích của các bên, thì pháp luật có những quy định rất rõ ràng về trách nhiệm dân sự của các bên khi vi phạm nghĩa vụ. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật dân sự.
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Trách nhiệm dân sự là gì?
Trong lĩnh vực pháp lý, “trách nhiệm’ được dùng theo theo hai nghĩa, thứ nhất, trách nhiệm được hiểu là nghĩa vụ- điều mà pháp luật yêu cầu phải làm; nghĩa thứ hai, trách nhiệm được hiểu là hậu quả pháp lý bất lợi (tổ chức, cá nhân nào đó phải gánh chịu hậu quả bất lợi vì đã vi phạm pháp luật) – đó là những phản ứng của nhà nước và xã hội đối với những chủ thể vi phạm pháp luật gây hậu quả xấu cho xã hội)
Trách nhiệm pháp lý là sự bắt buộc chủ thể vi phạm pháp luật phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi, thể hiện ở mối quan hệ đặc biệt giữa nhà nước với chủ thể vi phạm pháp luật, được pháp luật xác lập và điều chỉnh. Trách nhiệm pháp lý có nhiều loại, thông thường chúng được chia thành: trách nhiệm hình sự; trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật và trách nhiệm dân sự.
Trách nhiệm dân sự là trách nhiệm pháp lý do Tòa án hoặc chủ thể khác được phép áp dụng đối với các chủ thể vi phạm nghĩa vụ dân sự, buộc các chủ thể này phải bù đắp những tổn thất về vật chất và tinh thần cho người bị thiệt hại.
Đặc điểm của trách nhiệm dân sự trách nhiệm dân sự mang một số đặc điểm cơ bản sau :
Thứ nhất, trách nhiệm dân sự là một biện pháp cưỡng chế của Nhà nước, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng đối với các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật dân sự. Việc áp dụng trách nhiệm dân sự được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế Nhà nước, đó là chế tài được áp dụng đối với chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật dân sự.
Thứ hai, trách nhiệm dân sự chỉ được áp dụng khi có hành vi vi phạm pháp luật dân sự. Hành vi vi phạm pháp luật dân sự ở đây có thể là : gây thiệt hại cho người khác bằng hành vi trái pháp luật ; chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật ; hủy hoại tài sản của người khác ; vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng đã được ký kết và có hiệu lực pháp luật…
Thứ ba, khi trách nhiệm dân sự được áp dụng bao giờ nó cũng mang lại những hậu quả bất lợi đối với bên vi phạm, đó là những hậu quả bất lợi về mặt tài sản đối với bên vi phạm. Bởi vì, khi có hành vi vi phạm pháp luật dân sự, thiệt hại gây ra thường là những thiệt hại về tài sản. Ngay cả khi thiệt hại gây ra là thiệt hại về tinh thần thì để bù đắp cho những tổn thất tinh thần đó, cũng chỉ có thể được thực hiện bằng việc bù đắp về mặt tài sản. Việc áp dụng trách nhiệm dân sự nhằm bù đắp những tổn thất mà người bị vi phạm phải gánh chịu do hành vi vi phạm pháp luật của người có hành vi vi phạm gây ra.
Thứ tư, chủ thể chịu trách nhiệm dân sự có thể là người thực hiện hành vi vi phạm hoặc không phải là người thực hiện hành vi vi phạm. Thông thường người thực hiện hành vi vi phạm sẽ phải tự mình gánh chịu trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt người gánh chịu trách nhiệm dân sự lại không phải là người thực hiện hành vi vi phạm. Đó là trong các trường hợp như: người của pháp nhân thực hiện nhiệm vụ của pháp nhân mà gây thiệt hại thì pháp nhân sẽ là người phải bồi thường, trường hợp người đại theo pháp luật của người chưa thành niên phải bồi thường khi người chưa thành niên gây thiệt hại mà người đại diện theo pháp luật đó có lỗi trong việc quản lý.
2. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ
Tại Khoản 1 Điều 351
“1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.
Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.”
Từ đó có thể hiểu trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ chính là trách nhiệm pháp lý do Tòa án hoặc chủ thể khác được phép áp dụng đối với các chủ thể có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ theo các giao dịch dân sự đã được xác lập trước đó. Trách nhiệm dân sự đặt ra buộc các chủ thể vi phạm nghĩa vụ phải bù đắp những tổn thất về vật chất và tinh thần cho người bị thiệt hại.
Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ đặt ra trách nhiệm buộc phải thực hiện thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
3. Trách nhiệm buộc phải thực hiện nghĩa vụ
Về trách nhiệm buộc phải thực hiện nghĩa vụ, thì khi một bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ của giao dịch dân sự, loại trách nhiệm dân sự đầu tiên mà các bên thường lựa chọn để áp dụng đó là buộc thực hiện nghĩa vụ. Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thì buộc thực hiện nghĩa vụ có thể được thực hiện thông qua hành vi như buộc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, buộc thực hiện đúng nghĩa vụ giao vật; buộc thực hiện một công việc hoặc không được thực hiện một công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng, …
Về trách nhiệm buộc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, thì Điều 352 quy định” “Khi bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ.”. Như vậy, bên còn lại có quyền yêu cầu bên vi phạm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bị vi phạm theo như thỏa thuận của các bên trước đó.
Về trách nhiệm do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ giao vật. Thứ nhất, không thực hiện nghĩa vụ giao vật được hiểu là bên có nghĩa vụ chuyển giao vật là đối tượng của giao dịch dân sự đã không chuyển giao vật cho bên có quyền khi thời hạn chuyển giao trong hợp đồng đã hết. Lúc này đặt ra trách nhiệm đối với chủ thể vi phạm theo quy định tại Điều 356 Bộ luật dân sự năm 2015.
Thứ hai, thực hiện không đúng nghĩa vụ chuyển giao vật được hiểu là việc bên có nghĩa vụ chuyển giao vật đã thực hiện việc giao vật không đúng chất lượng; giao vật không đúng thời hạn; giao vật sai địa điểm thực hiện nghĩa vụ; giao vật không đúng phương thức; giao vật không đúng số lượng; không giao đúng vật đồng bộ; giao vật không đúng chủng loại theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng,… Thực hiện không đúng nghĩa vụ cũng được coi là vi phạm nghĩa vụ và phải chịu trách nhiệm dân sự trước bên có quyền.
Trong một giao dịch dân sự, nếu các bên có thỏa thuận về thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ trong thời hạn đó. Bên có nghĩa vụ sẽ bị coi là vi phạm nghĩa vụ nếu thực hiện nghĩa vụ không đúng thời hạn đã thỏa thuận.
Về trách nhiệm dân sự do không thực hiện nghĩa vụ phải thực hiện một cộng việc hoặc không được thực hiện một công việc. Đối tượng nghĩa vụ dân sự gồm ba loại: tài sản; công việc phải thực hiện và công việc không được thực hiện.
Khi các bên đã thỏa thuận đối tượng của hợp đồng là công việc phải thực hiện mà bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đó thì bên có nghĩa vụ sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự trước bên có quyền. Trách nhiệm này được quy định tại Khoản 1 Điều 358 : “1. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hoặc tự mình thực hiện hoặc giao người khác thực hiện công việc đó và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý, bồi thường thiệt hại.”
Theo quy định này thì bên có quyền có thể lựa chọn thực hiện một trong ba hành vi: yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện công việc và bồi thường thiệt hại; tự mình thực hiện công việc và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý cho việc thực hiện và bồi thường thiệt hại hoặc giao cho người khác thực hiện công việc đó và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý cho việc thực hiện và bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên đã thỏa thuận đối tượng của hợp đồng là công việc không được thực hiện mà bên có nghĩa vụ lại thực hiện công việc đó thì cũng chính là sự vi phạm nghĩa vụ. Trách nhiệm dân sự được quy định tại Khoản 2 Điều 358 Bộ luật dân sự năm 2015.
Trong trường hợp nghĩa vụ dân sự bị chậm thực hiện, bên chậm thực hiện có nghĩa vụ phải
Trong quan hệ dân sự, khi bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ thì cũng bị coi là hành vi vi phạm nghĩa vụ và phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 355 Bộ luật dân sự năm 2015. Khi bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nhưng được pháp luật bảo đảm một số quyền lợi. Nếu việc chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ của bên có quyền dấn đến bên có nghĩa vụ bị thiệt hại thì bên có quyền có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
4. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Khi một bên trong quan hệ hợp đồng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trong hợp đồng và gây thiệt hại cho bên kia là căn cứ để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ là loại trách nhiệm pháp lý áp dụng đối với chủ thể có hành vi vi phạm nghĩa vụ giao dịch dân sự và gây thiệt hại cho bên bị vi phạm nhằm bù đắp những tổn thất cả về vật chất và tinh thần cho bên bị vi phạm.
Tại Điều 360 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường như sau:
“Điều 360. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ
Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi một bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng dẫn đến thiệt hại cho bên kia, dù các bên không có thỏa thuận thì trách nhiệm bồi thường vẫn đặt ra. Thiệt hại được xác định ở đây bao gồm cả thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần được xác định theo quy định tại Điều 361 Bộ luật dân sự năm 2015.