Hoạt động quản lý nhà nước về chứng thực yêu cầu trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp như thế nào?
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về chứng thực được thể hiện như sau:
Thứ nhất: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về chứng thực trong địa phương, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
– Tổ chức triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về chứng thực tại địa phương;
– Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ chứng thực cho cán bộ, công chức làm công tác chứng thực tại Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã và công chứng viên của các tổ chức hành nghề công chứng;
– Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về chứng thực;
– Ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chứng thực và quản lý nhà nước về chứng thực trong phạm vi địa phương, đáp ứng yêu cầu cung cấp và trao đổi thông tin;
– Kiểm tra, thanh tra hoạt động chứng thực của Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức hành nghề công chứng; có biện pháp chấn chỉnh tình hình lạm dụng yêu cầu bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính trên địa bàn;
– Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến chứng thực theo thẩm quyền;
– Định kỳ 6 tháng và hằng năm, tổng hợp tình hình và thống kê số liệu về chứng thực trong địa phương, báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định.
Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và g của Khoản 1 Điều 43 Nghị định 23/2015/NĐ-CP.
Thứ hai: Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) thực hiện quản lý nhà nước về chứng thực trong địa phương, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
– Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ chứng thực cho cán bộ, công chức làm công tác chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn;
– Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chứng thực;
– Cấp bản sao có chứng thực từ bản chính hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực;
– Lưu trữ sổ chứng thực, Văn bản chứng thực;
– Kiểm tra, thanh tra hoạt động chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã; có biện pháp chấn chỉnh tình hình lạm dụng yêu cầu bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính trên địa bàn;
– Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến chứng thực theo thẩm quyền;
– Định kỳ 6 tháng và hằng năm, tổng hợp tình hình và thống kê số liệu về chứng thực, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định.
Phòng Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và g Khoản 2 Điều 43 Nghị định 23/2015/NĐ-CP và thực hiện các việc chứng thực thuộc thẩm quyền của Phòng Tư pháp theo quy định của Nghị định này. Trưởng Phòng Tư pháp, Phó Trưởng Phòng Tư pháp phải thông báo mẫu chữ ký khi ký chứng thực cho Sở Tư pháp.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ ba: Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quản lý nhà nước về chứng thực trong địa phương, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
– Thực hiện các việc chứng thực thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP ;
– Tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về chứng thực;
– Cấp bản sao có chứng thực từ bản chính hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực;
– Lưu trữ sổ chứng thực, Văn bản chứng thực;
– Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến chứng thực theo thẩm quyền;
– Định kỳ 6 tháng và hằng năm, tổng hợp tình hình và thống kê số liệu về chứng thực báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định.
Công chức Tư pháp – Hộ tịch giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ quy định tại các Điểm a, b, c, d và e Khoản 3 Điều 43 Nghị định 23/2015/NĐ-CP . Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo mẫu chữ ký khi ký chứng thực cho Sở Tư pháp.