Đánh giá quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra theo quy định tại "Bộ luật dân sự 2015".
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm dân sự mà theo đó người nào có hành vi vi phạm nghĩa vụ do pháp luật quy định ngoài hợp đồng xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra là trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi tài sản là nguyên nhân gây ra thiệt hại như hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại; cây cố đổ gãy gây thiệt hại; nhà cửa, công trình xây dựng bị sụt, đổ gây thiệt hại; gia súc gây thiệt hại…
1. Ưu điểm
Pháp luật quy định chủ sở hữu của tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản thuộc sở hữu hoặc quyền quản lí của mình gây ra. Quy định này của pháp luật buộc chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, sử dụng tài sản phải có trách nhiệm đối với tài sản của mình, do mình quản lí.
* Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (Điều 623 “Bộ luật dân sự 2015”):
Khoản 1 có đề cập đến “các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”. Đây là một quy định mở, nếu các văn bản pháp luật khác có quy định bổ sung về nguồn nguy hiểm cao độ thì nguồn nguy hiểm cao độ còn được xác định theo các quy định này.
Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm các sự việc như máy móc, phương tiện, hệ thống điện, thú dữ… bản thân hoạt động của nó luôn tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại cho môi trường xung quanh. Tính nguy hiểm của nó còn thể hiện ở chỗ con người không thể kiểm soát được một cách tuyệt đối nguy cơ gây thiệt hại.Mặc dù con người cố gắng áp dụng mọi biện pháp để kiểm soát, vận hành nó một cách an toàn nhưng vẫn có những thiệt hại khách quan bất ngờ có thể xảy ra nằm ngoài sự kiểm soát đó. Tuy nhiên, chủ sở hữu, người đang chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ không được miễn trừ trách nhiệm bồi thường kể cả trong trường hợp không có lỗi- trách nhiệm bồi thường thiệt hại không phụ thuộc vào lỗi (Khoản 3 Điều 623 “Bộ luật dân sự 2015” quy định:
“Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi…”).
Điều này bảo vệ triệt để quyền của người có lợi ích bị xâm phạm, bảo vệ lợi ích chung cho toàn xã hội đồng thời nâng cao trách nhiệm của người đang chiếm dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Quy định đòi hỏi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải tuyệt đối tuân thủ các quy đinh của pháp luật trong từng trường hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
* Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. (điều 626, 627 “Bộ luật dân sự 2015”)
Tuy các thiệt hại do cây cối, nhà cửa, công trình khác tự gây ra nhưng người đang trực tiếp quản lí, trông coi là người có lỗi vì xuất phát từ trách nhiệm trông coi, quản lí tài sản thì người trông coi, quản lí phải kịp thời phát hiện nguy cơ cây cối, nhà của, công trình xây dựng khác có khả năng gây thiệt hại cho những người xung quanh để tìm cách khắc phục. Điều 626 “Bộ luật dân sự 2015” quy định về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra:
“Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gẫy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng.”
Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời thì người trông coi phải có cách thức
2. Nhược điểm
Ngoài những ưu điểm nêu ở trên thì các điều luật cũng có những điểm là hạn chế cần được xem xét.
* Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (Điều 623 “Bộ luật dân sự 2015”).
Ngay tại khoản 1 Điều 623 “Bộ luật dân sự 2015”, các nhà làm luật không đưa ra khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ mà chỉ liệt kê các nguồn nguy hiểm cao độ gây khó khăn trong quá trình vận dụng, giải quyết các trường hợp cụ thể, lại tiềm ẩn nguy cơ không thể liệt kê nổi những nguồn nguy hiểm cao độ mới phát sinh.
Mặt khác, chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không phải bồi thường nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại. Lỗi cố ý của người bị thiệt hại được hiểu là người bị thiệt hại hoàn toàn nhận thức được sự nguy hiểm của nguồn nguy hiểm cao độ, thấy được nguy cơ gây thiệt hại xảy ra nhưng vẫn thực hiện hành vi, mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế để xác định một cách chính xác người bị thiệt hại có nhận thức được sự nguy hiểm, có nắm được quy định sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không là rất khó. Cùng một hành vi gây thiệt hại nhưng được thực hiện với lỗi cố ý hay vô ý sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lí khác nhau. Trong đó, lỗi cố ý hay vô ý là hoạt động tâm lí và nhận thức chỉ bản thân người bị thiệt hại mới nắm rõ, nếu không có chứng cứ chứng minh thì rất khó xác định.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
* Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra (Điều 625 “Bộ luật dân sự 2015”)
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra được quy định tại Điều 625 “Bộ luật dân sự 2015” như sau:
“1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.
2. Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường;
4. Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”
Trên thực tế khó xác định được trách nhiệm của chủ sở hữu. Có 2 trường hợp có thể xảy ra:
– Trường hợp 1: chủ sở hữu biết và cố tình để súc vật như thế.
– Trường hợp 2: chủ sở hữu không biết và không thể biết.
Tuy nhiên điều luật chưa nêu ra điều này và trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ xử lí như thế nào. Đây cũng là một vấn đề cần được xem xét để áp dụng phù hợp với thực tiễn.
* Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. (Điều 626, 627 “Bộ luật dân sự 2015”).
Thực tế, việc xác định lỗi trong các điều 626 và 627 rất phức tạp nên rất khó xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Điều 626 Bộ luật dân sự chỉ ra chủ thể duy nhất chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là chủ sở hữu. Quy định này chỉ đúng khi chủ sở hữu và người đang chịu trách nhiệm quản lí cây cối đó là một. Trường hợp chủ sở hữu đã chuyển giao trách nhiệm trông coi cây cối cho một người khác thì pháp luật không có quy định. Vì vậy, việc xác định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp liên quan đến cây cối gây thiệt hại còn nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp cây cối gây thiệt hại không phải do sự tác động của con người hoặc con người không biết hoặc không thể biết về việc sẽ có thiệt hại xảy ra. Ví dụ như cây bị mục rễ tự nhiên đổ không phải do tác bão, lũ…hay trường hợp cây cối gây thiệt hại mà không cần đổ gãy như trái cây rụng (sầu riêng, mít, dừa…) cũng có thể gây thiệt hại cho người khác thì có áp dụng điều này hay không thì pháp luật chưa có quy định cụ thể, rõ ràng.