Ngộ độc thực phẩm là một trong những tình trạng xảy ra vô cùng phổ biến, tuy nhiên rất nguy hiểm, gây ra tình trạng mệt mỏi, đau bụng, hoa mắt, chóng mặt và nhiều các biểu hiện khác. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì trách nhiệm bồi thường khi ngộ độc thực phẩm tại nhà hàng được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Trách nhiệm bồi thường khi ngộ độc thực phẩm tại nhà hàng:
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng cơ thể xuất hiện nhiều phản ứng lạ khi đi ăn, thông thường ăn phải các thực phẩm nhiễm khuẩn, chứa virút độc tố hoặc thức ăn ôi thiu, có nấm mốc. Căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Văn bản hợp nhất Luật an toàn thực phẩm năm 2018 có quy định về nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm. Bao gồm:
– Cần phải đảm bảo an toàn thực phẩm. An toàn thực phẩm được xem là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm;
– Sản xuất kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện, các tổ chức hoặc cá nhân sản xuất kinh doanh các loại thực phẩm khác nhau cần phải chịu trách nhiệm trực tiếp về an toàn đối với các loại thực phẩm do chính mình sản xuất, kinh doanh;
– Quản lý an toàn thực phẩm bắt buộc phải dựa trên cơ sở về quy chuẩn, tiêu chuẩn kĩ thuật tương ứng, tuân thủ đầy đủ theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành phải tuân thủ đầy đủ theo tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng;
– Quản lý an toàn thực phẩm bắt buộc phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, quá trình kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ ảnh hưởng đối với an toàn thực phẩm;
– Quản lý an toàn thực phẩm bắt buộc phải đảm bảo tính công bằng, phân công và phân cấp rõ ràng, cần phải đảm bảo sự phối hợp liên ngành và các cơ quan có liên quan;
– Quản lý an toàn thực phẩm bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế xã hội.
Căn cứ theo quy định tại Điều 584 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định:
– Người nào có hành vi xâm phạm đến tính mạng sức khỏe, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền lợi hợp pháp của người khác mà gây ra thiệt hại trên thực tế thì cần phải có trách nhiệm bồi thường, ngoại trừ trường hợp bộ luật dân sự hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan có quy định khác;
– Người gây ra thiệt hại sẽ không cần phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại đó xảy ra do sự kiện bất khả kháng hoặc thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan có quy định khác;
– Trường hợp tài sản gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản đó cần phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, ngoại trừ trường hợp thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.
Như vậy, trong trường hợp khách hàng bị ngộ độc thực phẩm hoàn toàn do lỗi của nhà hàng thì nhà hàng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với thiệt hại đã gây ra cho khách hàng. Thiệt hại thực tế cần phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Ngoài ra còn có thể bị xử phạt hành chính theo
2. Nhà hàng bồi thường như thế nào khi kháng hàng bị ngộ độc thực phẩm?
Khi để xảy ra tình trạng khách hàng ngộ độc thực phẩm tại nhà hàng, nhà hàng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe và tinh thần bị xâm phạm. Căn cứ theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. Cụ thể:
(1) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm sẽ bao gồm các thiệt hại sau:
+ Chi phí hợp lý phục vụ cho hoạt động cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, phục hồi chức năng bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc thu nhập bị giảm sút của người bị thiệt hại, nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và cũng không thể xác định được cụ thể thì sẽ áp dụng theo mức thu nhập bình quân của lao động cùng loại trên thị trường lao động;
+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong suốt thời gian điều trị, nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại trên thực tế sẽ bao gồm cả chi phí hợp lý phục vụ cho hoạt động chăm sóc người bị thiệt hại.
(2) Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm sẽ phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại phải gánh chịu. Về mức bồi thường, mức bồi thường và bù đắp tổn thất về tinh thần sẽ do các bên tự thỏa thuận với nhau, trong trường hợp các bên không có thoả thuận thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm sẽ không vượt quá 50 lần mức lương cơ sở do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Đồng thời, trường hợp bị thiệt hại dẫn tới hiện tượng mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại sẽ được xác định là một ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho một ngày chăm sóc người bị thiệt hại đó. Trong trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương, thu nhập ổn định từ tiền công thì sẽ được xác định theo mức tiền lương, mức tiền công của người bị thiệt hại trong khoảng thời gian tiền lương/tiền công của người bị thiệt hại bị mất hoặc bị giảm sút.
3. Nguyên tắc bồi thường khi ngộ độc thực phẩm tại nhà hàng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 585 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại. Theo đó, bồi thường khi ngộ độc thực phẩm tại nhà hàng cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc bồi thường như sau:
– Thiệt hại thực tế bắt buộc phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, hình thức bồi thường, có thể bồi thường bằng tiền, bồi thường bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc nhất định, phương thức bồi thường một lần hoặc phương thức bồi thường nhiều lần, ngoại trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác;
– Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức độ bồi thường trong trường hợp không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại xảy ra trên thực tế quá lớn so với khả năng kinh tế của mình;
– Khi mức bồi thường không còn phù hợp trên thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đó là Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường sao cho phù hợp;
– Bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây ra thiệt hại trên thực tế thì sẽ không được bồi thường đối với phần thiệt hại do lỗi của chính mình gây ra;
– Bên có quyền phải lợi ích bị xâm phạm sẽ không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra trên thực tế do hành vi không áp dụng các biện pháp cần thiết phải biện pháp hợp lý để ngăn chặn hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Như vậy, khi có thiệt hại xảy ra thì việc bồi thường thiệt hại cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc nêu trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023;
– Văn bản hợp nhất 02/VBHN-VPQH 2018 Luật An toàn thực phẩm;
– Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm;
– Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 115/2018/NĐ-CP và Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC về ATTP và y tế.
THAM KHẢO THÊM: