Trách nhiệm bồi thường do người thi hành công vụ gây ra thiệt hại? Bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra.
Trách nhiệm bồi thường do người thi hành công vụ gây ra thiệt hại? Bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư. Luật sư cho tôi hỏi: Trong quá trình hoạt động quản lý hành chính nhà nước, người thi hành công vụ gây ra thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thường thuộc về nhà nước. Vậy trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này được quy định cụ thể như thế nào theo quy định của Bộ luật dân sự 2015? Cám ơn Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
– Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước 2009
2. Nội dung tư vấn
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015
Đối với hành vi do người thi hành công vụ gây ra thiệt hại trái pháp luật thì theo Điều 598 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước 2009.
Căn cứ xác định bồi thường theo Điều 6 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước 2009 như sau:
Việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án phải có các căn cứ sau đây:
– Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại các điều 13, 28, 38 và 39 của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước 2009;
– Có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại.
Việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự phải có các căn cứ sau đây:
– Có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc các trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước 2009;
– Có thiệt hại thực tế do người tiến hành tố tụng hình sự gây ra đối với người bị thiệt hại.
Nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra trong các trường hợp sau đây:
– Do lỗi của người bị thiệt hại;
– Người bị thiệt hại che dấu chứng cứ, tài liệu hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật trong quá trình giải quyết vụ việc;
– Do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết.
Việc bồi thường phải được giải quyết kịp thời, nhanh chóng, công khai và đúng quy định pháp luật. Mức bồi thường, trách nhiệm bồi thường trong từng lĩnh vực được thực hiện theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước 2009.
>>> Luật sư tư vấn về trách nhiệm bồi thường nhà nước qua tổng đài: 1900.6568
Cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước theo Điều 14 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước 2009 xác định cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường nhà nước bao gồm:
1. Cơ quan hành chính trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
2. Ngoài trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước 2009 thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường được xác định như sau:
a) Trường hợp cơ quan quản lý người thi hành công vụ đã được chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc bị giải thể thì cơ quan kế thừa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đó là cơ quan có trách nhiệm bồi thường; trường hợp không có cơ quan nào kế thừa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đã bị giải thể thì cơ quan đã ra quyết định giải thể là cơ quan có trách nhiệm bồi thường;
b) Trường hợp tại thời điểm thụ lý đơn yêu cầu bồi thường mà người thi hành công vụ gây ra thiệt hại không còn làm việc tại cơ quan quản lý người đó thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan quản lý người thi hành công vụ tại thời điểm gây ra thiệt hại;
c) Trường hợp có sự uỷ quyền hoặc uỷ thác thực hiện công vụ thì cơ quan uỷ quyền hoặc cơ quan uỷ thác là cơ quan có trách nhiệm bồi thường; trường hợp cơ quan được ủy quyền, cơ quan nhận ủy thác thực hiện không đúng nội dung ủy quyền, ủy thác gây thiệt hại thì cơ quan này là cơ quan có trách nhiệm bồi thường;
d) Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan cùng gây ra thiệt hại thì cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm chính trong vụ việc là cơ quan có trách nhiệm bồi thường;
đ) Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc cơ quan trung ương và cơ quan địa phương cùng gây ra thiệt hại thì cơ quan trung ương là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.