Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Vậy trách nhiệm Bộ đội Biên phòng trong đối ngoại biên phòng được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Trách nhiệm Bộ đội Biên phòng trong đối ngoại biên phòng:
Trách nhiệm Bộ đội Biên phòng trong đối ngoại biên phòng bao gồm có:
– Đối với Tư lệnh Bộ đội Biên phòng:
+ Tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về chủ trương, về định hướng công tác đối ngoại biên phòng và tổ chức thực hiện những quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của Bộ Ngoại giao và những cơ quan liên quan đến hoạt động đối ngoại biên phòng để quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
+ Xây dựng kế hoạch công tác đối ngoại biên phòng hàng năm báo cáo cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt và tổ chức thực hiện.
+ Phê duyệt kế hoạch công tác đối ngoại biên phòng hàng năm của chính Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh và triển khai tổ chức thực hiện.
+ Chỉ đạo tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới đã được ký kết và các thỏa thuận của cấp có thẩm quyền hai bên biên giới theo các quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng.
+ Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về các hoạt động đối ngoại biên phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
+ Tham gia những đoàn đàm phán về biên giới, vùng biển của Nhà nước khi được chỉ định; ký những văn bản hợp tác về công tác biên phòng với lực lượng bảo vệ biên giới nước tiếp giáp và những nước có liên quan theo ủy nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
+ Thăm và mời chỉ huy lực lượng bảo vệ biên giới nước tiếp giáp, những nước có liên quan đến thăm, làm việc với Bộ đội Biên phòng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
+ Ký quyết định và chịu trách nhiệm trước Bộ Quốc phòng về việc cử cán bộ thuộc quyền (trừ các cán bộ cấp tướng) đi công tác ở những nước có chung đường biên giới để thực hiện các hoạt động đối ngoại biên phòng theo quy định tại Điều 4 của Nghị định số 89/2009/NĐ-CP và gửi quyết định về cho Bộ Quốc phòng, Cục Bảo vệ – An ninh/Tổng cục Chính trị, Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng, Cục 25/Tổng cục II (mỗi một cơ quan 01 bản).
– Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thuộc cấp tỉnh:
+ Tham mưu cho Ban Thường vụ tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về thực hiện công tác đối ngoại biên phòng theo như phân cấp của Chính phủ và quy định của Bộ Quốc phòng.
+ Xây dựng kế hoạch thực hiện công tác đối ngoại biên phòng hàng năm báo cáo đến Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phê duyệt và tổ chức thực hiện. Chỉ định các cán bộ tham gia các đoàn của địa phương theo chỉ đạo của Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
+ Chỉ đạo Đồn trưởng đồn biên phòng thực hiện quan hệ tiếp xúc theo định kỳ hoặc đột xuất để thông báo, trao đổi về tình hình thực hiện Hiệp định về quy chế biên giới và phối hợp với những lực lượng liên quan trên địa bàn quản lý để đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm quy chế khu vực biên giới theo quy định của pháp luật.
+ Tham gia đoàn đàm phán của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết các vấn đề xảy ra trên biên giới có liên quan đến chủ quyền, an ninh, trật tự ở khu vực biên giới theo phân cấp của Chính phủ.
+ Thăm, làm việc theo lời mời của Bạn; mời và tổ chức đón tiếp chỉ huy lực lượng bảo vệ biên giới ở cấp tương đương của Bạn sang Ta làm việc, thăm xã giao nhân những ngày lễ, tết hoặc tham gia các hoạt động khác theo chỉ đạo của Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
– Đối với Đồn trưởng đồn biên phòng:
+ Tham mưu cho Ban Thường vụ huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện biên giới quan hệ với chính quyền cấp tương đương của nước tiếp giáp phối hợp giải quyết những vấn đề về an ninh, trật tự và những vấn đề về dân sự liên quan đến chính quyền địa phương hai bên biên giới theo như thẩm quyền được quy định tại Hiệp định về quy chế biên giới và chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
+ Quan hệ với Chỉ huy đồn hoặc trạm của lực lượng bảo vệ biên giới nước tiếp giáp theo định kỳ hoặc là đột xuất để phối hợp thực hiện Hiệp định về quy chế biên giới gồm:
++ Trao đổi về tình hình vi phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh, trật tự liên quan đến hai bên biên giới;
++ Tiếp nhận những thông báo của nước tiếp giáp và trao trả người vi phạm Hiệp định về quy chế biên giới;
++ Phản kháng những hành vi vi phạm Hiệp định về quy chế biên giới
++ Thông báo việc hạn chế hoặc tạm dừng qua lại với biên giới theo quy định của pháp luật
++ Phối hợp tuần tra, kiểm soát, quản lý đường biên giới, mốc quốc giới; phối hợp đấu tranh phòng, chống những loại tội phạm, ngăn chặn những hoạt động khủng bố; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, thiên tai, dịch bệnh; tuyên truyền, vận động toàn quần chúng nhân dân hai bên biên giới chấp hành nghiêm các quy định của Quy chế biên giới, để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác và phát triển;
+ Mời Bạn hoặc sang Bạn thăm xã giao chúc mừng nhân những ngày lễ, tết; chia buồn khi có quốc tang, thiên tai, hỏa hoạn và những hoạt động khác theo chỉ đạo của Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh;
+ Tổ chức đón tiếp chỉ huy lực lượng bảo vệ biên giới nước Bạn đến làm việc, thăm xã giao theo như kế hoạch của cấp trên.
2. Biện pháp hoạt động đối ngoại biên phòng:
– Xây dựng về kế hoạch hoạt động đối ngoại biên phòng:
+ Kế hoạch của hoạt động đối ngoại biên phòng hàng năm:
++ Chỉ huy trưởng Biên phòng cấp tỉnh xây dựng về kế hoạch hoạt động đối ngoại biên phòng hàng năm báo cáo đến cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phê duyệt (Bộ Tham mưu thẩm định) trước ngày 10 tháng 9 hàng năm.
++ Đồn trưởng đồn biên phòng xây dựng kế hoạch bảo vệ biên giới hàng năm phải xác định các nội dung hoạt động đối ngoại biên phòng của đồn báo cáo Chỉ huy trưởng Biên phòng cấp tỉnh phê duyệt.
+ Nội dung của kế hoạch hoạt động đối ngoại biên phòng hàng năm của Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh:
++ Căn cứ để xây dựng kế hoạch;
++ Mục đích, yêu cầu kế hoạch;
++ Dự kiến về số lần làm việc (Ta sang Bạn, Bạn sang Ta);
++ Nội dung, các phương pháp làm việc;
++ Thời gian (theo quý), địa điểm và thành phần;
++ Về công tác đảm bảo;
++ Về tổ chức thực hiện.
+ Kế hoạch tổ chức từng lần gặp, làm việc: Kế hoạch tổ chức gặp, làm việc sẽ được xây dựng cho từng lần thực hiện và báo cáo đến Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phê duyệt (đối với cấp tỉnh) cần xác định rõ các nội dung sau:
++ Mục đích, yêu cầu gặp và làm việc.
++ Nội dung, các phương pháp tổ chức gặp, làm việc.
++ Thời gian, thành phần, địa điểm gặp và làm việc.
++ Kinh phí, phương tiện và phân công các trách nhiệm tổ chức thực hiện.
++ Các biện pháp đảm bảo an toàn khi gặp, làm việc.
++ Công tác chuẩn bị, nội dung làm việc phải chặt chẽ, báo cáo cấp trên trực tiếp để thông qua. Ngoài các nội dung văn bản chuẩn bị trước, cần dự kiến về những vấn đề Bạn có thể nêu ra trong khi gặp, làm việc và hướng giải quyết.
– Trong quan hệ tiếp xúc, làm việc với Bạn phải thực hiện đúng các nội dung được phê duyệt; phát biểu, trao đổi trong khi làm việc do Trưởng đoàn thực hiện, ý kiến của những thành viên phản ánh tập trung thống nhất qua Trưởng đoàn (trừ trường hợp Trưởng đoàn ủy quyền hoặc cho phép).
– Trưởng đoàn chịu trách nhiệm quản lý về mọi hoạt động của Đoàn (công tác bảo vệ nội bộ, chế độ bảo mật, báo cáo, quan hệ tiếp xúc, lễ tiết tác phong).
– Nội dung trao đổi làm việc giữa hai bên sẽ phải được ghi đầy đủ, chi tiết vào biên bản song phương hoặc đơn phương
– Căn cứ Hiệp định về quy chế biên giới thì Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh chủ động quan hệ với lực lượng bảo vệ biên giới, các chính quyền địa phương của Bạn thống nhất quy chế phối hợp thực hiện công tác đối ngoại biên phòng.
– Định kỳ hàng năm lực lượng bảo vệ biên giới cấp tỉnh hai bên sẽ gặp nhau 06 tháng một lần, 03 tháng các đồn biên phòng hai bên gặp nhau một lần. Địa điểm phải được tổ chức theo hình thức luân phiên. Khi mà có tình huống đột xuất xảy ra liên quan đến an ninh, trật tự trên biên giới thì hai bên gặp gỡ thống nhất biện pháp, phối hợp giải quyết. Những nơi mà phía Bạn không bố trí lực lượng bảo vệ biên giới, đồn biên phòng quan hệ với các chính quyền xã hoặc bản biên giới của Bạn.
3. Yêu cầu các biện pháp hoạt động đối ngoại biên phòng:
– Trong khi làm việc với Bạn nếu như có những vấn đề phát sinh ngoài phạm vi nội dung đã thông báo cho Bạn hoặc là những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì Trưởng đoàn ghi nhận, báo cáo lên cấp trên xin ý kiến chỉ đạo; nếu như Bạn từ chối hoặc phủ nhận nội dung ta nêu ra thì ghi vào biên bản làm việc để bảo lưu ý kiến.
– Trong quan hệ với lực lượng bảo vệ biên giới, các chính quyền địa phương của Bạn; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, Đồn trưởng đồn biên phòng sẽ căn cứ tình hình thực tế ở biên giới vận dụng hình thức, phương pháp đối ngoại cho phù hợp.
– Đối với những vụ việc có liên quan đến chủ quyền, đến an ninh biên giới quốc gia thì Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, Đồn trưởng đồn biên phòng sẽ chủ trì thực hiện, gặp gỡ thông báo, trao đổi hoặc phản kháng.
– Đối với những vụ việc liên quan đến quan hệ dân sự xảy ra ở các khu vực biên giới thì Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, Đồn trưởng đồn biên phòng sẽ phối hợp với những cơ quan chức năng tham mưu cho chính quyền địa phương chủ trì thực hiện việc thông báo, gặp gỡ, trao đổi hoặc phản kháng.
– Trường hợp thăm xã giao chức mừng nhân những ngày lễ, tết; chia buồn khi có quốc tang, thiên tai, hỏa hoạn và những hoạt động khác thì chỉ huy đơn vị căn cứ tình hình thực tế giao nhiệm vụ và cử cán bộ thực hiện cho phù hợp.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 02/2012/TT-BQP về hoạt động đối ngoại biên phòng.