Cán bộ công đoàn được hưởng các khoản phụ cấp, trợ cấp nào? Cách tính phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ công đoàn theo quy định mới nhất.
Tổ chức công đoàn là một tổ chức không còn quá xa lạ trong đời sống hiện nay, đối với người lao động đây là tổ chức có vai trò quan trọng trong việc chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Cán bộ công đoàn là cầu nối thiết yếu giữa doanh nghiệp và người lao động, họ là người tuyên truyền cho doanh nghiệp về chính sách pháp luật, nội quy đến người lao động, đồng thời có nhiệm vụ thi hành các chính sách đó để làm gương và tạo nên sự công bằng với người lao động.
Cán bộ công đoàn được chia thành hai loại là: Cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách. Vậy cán bộ công đoàn họ được hưởng những chế độ chính sách như thế nào? Mức phụ cấp kiêm nhiệm và trách nhiệm ra sao? Bài viết sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Chế độ phụ cấp cho cán bộ công đoàn:
Phụ cấp lương là khoản tiền trả cho người lao động ngoài tiền lương cơ bản nhằm trả đủ những hao phí lao động tăng thêm do công việc cụ thể đòi hỏi hoặc do những yếu tố bất lợi trong điều kiện lao động và sinh hoạt mà khi xác định tiền lương chưa tính đến. Phụ cấp lương là một trong những khoản thu nhập của người lao động bao gồm các loại: phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp lưu động, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp kiêm nhiệm… Phụ cấp lương được trả hàng tháng; tính theo lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định hoặc tính dựa trên lương cơ bản hoặc là một khoản cố định, tùy theo quy định của từng chế độ và đối tương hưởng phụ cấp.
Quy định về phụ cấp của cán bộ công đoàn được ghi nhận tại Quyết định 1439/2011/QĐ-TLĐ. Theo đó chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên cơ sở trở lên hoạt động kiêm nhiệm sẽ được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm; Cán bộ công đoàn (quy định tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam) sẽ được hưởng phụ cấp trách nhiệm. Việc chi mức phụ cấp dành cho cán bộ công đoàn phải nằm trong nguồn kinh phí của Tổng Liên đoàn, nhằm bảo đảm nguồn chi và tránh được những chi phí không cần thiết nên việc chi phải đúng mục đích đặt ra và trong hạn mức cho phép (phụ cấp kiêm nhiệm không quá hệ số 0,7, phụ cấp trách nhiệm không quá hệ số 0,3). Mức phụ cấp dành cho cán bộ công đoàn sẽ không tính vào khoản đóng về chế độ bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế), phụ cấp sẽ thôi hưởng từ tháng tiếp theo khi cán bộ công đoàn thôi giữ chức vụ.
Mức phụ cấp cán bộ công đoàn cơ sở về nguyên tắc tính được quy định tại Điều 1 Mục II Quyết định 1439/QĐ-TLĐ. Đối với trường hợp cán bộ công đoàn cơ sở thì mức hưởng sẽ phụ thuộc vào số người lao động tại đơn vị làm việc. Phụ cấp cán bộ công đoàn cơ sở sẽ bằng hệ số phụ cấp nhân với tiền lương tối thiểu công đoàn cơ sở đang thu kinh phí công đoàn.
Cán bộ công đoàn chuyên trách ở doanh nghiệp được hưởng lương từ đoàn phí thu ở doanh nghiệp và nguồn thu của tài chính công đoàn. Nguồn từ tài chính công đoàn dựa trên: Đoàn phí của các đoàn viên nộp theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam; được hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước; kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và các nguồn thu khác (viện trợ, tài trợ, hoạt động thể thao-văn hóa…).
2. Phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ công đoàn:
Cán bộ công đoàn (Chủ tịch, Phó chủ tịch) kiêm nhiệm sẽ được hưởng phụ cấp này dựa trên số lượng lao động tại cơ sở, số lao động khác nhau thì hệ số phụ cấp sẽ khác nhau. Đối với chức danh Chủ tịch hệ số phụ thấp nhất là 0,2 và cao nhất là 0,7, Phó chủ tịch hệ số phụ cấp từ 0,15 đến 0,6. Như vậy, đối với cán bộ công đoàn kiêm thêm việc, thêm chức vụ tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sẽ được hưởng thêm phụ cấp kiêm nhiệm quy định tại Điều 2 Quyết định 1439/QĐ-TLĐ.
So với mức phụ cấp kiêm nhiệm dành cho cán bộ, công chức, viên chức đang giữ chức vụ tại cơ quan, đơn vị công tác được quy định ở Thông tư số 78/2005/TT-BNV thì có một số điểm tương đồng với chế độ phụ cấp của cán bộ công đoàn. Nguyên tắc hưởng giống nhau khi họ thôi kiêm nhiệm chức vụ thì cũng đồng nghĩa với việc thôi hưởng phụ cấp kiêm nhiệm, thời gian sẽ từ tháng sau liền kề với tháng thôi giữ chức danh lãnh đạo kiêm nhiệm và mức hưởng phụ cấp sẽ không tính vào các khoản đóng bảo hiểm. Tuy nhiên đối với cán bộ, công chức, viên chức, họ không có sự thay đổi về mức phụ cấp kiêm nhiệm trong suốt thời gian giữ các chức danh lãnh đạo kiêm nhiệm; Còn đối với cán bộ công đoàn mức phụ cấp kiêm nhiệm dựa vào số lượng người lao động tại cơ sở trong thời gian giữ chức danh. Như vậy nếu quy mô cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có sự biến động về người lao động ở một số lượng nhất định thì mức phụ cấp cho cán bộ công đoàn cũng có sự dao động theo. Cách tính trả phụ cấp theo
Mức tiền phụ cấp kiêm nhiệm (=) hệ số lương chức vụ hoặc hệ số lương chuyên môn, nghiệp vụ (+) hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (+) % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng của người giữ chức danh lãnh đạo kiêm nhiệm (x) mức lương tối thiểu chung (x) (10%).
3. Phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn:
Phụ cấp trách nhiệm được hưởng khi cán bộ công đoàn làm các công việc mà mình đang giữ chức danh quản lý như: Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Công đoàn cơ sở (Ban gồm cả công đoàn cơ sở bốn cấp). Chủ tịch Công đoàn bộ phận; Tổ trưởng công đoàn; Kế toán, Thủ quỹ kiêm nhiệm của Công đoàn cơ sở. Mức phụ cấp cũng phụ thuộc vào số lao động làm việc tại cơ sở; Đối với Ủy viên BCH công đoàn cơ sở, Kế toán công đoàn cơ sở hệ số phụ cấp từ 0,14 đến 0,3; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra công đoàn cơ sở, Chủ tịch công đoàn bộ phận có hệ số phụ cấp từ 0,12 đến 0,25; Còn đối với chức danh Tổ trưởng Công đoàn, Thủ quỹ công đoàn cơ sở thì chỉ có hai hệ số là 0,12 khi số lao động dưới 150 người và 0,13 khi có từ 150 người lao động trở lên.
Phụ cấp trách nhiệm là phụ cấp lương cho người lao động vừa trực tiếp sản xuất hoặc làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ, kĩ thuật vừa kiêm nhiệm công tác quản lí không thuộc chức vụ lãnh đạo hoặc làm công việc đòi hỏi trách nhiệm cao chưa được xác định trong mức lương.
Trong từng thời kỳ, phụ cấp trách nhiệm được quy định áp dụng cho các công việc, chức danh khác nhau, phụ thuộc vào hệ thống các quy định tiền lương của thời kỳ đó. Đối với các đơn vị sử dụng lao động thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, phụ cấp trách nhiệm do người sử dụng lao động quy định hoặc do các bên thỏa thuận trong
4. Tư vấn cách tính phụ cấp cho cán bộ công đoàn:
Tóm tắt câu hỏi:
Công ty tôi có 27 đoàn viên, thu đoàn phí là 35.000đ/1ng, trong đó có 3 cán bộ công đoàn vậy tôi phải trả luơng phụ cấp cho 3 cán bộ công đoàn như thế nào ạ, cho tôi cách tính luôn. Tôi xin cảm ơn công ty luật Dương Gia.?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Quyết định 1439/QĐ-TLĐ chế độ phụ cấp cán bộ công đoàn thì:
– Phụ cấp cán bộ công đoàn bao gồm: Phụ cấp kiêm nhiệm đối với chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên cơ sở trở lên hoạt động kiêm nhiệm; Phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ công đoàn (cán bộ công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam).
– Chi phụ cấp cán bộ công đoàn phải đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức và sử dụng trong phạm vi nguồn kinh phí theo quy định của Tổng Liên đoàn.
– Phụ cấp cán bộ công đoàn không tính để đóng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế. Khi thôi giữ chức vụ kiêm nhiệm, cán bộ công đoàn thì thôi hưởng phụ cấp cán bộ công đoàn từ tháng tiếp theo.
Nguyên tắc tính mức phụ cấp cán bộ công đoàn cơ sở được quy định tại Điều 1 Mục II Quyết định 1439/QĐ-TLĐ :
1.1. Mức phụ cấp cán bộ công đoàn cơ sở được xác định căn cứ vào số lượng lao động của đơn vị.
1.2. Phụ cấp cán bộ công đoàn cơ sở = (Hệ số phụ cấp) x (Tiền lương tối thiểu công đoàn cơ sở đang thu kinh phí công đoàn)
1.3. Nguồn kinh phí chi trả phụ cấp.
Công đoàn cơ sở được sử dụng tối đa 30% số thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn (phần công đoàn cơ sở được sử dụng) để chi lương, phụ cấp cán bộ công đoàn chuyên trách và phụ cấp cán bộ công đoàn cơ sở. Trường hợp nguồn kinh phí này sử dụng không hết thì bổ sung chi hoạt động phong trào. Đối với công đoàn cơ sở được chuyên môn hỗ trợ kinh phí chi phụ cấp cho cán bộ công đoàn, việc sử dụng do công đoàn cơ sở quyết định.
Công đoàn cơ sở căn cứ khả năng nguồn kinh phí được sử dụng và nhu cầu thực tế của đơn vị được điều chỉnh đối tượng, mức chi, thời gian chi (tháng, quý, năm) phụ cấp cán bộ công đoàn cho phù hợp, nhưng phụ cấp kiêm nhiệm không quá hệ số 0,7; phụ cấp trách nhiệm không quá hệ số 0,3.
1.4. Tại công đoàn cơ sở, cán bộ công đoàn chỉ được hưởng 1 mức phụ cấp kiêm nhiệm hoặc phụ cấp trách nhiệm cao nhất.
1.5. Đối với công đoàn cơ sở doanh nghiệp có số thu, chi ngân sách công đoàn hàng năm lớn, việc áp dụng mức chi phụ cấp trách nhiệm cho kế toán công đoàn cơ sở theo quy định này chưa phù hợp. Ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét và quyết định mức phụ cấp kiêm nhiệm của kế toán như Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở, hoặc ký hợp đồng kế toán theo quy định của Luật Kế toán. Việc ký hợp đồng, mức chi trả cho kế toán phải được công đoàn cấp trên trực tiếp chấp thuận bằng văn bản.
Nguyên tắc tính phụ cấp cho cán bộ công đoàn như sau:
– Mức phụ cấp cán bộ công đoàn cơ sở được xác định căn cứ vào số lượng lao động của đơn vị.
– Phụ cấp cán bộ công đoàn cơ sở = (Hệ số phụ cấp) x (Tiền lương tối thiểu công đoàn cơ sở đang thu kinh phí công đoàn).
Ngoài đoàn phí thu trong doanh nghiệp, các nguồn thu của tài chính công đoàn được dùng để trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách trong doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 26 Luật công đoàn 2012 quy định về tài chính công đoàn:
Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:
1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;
3. Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;
4. Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Theo thông tin bạn cung cấp thì chưa có thể biết rõ 3 cán bộ công đoàn của công ty bạn giữ chức danh gì, do vậy bạn có thể tham khảo cách tính phụ cấp trong cả hai trường hợp được quy định tại Điều 2 Quyết định 1439/QĐ-TLĐ như sau:
2. Phụ cấp kiêm nhiệm.
2.1. Đối tượng và phạm vi áp dụng.
Chủ tịch và Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở kiêm nhiệm.
2.2. Mức phụ cấp.
TT | Số lao động | Hệ số phụ cấp | |
Chủ tịch | Phó Chủ tịch | ||
1 | Dưới 150 lao động | 0,2 | 0,15 |
2 | Từ 150 đến dưới 500 lao động | 0,25 | 0,2 |
3 | Từ 500 đến dưới 2000 lao động | 0,3 | 0,25 |
4 | Từ 2000 đến dưới 4000 lao động | 0,4 | 0,3 |
5 | Từ 4000 đến dưới 6000 lao động | 0,5 | 0,4 |
6 | Từ 6000 đến dưới 8.000 lao động | 0,6 | 0,5 |
7 | Trên 8000 lao động | 0,7 | 0,6 |
3. Phụ cấp trách nhiệm:
3.1. Đối tượng và phạm vi áp dụng.
– Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Công đoàn cơ sở (Ban gồm cả công đoàn cơ sở bốn cấp).
– Chủ tịch Công đoàn bộ phận;
– Tổ trưởng công đoàn;
– Kế toán, Thủ quỹ kiêm nhiệm của Công đoàn cơ sở;
3.2. Mức phụ cấp.
TT | Số lao động | Hệ số phụ cấp | ||
Ủy viên BCHCĐCS, Kế toán CĐ cơ sở | Ủy viên Ủy ban Kiểm tra CĐ cơ sở, Chủ tịch CĐ bộ phận | Tổ trưởng Công đoàn, Thủ quỹ công đoàn cơ sở | ||
1 | Dưới 150 lao động | 0,14 | 0,12 | 0,12 |
2 | Từ 150 đến dưới 500 LĐ | 0,15 | 0,13 | 0,13 |
3 | Từ 500 đến dưới 2.000 LĐ | 0,18 | 0,15 | 0,13 |
4 | Từ 2.000 đến dưới 4.000 LĐ | 0,21 | 0,18 | 0,13 |
5 | Từ 4.000 đến dưới 6.000 LĐ | 0,25 | 0,21 | 0,13 |
6 | Từ 6.000 LĐ trở lên | 0,3 | 0,25 | 0,13 |