Đánh giá về tinh toàn diện, đầy đủ của pháp luật về bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí ở Việt Nam hiện nay.
Như đã đề cập ở phần trên, trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân ở Việt Nam đã được pháp luật đề cập trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như:
Dưới góc độ báo chí, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân đã được quy định khá đầy đủ. Theo đó, Luật báo chí năm 2016 (có hiệu lực ngày 01/01/2017) quy định cấm các hành vi “Tiết lộ thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật” (khoản 5, Điều 9). Biện pháp xử lý đối với việc vi phạm quyền bảo vệ thông tin cá nhân cũng được quy định rõ tại Điều 42 Luật báo chí: Cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát lời cải chính, xin lỗi trên báo chí và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Đối với báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát. Ngoài ra, các biện pháp xử lý hình sự cũng được đặt ra để bảo vệ quyền bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác, quyền được bảo vệ danh dự, uy tín. Bộ luật Hình sự có quy định về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác; đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, bao gồm hành vi liên quan đến thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ
chức, cá nhân mà chưa được phép.
Việc khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác phải được thực hiện theo quy định của Điều 195 Bộ luật tố tụng hình sự. Theo đó, các biện pháp điều tra đặc biệt đã được quy định cụ thể tại
Một số đạo luật khác như Luật tiếp cận thông tin, Luật công nghệ thông tin, Luật viễn thông, Luật bưu chính, Luật an toàn thông tin mạng… cũng có các quy định cụ thể về việc bảo vệ quyền riêng tư, bảo vệ thông tin cá nhân và nghiêm cấm các hành vi xâm phạm quyền riêng tư trong các hoạt động bưu chính, viễn thông, an toàn thông tin mạng, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.
Cùng với đó, một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 11, Điều 6, Luật trẻ em, đó là: Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em. Ngoài ra, khoản 2, Điều 54 của Luật quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.
Đối với hình ảnh của cá nhân, Bộ luật dân sự năm 2015 (Điều 32) cũng có những quy định rất cụ thể, theo đó:
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. 2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. 3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Một số hành vi phát tán hình ảnh của cá nhân xâm hại tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó; nhất là khi những hình ảnh đó thuộc về đời sống riêng tư của cá nhân, hoặc hình ảnh có tính chất nhạy cảm bị phát tán, lan truyền nhanh trong cộng đồng, nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh hoặc có khi đơn giản chỉ để trêu đùa một cách vô tư… thì theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi đó phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính, thậm chí là trách nhiệm hình sự.
Với các quy định như trên, hệ thống pháp luật Việt Nam đã xây dựng được một cơ chế bảo vệ khá chặt chẽ về quyền của cá nhân đối với thông tin cá nhân nói chung, quyền đối với hình ảnh của mình nói riêng. Theo các quy định này, khi sử dụng hình ảnh của một ai đó, cần phải có được sự chấp thuận của người có hình ảnh được sử dụng và phải trả thù lao nếu có phát sinh lợi nhuận. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ chỉ áp dụng trong một số trường hợp ngoại lệ và không được làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Pháp luật Việt Nam cũng cho phép người bị xâm phạm yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh và bồi thường thiệt hại, kể cả với trường hợp sử dụng trái phép cho mục đích phi lợi nhuận.
Điểm C, khoản 1, Điều 10 Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 06/6/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thông tin có quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân người đó, trừ các trường hợp tìm thân nhân của nạn nhân, ảnh của người đã bị khởi tố hình sự hoặc đang chấp hành hình phạt tù giam, ảnh thông tin về các hoạt động tập thể.
Đáng chú ý, tại điểm c, khoản 2 và điểm i, khoản 3, Điều 8, Nghị định 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản có quy định như sau: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
c) Đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác;
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
i) Tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân nhưng không được sự đồng ý của cá nhân đó;
Nghị định này đã bổ sung quy định mới về việc đăng ảnh phải có sự đồng ý của người đó, so với quy định trước đây mới chỉ quy định: “không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó” (Khoản 3 và khoản 4, Điều 5 Nghị định 51/2002/NĐ-CP).
Có thể nói với các quy định như trên, Việt Nam đã có một cơ chế bảo vệ tốt hơn quyền đối với hình ảnh của công dân và bảo đảm tính khách quan, có trách nhiệm hơn của các cơ quan báo chí, của cộng đồng mạng xã hội đối với việc bảo vệ quyền về thông tin cá nhân.
Tuy nhiên, việc đăng, phát các thông tin cá nhân khác thì chưa có quy định và chế tài cụ thể cũng như chưa có quy định về bí mật đời tư. Chính vì vậy, hiện nay việc báo chí khai thác một cách công khai, tràn lan bí mật đời tư, đặc biệt là của người nổi tiếng là một việc phổ biến, thậm chí đã trở thành chuyện bình thường trên mặt báo.
Khi báo chí công khai những hình ảnh cá nhân, bí mật đời tư, có nhiều phản ứng trái chiều. Nhưng hầu như không ai đồng tình với việc thông tin cá nhân, bí mật của mình được đăng tải trên báo chí, được nhiều người biết đến, dù là tốt đẹp nhưng đó là những điều không mong muốn công khai.
Với tính chất đặc thù của nghề nghiệp, báo chí là lĩnh vực có liên quan nhiều nhất đến bí mật đời tư cá nhân, đồng thời cũng là lĩnh vực mà việc xâm phạm bí mật đời tư cá nhân xảy ra một cách thường xuyên, như một sự việc hiển nhiên của ngành, thậm chí việc xâm phạm bí mật đời tư là một việc không thể thiếu nếu muốn có một bài báo “giật gân”, “nổi”, thu hút dư luận chú ý. Và những người bị báo chí xâm phạm bí mật đời tư phần lớn là những người nổi tiếng, bên cạnh đó thì mỗi cá nhân đều dễ dàng trở thành đối tượng bị xâm phạm bí mật đời tư trong giới báo chí.
Vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân còn quy định khá chung chung, chưa đầy đủ, toàn diện và cũng chưa có quy định nội hàm khái niệm cụ thể. Các văn bản pháp luật hiện hành chưa đưa ra được một khái niệm thống nhất, đầy đủ dẫn đến khó hiểu và khó áp dụng pháp luật về thông tin cá nhân. Bên cạnh khái niệm thông tin cá nhân, một số văn bản quy phạm pháp luật còn sử dụng khái niệm thông tin riêng, thông tin bí mật đời tư. Sau khi có Hiến pháp Việt Nam năm 2013, khái niệm thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được sử dụng trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Tiếp cận thông tin năm 2015, Luật trẻ em năm 2015 còn trong Luật báo chí thì chưa có quy định. Hơn nữa, trong tất cả các văn bản này, chưa có văn bản nào đưa ra được định nghĩa cho các khái niệm đó.
Qua rà soát một số văn bản quy phạm pháp luật nói chung cũng như trong lĩnh vực báo chí nói riêng, có thể thấy, phạm vi điều chỉnh của pháp luật bảo vệ thông tin cá nhân chưa đủ toàn diện. Pháp luật bảo vệ thông tin cá nhân mới tập trung điều chỉnh việc bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng. Việc bảo vệ thông tin cá nhân trong thế giới vật lý/thực (không trên môi trường mạng) chưa được đặt ra. Điều này có nghĩa rằng, các hành vi thu thập và xử lý thông tin cá nhân bằng cách thức thủ công chưa bị điều chỉnh theo các chuẩn mực pháp lý về thu thập và xử lý thông tin cá nhân được quy định rõ ràng trong văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế, trong hoạt động báo chí các loại hình báo cũng rất đa dạng (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử), chính vì vậy các hành vi thu thập và xử lý thông tin cá nhân dưới các dạng này cũng rất khác nhau. Đây là một khoảng trống pháp lý cần được xử lý.
Bên cạnh đó, cũng chưa có những quy định riêng điều chỉnh một số nhóm đối tượng đặc thù là những người được báo chí đặc biệt quan tâm (như: người khuyết tật, người nổi tiếng, người phạm tội…), bởi họ luôn được giới báo chí “săn đón” thông tin, việc khai thác sâu vào đời sống cá nhân dù với mục đích nào cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của cá nhân người đó và những người thân xung quanh.
Mới đây, vụ việc của diễn viên Đan Lê khi phát hiện ra một bài phỏng vấn mà cô khẳng định “chưa từng được hỏi và trả lời” trên thực tế nhưng thông tin về cô được tác giả đề cập trong bài phỏng vấn này lại được đăng tải công khai trên một tờ báo chính thống. Sau đó cô nhận được lời xin lỗi và thông tin cải chính từ tờ báo này.
Trong khi đó tại Điều 40, Luật Báo chí năm 2016 quy định như sau:
Người phỏng vấn phải thông báo trước cho người được phỏng vấn biết mục đích, yêu cầu và câu hỏi phỏng vấn; trường hợp cần phỏng vấn trực tiếp, không có sự thông báo trước thì phải được người trả lời phỏng vấn đồng ý.
Sau khi phỏng vấn, trên cơ sở thông tin, tài liệu của người trả lời cung cấp, người phỏng vấn có quyền thể hiện bằng các hình thức phù hợp. Người phỏng vấn phải thể hiện chính xác, trung thực nội dung trả lời của người được phỏng vấn.
Người được phỏng vấn có quyền yêu cầu xem lại nội dung trả lời trước khi đăng, phát. Cơ quan báo chí và người phỏng vấn phải thực hiện yêu cầu đó.
Nhà báo không được dùng những ý kiến phát biểu tại hội nghị, hội thảo, các cuộc gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện có nhà báo tham dự để chuyển thành bài phỏng vấn nếu không được sự đồng ý của người phát biểu.
Cơ quan báo chí, người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đăng, phát trên báo chí.
Câu hỏi đặt ra là hành vi thu thập và xử lý thông tin cá nhân một cách bịa đặt, phi thực tế của tác giả thì sẽ bị xử lý ra sao; chế tài nào sẽ phù hợp đối với cơ quan báo chí và người phỏng vấn trong trường hợp nêu trên; vấn đề này tuy đã được quy định nhưng vẫn còn khá chung chung, chưa cụ thể đối với từng đối tượng khác nhau.