Luật sư tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến lĩnh vực lao động. Tư vấn luật lao động qua phương thức: trực tuyến qua tổng đài, trực tiếp tại văn phòng và qua phương tiện khác.
Tính phụ cấp thâm niên đối với giáo viên. Giảng dạy trong quân đội và chuyển ngành giảng dạy ở trường THPT thì tính phụ cấp thâm niên thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam từ 1977. Năm 1981 đến 1985, tôi được Quân đội cho đi học tại trường đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1986, tôi tốt nghiệp đại học và được phân công về giảng dạy văn hóa tại trường văn hóa quân khu II (quân hàm trung úy). Tháng 11 năm 1987 tôi chuyển ngành về giảng dạy tại trường THPT Đồ Sơn cho đến nay (thời gian công tác của tôi được tính liên tục từ 1977 đến nay). Vậy tôi được tính phụ cấp thâm niên như thế nào thưa luật sư? Chân thành cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thời gian tính phụ cấp thâm niên của bạn sẽ tính từ năm 1977 đến nay căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH, tức thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên của bạn là 40 năm:
"Điều 2. Hướng dẫn về thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên, mức hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại Điều 2, Điều 3 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP
1. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau:
a) Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập;
b) Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập);
c) Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác, gồm: thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng và thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an và cơ yếu (nếu có);
d) Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề;
đ) Thời gian quy định tại các điểm a, b khoản này không bao gồm thời gian quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP."
Nếu thời gian hưởng phụ cấp thâm niên của bạn là đủ 40 năm (mỗi năm đủ 12 tháng) thì bạn sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) căn cứ khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
"Điều 2. Hướng dẫn về thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên, mức hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại Điều 2, Điều 3 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP.
(…)
3. Mức phụ cấp thâm niên được tính như sau:
Nhà giáo quy định tại Điều 1 Thông tư liên tịch này có thời gian giảng dạy, giáo dục được tính hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định tại Khoản 1 Điều này đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%."
Bạn có thể tham khảo cách tính mức tiền phụ cấp thâm niên hàng tháng tại khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH như sau:
3. Cách tính mức tiền phụ cấp thâm niên hàng tháng
Mức tiền phụ cấp thâm niên = I Hệ số lương theo ngạch, bậc cộng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng I x I Mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định từng thời kỳ I x I Mức % phụ cấp thâm niên được hưởng I".