Để được xếp loại là giáo viên mầm non hạng III cần phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn nhất định theo quy định. Vậy các tiêu chuẩn đó bao gồm những gì và mức lương được áp dụng đối với giáo viên mầm non hạng III theo quy định hiện hành như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Tiêu chuẩn giáo viên mầm non hạng III:
Câu hỏi: Chị Hà ở Kiên Giang có gửi câu hỏi tới Luật Dương Gia như sau: Tôi đang có ý định thi tuyển viên chức vào giảng dạy tại trường mầm non công lập ở địa phương nhưng đang không biết các tiêu chuẩn của giáo viên mầm non hạng III theo quy định hiện hành như thế nào? Mong Luật sư giải đáp tôi xin chân thành cảm ơn!
Về vấn đề của chị chúng tôi xin giải đáp như sau:
Viên chức giảng dạy tại đơn vị sự nghiệp công lập cụ thể là giáo viên mầm non hạng III – Mã số V.07.02.26, phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 2a và Điều 3 Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, sửa đổi bởi Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT như sau
1.1. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với giáo viên mầm non hạng III:
Giáo viên mầm non hạng III cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng, theo đó:
– Giáo viên mầm non hạng III tối thiểu cần phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non trở lên.
– Đồng thời phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non theo quy định.
1.2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với giáo viên mầm non hạng III:
Giáo viên mầm non hạng III cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, bao gồm:
– Phải nắm được các nội dung về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của đảng và nhà nước. Đồng thời đáp ứng các yêu cầu và quy định của ngành, địa phương về việc giáo dục mầm non. Và có thể tự mình triển khai thực hiện được các nhiệm vụ được giao.
– Giáo viên mầm non hạng III cần phải có các kiến thức và các kỹ năng trong việc thực hiện tổ chức các hoạt động về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Đồng thời phải có kỹ năng sư phạm đáp ứng với các yêu cầu nhiệm vụ thực hiện trong chương trình giáo dục mầm non.
– Có khả năng phối hợp công việc với các đồng nghiệp, cha mẹ của trẻ và cộng đồng xã hội đối với các công tác nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc trẻ em.
– Có khả năng về việc quản lý, bảo quản, sử dụng, giữ gìn tài sản và các cơ sở vật chất, thiết bị của lớp, trường mầm non.
– Ngoài ra, cần phải đáp ứng về khả năng ứng dụng được công nghệ thông tin trong việc giảng dạy. Đồng thời đáp ứng yêu cầu về khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc việc sử dụng được các tiếng dân tộc thiểu số phụ thuộc vào yêu cầu về vị trí việc làm của giáo viên mầm non.
1.3. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non hạng III:
Ngoài các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng và năng lực chuyên môn nghiệp vụ giáo viên mầm non hạng III còn phải đáp ứng về các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp bao gồm:
Để được công nhận là giáo viên mầm non hạng III người giáo viên cần phải có ý thức chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và các quy định của ngành, địa phương trong việc giáo dục mầm non.
Phải có ý thức tự mình trau dồi về đạo đức; Giữ gìn phẩm chất danh dự, uy tín và nâng cao tinh thần trách nhiệm của nghề nhà giáo. Phải trở thành tấm gương tiêu biểu trước trẻ em
Phải thực sự là người yêu nghề, thương trẻ và biết quản lý cảm xúc cá nhân không đề cảm xúc cá nhân ảnh hưởng đến việc đối xử công bằng và tôn trọng trẻ em. Đồng thời phải là người đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em.Trong công việc cần có sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các đồng nghiệp.
Ngoài ra giáo viên mầm non hạng III còn cần phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ chung đối với viên chức và các quy định chung của Bộ giáo dục và đào tạo về đạo đức của nghề nhà giáo.
2. Cách xếp lương giáo viên mầm non hạng III:
Câu hỏi: Chị Ngân ở Ninh Bình có gửi câu hỏi tới Luật Dương Gia như sau: Hiện tại, tôi đang là giáo viên mầm non hạng III ở đơn vị sự nghiệp công lập.Tôi được biết theo quy định mới mức lương cơ sở được tăng lên là 1.800.000 VND. Vậy việc xếp lương của giáo viên mầm non hạng III theo quy định hiện hành sẽ được tăng lên bao nhiêu? Mong là sư giải đáp, tôi xin chân thành cảm ơn!
Về vấn đề của chị chúng tôi xin giải đáp như sau:
Căn cứ điểm a, khoản 1, Điều 8 Điều 8 Thông tư 01 Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, sửa đổi bởi Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT quy định, giáo viên mầm non hạng III sẽ được áp dụng bảng lương đối với viên chức loại A0 được ban hành kèm theo
Tiền lương của giáo viên được tính theo công thức:
Lương = Hệ số x Mức lương cơ sở
Theo quy định pháp luật hiện hành mức lương cơ sở được quy định tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP là 1,8 triệu đồng.
Như vậy, có thể thấy mặc dù lương cơ bản tăng tuy nhiên, hệ số lương đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập cụ thể trong trường hợp là giáo viên mầm non hạng III vẫn được giữ nguyên theo quy định:
Theo đó, bảng lương cụ thể của giáo viên mầm non hạng III như sau:
Nhóm ngạch | Bậc 1 | Bậc 2 | Bậc 3 | Bậc 4 | Bậc 5 | Bậc 6 | Bậc 7 | Bậc 8 | Bậc 9 | Bậc 10 |
Hệ số | 2,1 | 2,41 | 2,72 | 3,03 | 3,34 | 3,65 | 3,96 | 4,27 | 4,58 | 4,89 |
Lương | 3,129 | 3,591 | 4,053 | 4,515 | 4,977 | 5,439 | 5,900 | 6,362 | 6,824 | 7,286 |
Đơn vị tính: Triệu đồng
Như vây, vì mức lương cơ sở tăng nên mức lương của giáo viên mầm non hạng III cũng tăng theo quy định trong đó mức lương giao động thấp nhất là 3,129 triệu đồng và cao nhất là 7,286 triệu đồng.
3. Nhiệm vụ của giáo viên mầm non hạng III:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT quy định Giáo viên mầm non hạng III cần phải thực hiện các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em dựa trên các kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn và nhà trường phải chịu trách nhiệm về đảm bảo chất lượng và hiệu quả của việc chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ em ở nhóm, lớp đã được phân công phụ trách và thực hiện các công tác giáo dục hòa nhập và phổ biến quyền trẻ em.
Thứ hai, thực hiện việc rèn luyện sức khỏe cho bản thân; trong trường hợp chưa hoàn thành các khóa học hoặc chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thì phải hoàn thành, tiến hành tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời phải có tinh thần tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chính trị của bản thân; Quá trình thực hiện công tác giảng dạy cần phải có ý thức bảo quản và sử dụng các thiết bị giáo dục đã được bàn giao.
Thứ ba, cần thiết có sự phối hợp giữa giáo viên với cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ và cộng đồng xã hội trong công việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để đạt hiệu quả cao.
Thứ tư, cần song song với việc thực hiện các nghĩa vụ của công dân, quy định của pháp luật và các quy định riêng của ngành giáo dục, quy định của nhà trường và địa phương nơi cơ sở giáo dục.
Thứ năm, ngoài ra còn cần phải thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ khác đã được hiệu trưởng phân công thực hiện.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, sửa đổi bởi Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập;
– Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.