Tiếp xúc lãnh sự đối với người nước ngoài bị tạm giam là quyền lợi cơ bản nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Đại diện lãnh sự có quyền thăm hỏi, hỗ trợ pháp lý và đảm bảo điều kiện giam giữ nhân đạo. Quy trình này cần diễn ra minh bạch, kịp thời, giúp người bị giam có cơ hội nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ cơ quan ngoại giao, đồng thời tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa các quốc gia.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm và ý nghĩa của tiếp xúc lãnh sự với người nước ngoài bị tạm giam:
Tiếp xúc lãnh sự là quyền cơ bản của công dân một quốc gia khi họ bị tạm giam ở nước ngoài quyền này giúp bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân, đảm bảo cho họ có thể nhận được sự hỗ trợ từ đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của nước mình.
Quyền tiếp xúc lãnh sự được quy định rõ ràng trong các công ước quốc tế ví dụ như Công ước Viên về Quan hệ Lãnh sự năm 1963, và cũng được ghi nhận trong luật pháp của nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Theo đó, khi một công dân Việt Nam bị tạm giam ở nước ngoài, có quyền yêu cầu liên lạc với cơ quan lãnh sự để nhận sự hỗ trợ về pháp lý, ngôn ngữ và các vấn đề cần thiết khác liên quan.
Ở Việt Nam căn cứ theo khoản 1 Điều 13 Nghị định 120/2017/NĐ-CP quy định về việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài tiếp xúc lãnh sự tiếp xúc theo đó tiếp xúc lãnh sự với người nước ngoài bị tạm giam là hoạt động của viên chức ngoại giao, lãnh sự thuộc cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước có người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc đang chấp hành án phạt tù mang quốc tịch đến thực hiện việc tiếp xúc lãnh sự.
Ý nghĩa của việc tiếp xúc lãnh sự với người nước ngoài bị tạm giam:
Bảo vệ quyền lợi hợp pháp: Qua việc tiếp xúc với đại diện lãnh sự, người bị tạm giam có thể được bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo các luật pháp quốc tế và luật pháp của quốc gia nơi họ đang bị tạm giam.Thông qua việc tiếp xúc lãnh sự người bị tạm giam cũng nhận được những thông tin cần thiết từ cơ quan lãnh sự của họ, giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Đảm bảo công bằng pháp lý: Nhờ việc có được sự can thiệp của cơ quan lãnh sự có thể giúp đảm bảo rằng các quy trình pháp lý diễn ra một cách minh bạch và công bằng qua đó giảm thiểu khả năng người bị tạm giam lạm dụng hoặc bị xâm phạm quyền con người. Trong trường hợp nếu có tranh chấp về việc áp dụng pháp luật hoặc các điều kiện giam giữ xảy ra thì đại diện lãnh sự có thể làm trung gian để giải quyết.
Tôn trọng, củng cố các mối quan hệ quốc tế: Qua việc tôn trọng quyền tiếp xúc lãnh sự thể hiện mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia và với các quốc gia với nhau.Thông tin cho gia đình người bị tạm giam: Thông qua việc tiếp xúc với cơ quan lãnh sự người bị tạm giam có thể thông qua đó thông báo cho gia đình về tình hình của mình, điều này rất quan trọng cho tinh thần và sự an tâm của người thân.
2. Quy định pháp luật về tiếp xúc lãnh sự với người nước ngoài bị tạm giam:
2.1. Quy trình tiếp xúc lãnh sự với người nước ngoài bị tạm giam:
Thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao:
Khi một công dân nước ngoài bị tạm giam, cơ quan thực thi pháp luật của quốc gia đó có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao (sứ quán, lãnh sự quán) của quốc gia mà công dân đó đang mang quốc tịch. Bộ ngoại giao thường là đầu mối tiếp nhận các yêu cầu về tiếp xúc lãnh sự.
Yêu cầu tiếp xúc lãnh sự:
Cơ quan đại diện ngoại giao sẽ gửi một yêu cầu chính thức đến cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi người đó bị tạm giam để xin phép cho đại diện lãnh sự được tiếp xúc với công dân của nước mình. Ở Việt Nam căn cứ Nghị định 120/2017/NĐ-CP khi một người nước ngoài bị tạm giam Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài có yêu cầu tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là công dân nước mình phải gửi văn bản đề nghị đến Bộ Ngoại giao. Nội dung văn bản đề nghị gồm:
– Tên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự gửi văn bản;
– Họ và tên, quốc tịch người bị tạm giữ, người bị tạm giam cần tiếp xúc lãnh sự;
– Cơ sở đang giam giữ người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
-Họ và tên, chức vụ, số hộ chiếu hoặc số thẻ ngoại giao của những người đến tiếp xúc lãnh sự;
-Họ và tên người phiên dịch (nếu có);
-Nội dung tiếp xúc lãnh sự và các đề nghị khác (nếu có)
Sắp xếp cuộc tiếp xúc:
Cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét yêu cầu và sắp xếp cuộc tiếp xúc. Thời gian, địa điểm và điều kiện của cuộc tiếp xúc sẽ được thông báo cho cả hai bên.
Ở Việt Nam khi có đề nghị tiếp xúc lãnh sự, Bộ Ngoại giao sẽ có trách nhiệm thông báo nội dung tiếp xúc lãnh sự cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết và trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Ngoại giao đề nghị tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam, cơ quan đang thụ lý vụ án sẽ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ sở giam giữ trả lời bằng văn bản về việc có đồng ý cho tiếp xúc lãnh sự hay không văn bản sẽ gửi Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan ngoại giao, lãnh sự nước ngoài có yêu cầu liên hệ với cơ quan thụ lý vụ án, cơ sở giam giữ tổ chức tiếp xúc lãnh sự.
Trường hợp không đồng ý cho tiếp xúc lãnh sự thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do để Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài có yêu cầu tiếp xúc lãnh sự.
Ngoài ra trường hợp cơ quan đang thụ lý vụ án có yêu cầu thì phối hợp với cơ sở giam giữ để giám sát, theo dõi việc tiếp xúc lãnh sự (Căn cứ Điều 13 Nghị định 120/2017 /NĐ-CP).
Tiếp xúc trực tiếp:
Đại diện lãnh sự sẽ đến cơ sở giam giữ để gặp gỡ công dân của mình. Trong cuộc gặp này, người bị tạm giam, tạm giữ sẽ được thông báo về các quyền của mình và được hỗ trợ pháp lý, được cung cấp các thông tin về vụ án.
Biên bản cuộc tiếp xúc:
Sau khi cuộc tiếp xúc kết thúc, một biên bản sẽ được lập để ghi lại nội dung cuộc trao đổi của 2 bên.
2.2. Các trường hợp không giải quyết tiếp xúc lãnh sự:
Theo Điều 14 Nghị định 120/2017/NĐ-CP , có một số trường hợp không được tiếp xúc lãnh sự, bao gồm việc từ chối của người bị tạm giam và lý do an ninh. Bao gồm:
Người bị tạm giữ, người bị tạm giam tự nguyện từ chối việc tiếp xúc lãnh sự.
Vì lý do khẩn cấp để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cơ sở giam giữ (ví dụ như xảy ra bạo loạn hoặc cơ sở giam giữ đó gặp sự cố thì quyền tiếp xúc lãnh sự có thể tạm ngưng).
Khi có dịch bệnh xảy ra tại cơ sở giam giữ như COVID – 19, hạch để đảm bảo an toàn cho người bị tạm giam và nhân viên lãnh sự.
Khi cấp cứu người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A .
Người đến tiếp xúc lãnh sự vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ.
Người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ, đang bị kỷ luật. Việc này nhằm bảo đảm rằng các quy định và kỷ luật của cơ sở giam giữ được thực hiện nghiêm túc.
3. Số lần tiếp xúc lãnh sự của người nước ngoài bị tạm giam:
Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 120/2017/NĐ-CP quy định về về thời gian tiếp xúc lãnh sự:
Đối với người bị tạm giữ mỗi người bị tạm giữ có quyền được tiếp xúc với cơ quan lãnh sự 01 lần trong thời gian tạm giữ và 01 lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Thời gian cho mỗi lần tiếp xúc không quá 01 giờ.
Đối với người bị tạm giam người bị tạm giam có quyền được tiếp xúc lãnh sự 01 lần trong một tháng. Cuộc tiếp xúc này sẽ diễn ra trong giờ làm việc và ngày làm việc, với thời gian mỗi lần không vượt quá 01 giờ.
Tăng số lần và số người tiếp xúc nếu muốn tăng thêm số lần tiếp xúc lãnh sự hoặc số người tham gia tiếp xúc, cần phải có sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án
Các quy định về thời gian tiếp xúc lãnh sự trên giúp bảo vệ quyền lợi của người bị tạm giữ và tạm giam, đảm bảo cho họ có cơ hội nhận hỗ trợ từ cơ quan lãnh sự đồng thời duy trì trật tự và an ninh trong cơ sở giam giữ.