Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiện nay diễn ra vô cùng phổ biến với nhiều hình thức và thủ đoạn khác nhau. Vậy thì: Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về thủ tục tố cáo, khởi kiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Mục lục bài viết
1. Đặc điểm nhận diện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự cố ý thực hiện bằng các thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, xâm phạm quan hệ sở hữu tài sản được pháp luật hình sự bảo vệ. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiện nay được quy định cụ thể tại Điều 174 của Bộ luật hình sự năm 2015. Có thể kể đến một số đặc điểm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
– Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xâm hại trực tiếp đến quyền sở hữu của các chủ thể khác trong xã hội. Tức là đối tượng tác động của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang thuộc quyền sở hữu của người khác. Đây cũng được coi là điểm khác biệt giữa tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với một số tội phạm do hiệu khác, vì một số tội phạm thuộc nhóm các tội phạm sở hữu khách thể là quan hệ sở hữu, người phạm tội còn hướng đến khách thể quan trọng khác đó là quyền được bảo vệ về tính mạng sức khỏe của bị hại;
– Hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện bằng thủ đoạn gian dối. Đặc điểm nổi bật của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn gian dối của người phạm tội, thủ đoạn này chính là nguyên nhân trực tiếp làm cho người bị hại tin là thật và giao tài sản cho người phạm tội, thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi người bị hại giao tài sản cho người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu như thủ đoạn gian dối phát sinh sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì tùy từng trường hợp sẽ cấu thành tội phạm khác;
– Lỗi của người phạm tội trong trường hợp này là cố ý trực tiếp. Tức là người phạm tội nhận thấy rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện là xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người khác, nhận thức rõ thủ đoạn được thực hiện là gian dối nhưng mong muốn người có tài sản tin tưởng và dịch chuyển tài sản một cách bất hợp pháp từ người có tài sản thành tài sản của chính mình, mục đích là chiếm đoạt được tài sản.
Khi chẳng may trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân thường đặt ra nhu cầu tố cáo và khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật này trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thủ tục tố cáo và khởi kiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thể hiện cụ thể trong phần viết dưới đây.
2. Thủ tục tố cáo, khởi kiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Căn cứ theo quy định tại Điều 144 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì khi trở thành nạn nhân trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân có thể tố cáo hành vi vi phạm tại nơi đối tượng lừa đảo đang sinh sống hoặc nơi xảy ra hành vi lừa đảo, hoặc tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền với cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án theo quy định của pháp luật. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành thủ tục giải quyết và xác minh hành vi theo quy định hiện hành. Nhìn chung thì quá trình này sẽ trải qua một số giai đoạn cơ bản sau đây:
Bước 1: Nạn nhân có thể tố cáo bằng hình thức văn bản hoặc lời nói tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi xét thấy hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiếp nhận đơn tố cáo của bị hại. Nếu trong trường hợp đơn tố cáo của bị hại được gửi không đúng thẩm quyền thì cơ quan nhà nước sẽ phải có trách nhiệm chuyển đơn tố cáo kèm theo tài liệu và chứng cứ có liên quan đến vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã tiếp nhận cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo thủ tục luật định.
Bước 2: Thời gian giải quyết được thực hiện theo quy định của pháp luật trong khoảng thời hạn 20 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận được bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu bị hại bổ sung hồ sơ. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành hoạt động kiểm tra và xác minh thông tin liên quan đến vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bước 3: Sau khi đã kiểm tra và xác minh nội dung trong đơn tố cáo, nếu xét thấy có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với các tội danh tương ứng, mà trong trường hợp này được xác định là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản căn cứ theo quy định tại Điều 174 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Bước 4: sau khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật thì trong khoảng thời hạn 24 giờ, cơ quan ra quyết định khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra vụ án theo thủ tục tố tụng hình sự, khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động điều tra hồ sơ vụ án kèm theo bản kết luận điều tra đề nghị truy tố và vật chứng thì viện kiểm sát phải kiểm tra và xử lý, nếu như đã đầy đủ dữ kiện và chứng cứ thì viện kiểm sát nhận hồ sơ vụ án sau đó tiến hành hoạt động truy tố bị can ra tòa án.
Bước 5: Sau khi nhận được hồ sơ của Viện kiểm sát, nếu xét thấy hồ sơ viện kiểm sát đưa ra là đầy đủ thì tòa án sẽ quyết định đưa vụ án ra xét xử. trường hợp thiếu chứng cứ hoặc thiếu tài liệu có liên quan thì tòa án sẽ yêu cầu trả hồ sơ để viện kiểm soát bổ sung thêm. Quá trình xét xử tại tòa án sau khi nhận được bản cáo trạng của Viện kiểm sát sẽ bao gồm trình tự như sau:
– Khai mạc phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản;
– Bản cáo trạng được công bố theo quy định của pháp luật;
– Nghi phạm bị xét hỏi, lời khai trong quá trình truy tố và điều tra sẽ được công bố tại phiên tòa;
– Bị cáo và các đương sự có liên quan sẽ được hỏi thêm một số vấn đề;
– Các nội dung ghi hình và ghi âm có liên quan sẽ được phát trực tiếp;
– Tiến hành xem xét tại chỗ sau đó nghị án, tuyên án và kết thúc phiên toà.
Bước 6: Sau khi phiên tòa kết thúc thì bị cáo có quyền kháng cáo trong khoảng thời gian 15 ngày kể từ ngày tòa án ban hành bản án. Nếu có kháng cáo thì sẽ tiếp tục được xét xử phúc thẩm tại tòa án cấp phúc thẩm.
Bước 7: Thi hành bản án theo quy định của pháp luật. Đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải hoàn trả đầy đủ phần tài sản đã lừa đảo cho bị hại và bồi thường thêm cho bị hại, bên cạnh đó nếu Như trong trường hợp tội phạm không đủ khả năng để bồi thường cho bị hại ở thời điểm có bạn án thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tiến hành hoạt động cưỡng chế tài sản theo những hình thức cơ bản sau:
– Khấu trừ tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc xử lý, thu hồi các giấy tờ có giá trị của người thi hành án phạt;
– Trừ vào mức thu nhập hằng tháng của người thi hành án phạt;
– Xử lý tài sản của người thi hành án phạt, kể cả khi tài sản đó đang do một bên thứ ba khác giữ;
– Người thi hành án buộc phải chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ …;
– Người thi hành án buộc phải thực hiện hay không thực hiện một số công việc nhất định.
3. Thành phần hồ sơ tố cáo, khởi kiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Căn cứ theo quy định tại Điều 144 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 hiện nay thì có quy định về việc tố giác tội phạm. Theo đó thì đây là hoạt động của cá nhân khi họ phát hiện ra hành vi có dấu hiệu tội phạm và báo cáo lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong quá trình tố cáo và khởi kiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cần phải có những giấy tờ cơ bản sau:
– Giấy tờ tùy thân của bị hại như căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân …;
– Đơn tố cáo được soạn theo mẫu do pháp luật quy định, người tố cáo có thể trình bày bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Tuy nhiên trình bày bằng văn bản là cách tốt nhất. Đơn tố cáo cần phải được thể hiện những nội dung cơ bản của vụ việc, phải thể hiện thông tin cơ bản của người tố cáo và người bị tố cáo, ngày tháng năm tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo, cơ quan có thẩm quyền … ;
– Bằng chứng và chứng cứ chứng minh hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản ví dụ như giao dịch chuyển tiền, tin nhắn và các đoạn ghi âm hoặc ghi hình …;
– Kết luận giám định và định giá tài sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Biên bản trong quá trình khởi tố và điều tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Kết quả được thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế;
– Ngoài ra còn có thể bao gồm một số tài liệu khác khi được yêu cầu.
4. Quy trình khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Theo quy định của pháp luật hiện nay thì quy trình khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện như sau:
Bước 1: Tiếp nhận tin báo vào tin tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mọi tin báo và kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận để giải quyết đầy đủ và kịp thời. Cơ quan điều tra và viện kiểm sát, tòa án theo quy định của pháp luật hiện nay được xác định là những cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận mọi tin tức về tội phạm xảy ra trên địa bàn mà mình quản lý. Trong trường hợp không có thẩm quyền giải quyết thì phải tiếp nhận rồi chuyển cho cơ quan có thẩm quyền.
Bước 2: Xác minh vụ việc và chỉ được khởi tố vụ án khi có dấu hiệu của tội phạm căn cứ theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 143 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Bước 3: Ra quyết định khởi tố vụ án hoặc không khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
– Luật Tố cáo năm 2020.