Đo đạc và bản đồ là một ngành hoạt động trong lĩnh vực địa lý. Đây là một ngành khai thác các đối tượng địa lý dể phục vụ cho việc xây dựng, vận hành các công trình xây dựng, cầu đường,...Để có thể kinh doanh hoạt động đo đạc và bản đồ thì tổ chức cần thực hiện thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ.
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ?
- 2 2. Điều kiện để kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ:
- 3 3. Thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ:
1. Thế nào là kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ?
Đo đạc được hiểu là hoạt động sử dụng các dụng cụ đo để thu nhận, xử lý thông tin, dữ liệu để xác định vị trí, hình dạng, kích thước và thông tin thuộc tính của đối tượng địa lý.
Bản đồ được xác định là mô hình khái quát thể hiện các đối tượng địa lý ở tỷ lệ nhất định, theo quy tắc toán học, bằng hệ thống ký hiệu quy ước, dựa trên kết quả xử lý thông tin, dữ liệu từ quá trình đo đạc.
Hoạt động đo đạc và bản đồ là hoạt động tiến hành đo đạc các đối tượng địa lý; xây dựng, vận hành công trình hạ tầng đo đạc, cơ sở dữ liệu địa lý; thành lập bản đồ, sản xuất sản phẩm đo đạc và bản đồ khác. Theo đó, phạm vi hoạt động của dịch vụ đo đạc và bản đồ bao gồm:
– Khảo sát, lập đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật – dự toán công trình đo đạc và bản đồ;
– Kiểm tra, nghiệm thu chất lượng công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ;
– Xây dựng lưới trọng lực, thiên văn, tọa độ, độ cao của công trình;
– Chụp ảnh, quét địa hình từ máy bay;
– Đo vẽ, thành lập bản đồ địa hình;
– Đo vẽ, thành lập bản đồ địa hình đáy biển;
– Đo vẽ, thành lập bản đồ địa chính;
– Thành lập bản đồ hành chính;
– Đo vẽ, thành lập bản đồ địa giới hành chính;
– Xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ;
– Xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý;
– Thành lập bản đồ chuyên đề; át-lát địa lý;
– Khảo sát địa hình; đo đạc công trình;
– Kiểm định các thiết bị đo đạc.
2. Điều kiện để kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ:
Để có thể kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ thì tổ chức kinh doanh dịch vụ này phải bảo đảm một số điều kiện được quy định tại điều 52 Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018. Cụ thể sau:
2.1. Đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ trong nước:
– Phải là doanh hoặc đơn vị sự nghiệp có chức năng, nhiệm vụ hoạt động đo đạc và bản đồ được cấp phép kinh doanh của Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương nơi công ty đóng trụ sở chính;
– Tổ chức kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ phải bảo đảm có lực lượng kỹ thuật đo đạc và bản đồ đáp ứng các điều kiện tối thiểu như sau:
+ Phải có ít nhất 01 người phụ trách kỹ thuật đo đạc và bản đồ và 04 nhân viên kỹ thuật;
+ Người phụ trách kỹ thuật về đo đạc và bản đồ phải đáp ứng được các điều kiện và tiêu chí sau: có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành về đo đạc và bản đồ; có thời gian hoạt động thực tế ít nhất là 05 năm phù hợp ít nhất một nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ của tổ chức đề nghị cấp giấy phép. Lưu ý, người phụ trách kỹ thuật về đo đạc và bản đồ không được đồng thời là người phụ trách kỹ thuật về đo đạc và bản đồ của tổ chức khác;
+ 04 nhân viên kỹ thuật có trình độ trung cấp trở lên, chuyên ngành đào tạo về đo đạc và bản đồ.
– Tổ chức hoạt động dịch vụ đo đạc và bản đồ phải có thiết bị công nghệ đo đạc và bản đồ phù hợp với định mức thiết bị quy định trong định mức kinh tế – kỹ thuật đo đạc và bản đồ để thực hiện một sản phẩm đo đạc và bản đồ thuộc nội dung đề nghị cấp phép.
2.2. Đối với nhà thầu nước ngoài:
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018 thì nhà thầu nước ngoài về hoạt động đo đạc và bản đồ phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Có quyết định trúng thầu hoặc được chọn thầu của chủ đầu tư, trong đó có hoạt động đo đạc và bản đồ;
– Nhà thầu nước ngoài phải bảo đảm có lực lượng kỹ thuật, phương tiện, thiết bị, công nghệ đo đạc và bản đồ phù hợp với hồ sơ dự thầu đã trúng thầu hoặc hồ sơ được chọn thầu.
3. Thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ:
Để có thể thành lập công ty kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ thì tổ chức kinh doanh phải thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
3.1. Chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động đo đạc và bản đồ:
3.1.1. Hồ sơ đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ trong nước:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 27/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định số 136/2021/NĐ-CP thì tổ chức trong nước muốn đăng ký kinh doanh hoạt động đo đạc và bản đồ cần chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép hoạt động bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
– Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, đơn này được thực hiện theo Mẫu số 04 Phụ lục IA được ban hành kèm theo Nghị định số 27/2019/NĐ-CP;
– Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ đối với các tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
– Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính văn bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành về đo đạc và bản đồ, bản khai quá trình công tác của người phụ trách kỹ thuật theo Mẫu số 05 Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này hoặc chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ hạng I;
– Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính văn bằng, chứng chỉ chuyên môn về đo đạc và bản đồ kèm theo
– Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính hóa đơn hoặc giấy tờ chứng minh sở hữu phương tiện đo, thiết bị, chứng minh sở hữu hoặc quyền sử dụng phần mềm, công nghệ đo đạc và bản đồ; giấy kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo còn hiệu lực. Danh mục phương tiện đo, thiết bị, phần mềm phù hợp với nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ của tổ chức đề nghị cấp giấy phép theo Phụ lục IC ban hành kèm theo Nghị định này.
3.1.2. Hồ sơ đối với nhà thầu nước ngoài kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ:
Đối với nhà thầu nước ngoài kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ tại Việt Nam thì phải chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép hoạt động đo đạc và bản đồ theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định số 27/2019/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
– Đơn đề nghị hoặc tệp tin chứa đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ được thực hiện theo Mẫu số 11 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 27/2019/NĐ-CP;
– Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính quyết định trúng thầu (hoặc quyết định được chọn thầu) của chủ đầu tư, trong đó có nội dung về đo đạc và bản đồ thuộc danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép;
– Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính văn bằng, chứng chỉ chuyên môn về đo đạc và bản đồ, giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp
– Bản sao hoặc tệp tin chụp bản chính hóa đơn hoặc giấy tờ chứng minh sở hữu hoặc quyền sử dụng phương tiện đo, thiết bị, phần mềm, công nghệ đo đạc và bản đồ phù hợp với hồ sơ dự thầu đã trúng thầu hoặc hồ sơ được chọn thầu.
3.2. Nộp hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động đo đạc và bản đồ tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết:
Đối với tổ chức đề nghị cấp phép hoạt động đo đạc và bản đồ thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định thành lập; tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; tổ chức thuộc tổ chức trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có pháp nhân và hạch toán độc lập; tổ chức có pháp nhân và hạch toán độc lập trực thuộc tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; tổ chức thuộc cơ quan trung ương của tổ chức xã hội – nghề nghiệp và nhà thầu nước ngoài thì gửi hồ sơ xin cấp phép đến Cơ quan quản lý chuyên ngành về đo đạc và bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối với tổ chức đề nghị cấp phép không thuộc các trường hợp được nêu trên thì sẽ nộp hồ sơ tại Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương.
Hiện nay, tổ chức nộp hồ sơ có thể nộp hồ sơ theo hai cách, nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền hoặc nộp trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
3.3. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết hồ sơ yêu cầu:
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ của tổ chức gửi hồ sơ yêu cầu và có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đó. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa đúng theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm
Theo đó, việc thẩm định hồ sơ được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Nghị định số 27/2019/NĐ-CP. Nếu việc thẩm định hoàn tất và xác định tổ chức đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ thì cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động đo đạc và bản đồ cho tổ chức yêu cầu trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Biên bản thẩm định kèm theo hồ sơ yêu cầu.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018;
– Nghị định số 27/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 13/3/2019 Quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ;
– Nghị định số 136/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31/12/2021 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ.