Một số quy định về sổ hộ khẩu? Thủ tục cấp sổ hộ khẩu? Một nhà có 2 hộ khẩu được không? Tách hộ khẩu cùng nhà?
Ngày nay, hộ khẩu được xem là một phương pháp quản lý dân số hữu hiệu của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chủ yếu dựa vào hộ gia đình. Hộ khẩu là công cụ quan trọng và thủ tục hành chính giúp nhà nước quản lí việc di chuyển sinh sống của công dân Việt Nam. Bất cứ ai cũng đã từng nghe hoặc biết đến các cụm từ như nhân khẩu, sổ hộ khẩu, các thủ tục tách nhập khẩu… nhưng lại có rất ít các cá nhân hiểu về khái niệm và chức năng của những loại văn bản, giấy tờ pháp lý đó trong thực tế. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu các quy định của pháp luật về sổ hộ khẩu và một nhà có thể có hai hộ khẩu được không, thủ tục tách hộ khẩu cùng nhà có nội dung như thế nào?
Dịch vụ Luật sư
1. Một số quy định về sổ hộ khẩu:
1.1. Sổ hộ khẩu là gì?
Với việc đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cùng với đó là sự phát triển quá nhanh của các khu công nghiệp khiến cho số lượng người di cư đến nhiều nơi khác nhau để làm việc, sinh sống hay học tập, đặc biệt là số lượng dân cư tại các thành phố lớn, khu đô thị sầm uất ngày càng nhiều. Bởi vì những nguyên nhân đó mà trong gia đoạn hiện nay, Nhà nước ta rất cần một công cụ tối ưu để kiểm soát trật tự xã hội và quản lý tình hình kinh tế của cả nước. Trong hoàn cảnh đó, sổ hộ khẩu ra đời và có những ý nghĩa, vai trò quan trọng.
Theo quy định của pháp luật, ta nhận thấy: Sổ hộ khẩu sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập ra để cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.
Từ quy định nêu trên ta có thể hiểu sổ hộ khẩu là một hình thức quản lý nhân khẩu trong các hộ gia đình và nó còn có chức năng xác định nơi thường trú hợp pháp của mỗi công dân Việt Nam. Sổ hộ khẩu là một công cụ và thủ tục hành chính được lập ra nhằm mục đích giúp nhà nước thực hiện việc quản lí đối với sự di chuyển nơi sinh sống của công dân Việt Nam. Sổ hộ khẩu cũng là một trong những căn cứ để nhà nước phân định thẩm quyền xử lý các vấn đề pháp lý có liên quan trực tiếp tới các cá nhân.
1.2. Giá trị pháp lý của sổ hộ khẩu:
Theo Điều 18 Luật cư trú 2006 quy định nội dung sau đây:
“Công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú và được cấp sổ hộ khẩu.”
Chúng ta đều biết, sổ hộ khẩu là công cụ để Nhà nước quản lý nơi cư trú của công dân.
Ngoài ra, tại Điều 24 Luật cư trú 2006 đã làm rõ vai trò của Sổ hộ khẩu như sau:
Sổ hộ khẩu được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân. Những người đăng ký tạm trú chỉ được cấp sổ tạm trú thay vì Sổ hộ khẩu.
Sổ hộ khẩu được sử dụng để thể hiện nơi cư trú của cá nhân thường xuyên sinh sống. Trong một vài trường hợp nhất định, nếu không xác định được nơi ở thì sổ hộ khẩu chính là bằng chứng ghi nơi cư trú người đó đang sinh sống.
Sổ hộ khẩu còn được coi là một loại giấy tờ đặc biệt quan trọng để giúp các chủ thể thực hiện các giao dịch dân sự, ví dụ như việc thực hiện quyền chuyển nhượng, mua bán đất,…
Hơn nữa, sổ hộ khẩu là một giấy tờ chứng nhận, văn bản pháp lí trong trường hợp nhận thừa kế theo quy định của pháp luật. Sổ hộ khẩu còn đảm bảo thi hành án cho các trường hợp liên quan đến các quy định về sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, đăng kí thường trú, tạm trú, chuyển tách hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, xóa hay xác nhận đăng kí thường trú…
Ngoài ra, đối với các thủ tục hành chính liên quan đến giấy phép kinh doanh, đăng kí kết hôn, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, khai sinh, khai tử hay hồ sơ xin việc,… đều cần đến hộ khẩu làm giấy tờ chứng thực.
1.3. Thông tin sổ hộ khẩu:
Khi ghi các biểu mẫu, thông tin cần chính xác, rõ ràng, đầy đủ không bỏ sót.
Ngoài ra, các cột mục phải ghi theo đúng chú thích, thứ tự từng trang, cấm tẩy xóa hoặc tự ý bổ sung. Quy định về thông tin ghi biểu mẫu sổ hộ khẩu như sau:
– Đối với các thông tin cá nhân:
Họ tên của các chủ thể phải được ghi bằng chữ in đậm, có dấu.
Ngày tháng năm sinh theo dương lịch, đầy đủ hai chữ số cho ngày tháng và bốn chữ số cho năm sinh.
Cần phải ghi đầy đủ số chứng minh nhân dân, hộ chiếu.
Nơi sinh, nguyên quán, quốc tịch, dân tộc ghi theo giấy khai sinh.
Nghề nghiệp, nơi làm việc ghi rõ cơ quan, đơn vị kèm địa chỉ.
Địa chỉ cư trú ghi đầy đủ sổ nhà, tổ, phường, thôn xóm…
– Đối với
Trình độ học vấn ghi trình độ cao nhất.
Trình độ chuyên môn ghi rõ ngành đào tạo.
Trình độ ngoại ngữ ghi rõ văn bằng.
Tóm tắt về bản thân ghi đầy đủ các khoảng thời gian.
Tiền án, tiền sự ghi rõ tội danh, mức án, hình phạt.
– Đối với phiếu thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu:
Các cá nhân ghi rõ họ tên và quan hệ với chủ hộ.
Mục nội dung thay đổi nên ghi tóm tắt.
Ý kiến chủ hộ ghi rõ là đồng ý hay không, ký tên kèm ngày tháng năm.
Sau đó công an mới có quyền xác nhận.
1.4. Chức năng của sổ hộ khẩu:
Sổ hộ khẩu có chức năng xác định nơi cư trú:
Sổ hộ khẩu có nội dung thể hiện nơi cư trú của cá nhân thường xuyên sinh sống.
Trong một vài trường hợp nhất định, nếu không xác định được nơi ở thì sổ hộ khẩu chính là bằng chứng ghi nơi cư trú người đó đang sinh sống.
Sổ hộ khẩu có chức năng đối với quyền chuyển nhượng, mua bán và sở hữu đất:
Để thực hiện quyền chuyển nhượng, mua bán đất, sổ hộ khẩu là một trong những loại giấy tờ chứng nhận, văn bản pháp lí quan trọng trong trường hợp nhận thừa kế.
Sổ hộ khẩu còn đảm bảo thi hành án cho các trường hợp liên quan đến quyền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất…
Các thủ tục hành chính và giấy tờ:
Sổ hộ khẩu là một giấy tờ pháp lý, chính bởi vì vậy nó rất cần thiết trong quá trình thực hiện các thủ tục như đăng kí thường trú, tạm trú, chuyển tách hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, xóa hay xác nhận đăng kí thường trú…
Ngoài ra, các thủ tục hành chính liên quan giấy phép kinh doanh, đăng kí kết hôn, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, khai sinh, khai tử hay hồ sơ xin việc… đều cần đến hộ khẩu làm giấy tờ chứng thực.
2. Thủ tục cấp sổ hộ khẩu:
2.1. Chuẩn bị hồ sơ:
Để được cấp sổ hộ khẩu, các cá nhân phải chuẩn bị các loại giấy tờ, văn bản sau đây, bao gồm:
– Thứ nhất: Bản sao chứng thực của Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu.
– Thứ hai: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
– Thứ ba: Bản khai nhân khẩu.
– Thứ tư: Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Trong trường hợp cá nhân, hộ gia đình chuyển hộ khẩu từ địa phương khác nằm ngoài phạm vi xã, phường, thị trấn đó thì cần có giấy chuyển hộ khẩu do cơ quan Công an nơi cư trú trước đó cấp.
Đối với trường hợp sau khi tách khẩu có chỗ ở hợp pháp trong cùng địa xã, thị trấn thuộc huyện, đồng thời công dân có nhu cầu cấp sổ hộ khẩu thì cần thêm sổ hộ khẩu gia đình bản gốc.
2.2. Thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ:
– Đối với trường hợp đăng ký thường trú tại tại quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thẩm quyền thuộc về Công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
– Đối với các trường hợp đăng ký thường trú tại các xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh thẩm quyền đăng ký thường trú thuộc về Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh; đăng ký thường trú tại thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì thẩm quyền thuộc về Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
3. Một nhà có 2 hộ khẩu được không? Thủ tục tách hộ khẩu cùng nhà?
Theo quy định của pháp luật, sổ hộ khẩu là căn cứ xác định nơi thường trú của cá nhân, hộ gia đình đã đăng ký thường trú. Tại Khoản 1 Điều 27 Luật cư trú 2006 quy định về tách sổ hộ khẩu như sau:
1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:
a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;
b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.
2. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
Như vậy, trong trường hợp trên, bạn là người đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có nhu cầu tách sổ hộ khẩu và có cùng chỗ ở hợp pháp với gia đình của bạn (không thuộc trường hợp nhập vào sổ hộ khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 Luật cư trú 2006). Căn cứ theo Điểm a, Khoản 1 Điều luật trên, bạn có quyền tách sổ hộ khẩu mà không cần sự đồng ý của chủ hộ (trong trường hợp bạn không phải là chủ hộ).
– Chuẩn bị hồ sơ tách hộ khẩu bao gồm: Sổ hộ khẩu; Phiếu thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
– Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã; Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
– Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.