Thủ tục kết nạp hội viên hội cựu chiến binh. Các bước tiến hành buổi kết nạp hội viên hội cựu chiến binh? Quyền lợi của hội viên hội cựu chiến binh? Có được cấp thẻ bảo hiểm y tế không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi xin hỏi và đề nghị tư vấn như sau: Tôi là quân nhân chuyển ngành nay đã nghỉ chế độ tại Tổ dân phố thuộc Thị trấn Việt quang huyện Bắc quang, vào khoảng tháng 3 năm 2016 tôi đã làm đơn xin vào Hội ccb và được Hội CCB cấp trên có quyết định kết nạp tôi là hội viên sinh hoạt tại Tổ 2 thuộc Thị trấn, nhưng do điều kiện gia đình tôi có người thân chết tôi không thể có mặt vào buổi họp để công bố quyết định kết nạp được( tôi đã có báo cáo với người chi hội phó) đến nay tôi không được chấp nhận và yêu cầu tôi làm lại đơn xin vào hội để làm lại Quyết định mới để kết nạp tôi vào hội. Theo tôi nghĩ vẫn sử dụng Quyết định cũ để kết nạp cho tôi vào hội không cần phải thay đổi quyết định khác như vậy đúng hay sai. xin cảm ơn./.?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ vào Mục 2 Hướng dẫn số 17/HD-CCB, ngày 01 tháng 04 năm 2013 hướng dẫn thi hành Điều lệ Hội Cựu chiến binh Việt Nam của BCH T.Ư Hội quy định thủ tục xem xét kết nạp hội viên như sau:
“2. Thủ tục kết nạp hội viên:
– Thủ tục kết nạp hội viên cần ngắn gọn, nguyên tắc, đúng với tính chất quần chúng của Hội, song phải bảo đảm yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn và đúng thủ tục.
– Người xin vào Hội phải được nghiên cứu và tán thành Điều lệ Hội. Báo cáo với tổ chức Hội về lý lịch bản thân(chứng minh thuộc đối tượng được xem xét kết nạp) và có đơn xin vào Hội.
– Ban Chấp hành tổ chức cơ sở Hội (nơi không có Ban Chấp hành thì do hội nghị toàn thể hội viên) thảo luận, quyết định theo đa số. Những tổ chức cơ sở Hội có chi hội thì do chi hội đề nghị, tổ chức cơ sở Hội quyết định. Nơi có Phân hội thì Phân hội đề nghị, Chi hội xem xét, Ban Chấp hành tổ chức cơ sở Hội quyết định.
– Việc công bố, kết nạp hội viên trong một cuộc họp thường lệ của Chi hội hoặc tổ chức cơ sở hội, không công bố kết nạp ở Phân hội.”
Theo đó, sau khi có quyết định kết nạp hội viên thì cần công bố, kết nạp hội viên tại một cuộc họp thường lệ của Chi hội.
Luật sư
Các bước tiến hành buổi kết nạp hội viên như sau: Chào cờ (nếu hội trường có trang trí cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ); Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; Chi hội trưởng (Chủ tịch tổ chức cơ sở Hội nơi không có chi hội) đọc quyết định kết nạp hội viên của Ban Chấp hành tổ chức cơ sở Hội, trao quyết định kết nạp hội viên và gắn Huy hiệu Hội CCB cho hội viên mới; Hội viên mới nhận quyết định kết nạp hội viên và Huy hiệu Hội, phát biểu cảm tưởng; Đại diện Hội cấp trên phát biểu (nếu có); Kết thúc nội dung công bố kết nạp hội viên.
Như vậy, việc bạn không có mặt tại buổi công bố, kết nạp hội viên đồng nghĩa với chưa nhận quyết định kết nạp hội viên và chưa nhận huy hiệu hội cựu chiến binh. Do đó, Hội cựu chiến binh yêu cầu bạn làm lại đơn xin vào Hội là đúng theo quy định.
Mục lục bài viết
1. Quân nhân dự bị có được sinh hoạt trong hội cựu chiến binh không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi sinh năm 1965. Tôi cư ngụ tại xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Tôi là quân nhân dự bị hạng hai. Tôi muốn tham gia sinh hoạt với Hội Cựu chiến binh của xã có được không? Cám ơn Luật sư.
Luật sư tư vấn:
Theo Điều 2 Pháp lệnh số 27/2005/PL-UBTVQH11 ngày 07 tháng 10 năm 2005 quy định về Cựu chiến bình của Ủy ban thường vụ quốc hội và được hướng dẫn tại Điều 2 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP thì bác là quân nhân dự bị hạng hai thì sẽ không được tham gia sinh hoạt sinh hoạt với Hội cựu chiến binh của xã.
2. Đã xuất ngũ có được kết nạp vào hội cựu chiến binh không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi là Đỗ Danh Vệ sinh năm 1947 tôi nhập ngũ từ tháng 9 năm 1970 đến tháng 12 năm 1970. Nhưng do điều kiện sức khỏe và gia đình nên tôi được xuất ngũ về địa phương. Đến nay tôi đã được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần theo quyết định 142/2008 của chính phủ và hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Vậy tôi hỏi trường hợp của tôi có được tham gia kết nạp vào hội cựu chiến binh hay không. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Để được kết nạp vào hội cựu chiến binh, bạn chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định tại Điều 2, Pháp lệnh cựu chiến binh cựu chiến binh và Khoản 6, điều 2, Nghị định 150/2006/NĐ-CP trên chứ không dựa trên thời gian bạn đã tham gia nhập ngũ là bao lâu. Việc kết nạp hội viên do Ban Chấp hành tổ chức cơ sở Hội thảo luận và quyết định. Những tổ chức cơ sở có chia ra Chi hội, thì do Chi hội thảo luận xem xét, đề nghị Ban chấp hành cơ sở Hội quyết định. Nơi có Phân hội, thì Phân hội đề nghị, báo cáo lên Chi hội xem xét và Ban chấp hành cơ sở Hội quyết định.
Việc xác nhận hội cựu chiến binh được căn cứ vào hồ sơ khi bạn hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ, xuất ngũ, phục viên, nghỉ hưu tại địa phương,do cơ quan quân sự cấp xã phối hợp Hội Cựu chiến binh xã nhận, nếu hồ sơ bị thất lạc thì cơ quan quân sự cấp xã nơi trước đó bạn nhập ngũ phối hợp Hội Cựu chiến binh cùng cấp xem xét và lập danh sách yêu cầu Ủy ban nhân dân nơi bạn nhập ngũ xác nhận, việc xác nhận là Cựu chiến binh trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ và hồ sơ khi tiếp nhận Cựu chiến binh về cơ quan, tổ chức, đơn vị và do cơ quan, tổ chức, đơn vị đó xác nhận.
3. Hội viên Hội Cựu chiến binh có được cấp thẻ BHYT:
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi tên là Thiều Quang Lợi, sinh năm 1969, tham gia quân đội năm 1991 bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La. Tôi là quân nhân chuyên nghiệp. Đóng quân ở biên giới việt Lào, tôi đã được xuất ngũ năm 1998, được hưởng trợ cấp xuất ngũ một lần và chưa được cấp thẻ BHYT, hiện tôi đang tham gia trong hội cựu chiến binh của địa phương. Tôi nghe nói đối với cựu chiến binh thì sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh. Vậy bây giờ như tôi có đươc cấp thẻ BHYT để hưởng quyền lợi của cựu chiến binh không?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại khoản 6 Điều 1
“3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm:
a) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an;
b) Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước;
c) Người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước;
d) Người có công với cách mạng, cựu chiến binh;
…”
Theo quy định trên, đối tượng là cựu chiến binh sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế và sẽ do Ngân sách nhà nước chi trả. Tuy nhiên bạn phải xác định rõ có thuộc đối tượng là cựu chiến binh theo quy định tại Điều 2
Để được cấp thẻ bảo hiểm y tế, bạn tới Phòng lao động thương binh xã hội và nộp hồ sơ xin cấp thẻ bảo hiểm y tế gồm: tờ khai cá nhân và các giấy tờ liên quan đến đối tượng bạn là cựu chiến binh. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ thì cơ quan bảo hiểm sẽ có trách nhiệm cấp thẻ cho bạn.
4. Thời gian làm công tác Hội cựu chiến binh để tính trợ cấp:
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi làm phó chủ tịch Hội cựu chiến binh thị trấn từ năm 2001 đến tháng 10/2006 sau đó tôi được chuyển lên làm phó chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện với kết quả chuẩn y bầu nhiệm kỳ 2007-2012 ký ngày 05/10/2007 và làm tiếp nhiệm kỳ 2012-2017 thì thôi làm công tác Hội. Vậy tôi được hưởng trợ cấp thôi việc theo Nghị định 150/2006/NĐ-CP thời gian công tác tại thị trấn hay không, và cách tính trợ cấp thôi làm công tác hội như thế nào.?
Luật sư tư vấn:
– Thông tư liên tịch 10/2007/TTLT-BLĐTBXH-HCCBVN-BTC-BQP
Theo quy định tại hướng dẫn bởi Điểm 5 Mục II Thông tư liên tịch 10/2007/TTLT-BLĐTBXH-HCCBVN-BTC-BQP về chế độ trợ cấp khi thôi làm công tác Hội thì đối tượng hưởng trợ cấp khi thôi làm công tác Hội gồm:
“Cựu chiến binh thuộc diện đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp bệnh binh hàng tháng khi thôi làm công tác Hội được hưởng chế độ trợ cấp bao gồm:
– Chủ tịch, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam được Ban chấp hành bầu;
Cựu chiến binh được bổ nhiệm, tuyển dụng, điều động trong biên chế làm việc tại cơ quan Trung ương Hội Cựu chiến binh và các đơn vị trực thuộc cơ quan Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
– Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp tỉnh được Ban chấp hành bầu;
Cựu chiến binh được bổ nhiệm, tuyển dụng, điều động trong biên chế, làm việc tại cơ quan Hội Cựu chiến binh cấp tỉnh.
– Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp huyện được Ban chấp hành bầu;
Cựu chiến binh được bổ nhiệm, tuyển dụng, điều động trong biên chế làm việc tại cơ quan Hội Cựu chiến binh cấp huyện.
– Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã được Ban chấp hành bầu.”
Như vậy, theo quy định trên bạn từng làm phó chủ tịch Hội cựu chiến binh thị trấn từ năm 2001 đến tháng 10/2006 sau đó bạn được chuyển lên làm phó chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện bầu nhiệm kỳ 2007-2012 và làm tiếp nhiệm kỳ 2012-2017 hiện thôi công tác Hội. Trong trường hợp này, khi nghỉ công tác hội thì phó chủ tịch hội cựu chiến binh sẽ được hưởng chính hưởng chế độ trợ cấp khi thôi làm công tác Hội theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 157/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 150/2006/NĐ-CP như sau:
– Cựu chiến binh đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đảm nhiệm chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã; cựu chiến binh tham gia công tác tại cơ quan Hội Cựu chiến binh từ cấp huyện trở lên khi thôi làm công tác hội thì được hưởng chế độ, chính sách như sau:
+ Ở cấp xã: đối với Phó Chủ tịch cứ mỗi năm công tác được hưởng trợ cấp một lần bằng nửa (1/2) tháng phụ cấp hiện hưởng; thời gian công tác để tính trợ cấp được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
+ Ở cấp huyện trở lên: Cứ mỗi năm tham gia công tác hội được hưởng trợ cấp một lần bằng nửa (1/2) tháng lương hiện hưởng (gồm mức lương theo chức danh và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, nếu có); thời gian công tác để tính trợ cấp được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Luật sư tư vấn về chế độ khi phó chủ tịch Hội cựu chiến binh thôi công tác: 1900.6568
Bên cạnh đó, theo điểm 5 mục II của Thông tư liên tịch 10/2007/TTLT-BLĐTBXH-HCCBVN-BTC-BQP quy định cách tính trợ cấp khi thôi làm công tác hội như sau:
– Đối với người hưởng lương:
Trợ cấp được hưởng = | Lương + phụ cấp chức vụ hiện lĩnh hàng tháng (nếu có) tại cấp Hội công tác | x Số năm công tác |
2 |
– Thời gian làm công tác Hội để tính trợ cấp là tổng thời gian làm việc liên tục kể từ khi được bầu, bổ nhiệm, tuyển dụng, điều động đến khi có quyết định thôi làm công tác Hội.
– Lương và phụ cấp để tính chi trả trợ cấp khi thôi làm công tác Hội là mức lương và phụ cấp hiện lĩnh của tháng cuối cùng tại cấp Hội Cựu chiến binh nơi đang công tác trước khi nghỉ công tác Hội.
Bạn nêu bạn làm phó chủ tịch cựu chiến binh thị trấn từ năm 2001 đến tháng 10/2006 là 6 năm, sau đó chuyển sang làm phó chủ tịch cựu chiến binh cấp huyện từ năm 2007 đến năm 2017 (10 năm). Như vậy, thời gian làm công tác Hội để tính trợ cấp của bạn theo quy định nêu trên là 16 năm. Do đó, khi thôi làm công tác hội bạn được hưởng khoản trợ cấp bằng 8 lần tháng lương cuối cùng tại cấp Hội Cựu chiến binh nơi đang công tác trước khi nghỉ.