Tôi và hàng xóm hiện đang có tranh chấp về một phần đất ao và vườn. Chúng tôi đã hòa giải ở Ủy ban xã nhưng không thành. Vậy hiện giờ tôi phải làm gì để chấm dứt vấn đề tranh chấp này?
Tóm tắt câu hỏi:
Nhà mình và nhà bác bên cạnh có một cái ao và vườn được nhà nước chia cho bộ đội có công từ năm 1993 và đã có trong diện tích sổ đỏ và đóng thuế từ đó đến giờ. Tuy nhiên, khi ông bà cụ mất thì mấy anh em nhà đó bàn bạc nhượng đất cho ông em út và đã sang xã làm lại sổ đỏ. Vấn đề khúc mắc là xã lại vẽ trên bản đồ nhà anh kia sang hết mảnh đất vườn và ao nhà mình. Nay người con út bên gia đình đó cứ sang tranh chấp đất với nhà mình. Việc này đã ra ủy ban xã hòa giải rất nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa. Vậy gia đình mình phải làm gì? Gia đình mình có đòi được phần đất kia không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Trong trường hợp của bạn, phần đất gia đình bạn đang ở đã được chia từ năm 1993 và đã được cấp sổ đỏ, nhưng hiện nay lại đang xảy ra tranh chấp với phần đất vườn và ao đã được xác định trong sổ đỏ của gia đình bạn. Nếu sau khi xảy ra tranh chấp, hai bên không tự hòa giải được cũng như hòa giải không thành tại Ủy ban nhân dân xã, thì gia đình bạn có thể giải quyết việc tranh chấp này theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013. Cụ thể:
“Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trường hợp phần đất của gia đình bạn được Nhà nước chia, đã sử dụng ổn định từ năm 1993 và có sổ đỏ đã thỏa mãn các điều kiện về các giấy tờ cần thiết quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013, thì bạn có thể đòi lại phần đất của gia đình mình thông qua việc khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011.
*Hồ sơ khởi kiện tại Tòa án bao gồm:
-Đơn khởi kiện (theo mẫu);
-Các tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp (ví dụ: giấy tờ liên quan đến nguồn gốc đất đai, chứng cứ liên quan đến việc khởi kiện,…);
-Chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu gia đình (có công chứng và chứng thực), nếu người khởi kiện là cá nhân;
-Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao).
*Số lượng hồ sơ: 01 bộ
*Cách thức nộp hồ sơ: nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc qua đường bưu điện.
*Thẩm quyền xét xử: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi xảy ra tranh chấp.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
Chuyên viên tư vấn: Nguyễn Thị Kim Dung