Để có thể giải quyết các vụ việc dân sự một cách nhanh chóng và đúng pháp luật thì hoạt động cung cấp chứng cứ chứng minh trong tố tụng dân sự đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vậy pháp luật hiện nay quy định như thế nào về vấn đề: Thủ tục cung cấp chứng cứ chứng minh trong tố tụng dân sự?
Mục lục bài viết
1. Thủ tục cung cấp chứng cứ chứng minh trong tố tụng dân sự:
1.1. Khái quát về chế định cung cấp chứng cứ của đương sự trong tố tụng dân sự:
Trong pháp luật tố tụng dân sự, cung cấp chứng cứ và chứng minh của đương sự là một nguyên tắc cơ bản để cao được sự bình đẳng và nâng cao trách nhiệm của mỗi công dân khi tham gia vào việc giải quyết các tranh chấp dân sự, giúp cho người dân tự có ý thức, trách nhiệm tự bảo vệ và thực hiện một cách có hiệu quả nhất để tự bảo vệ các quyền lợi ích hợp pháp của mình. Việc cung cấp chứng cứ và chứng minh là quyền và cũng là nghĩa vụ của đương sự. Đương sự có quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, phải thu thập, cung cấp và giao nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa án để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Nếu đương sự không cung cấp được tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và tòa án không thể thu thập chứng cứ để xác định yêu cầu của đương sự là có căn cứ, thì tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu của đương sự. Đồng thời, đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện ý kiến bằng văn bản và cũng có nghĩa vụ thu thập và giao nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa án để chứng minh cho sự phản đối đó là có cơ sở. Như vậy hoạt động cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình trước tiên và chủ yếu là của đương sự.
Tuy nhiên, khi tham gia tố tụng dân sự thì các đương sự đều xuất phát từ góc nhìn quan điểm cá nhân với mục đích bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình, do đó chứng cứ mà các bên đương sự cung cấp thường mang tính chủ quan. Vì vậy tòa án với vị trí là người đứng giữa phân xử vụ việc đó cần có cái nhìn khách quan và toàn diện để sử dụng được các chứng cứ mà đương sự cung cấp cho quá trình giải quyết vụ án một cách khách quan và hữu hiệu nhất. Mặt khác trên thực tế vẫn xảy ra việc các chủ thể thiếu thiện chí và cố tình không cung cấp tài liệu chứng cứ là mình đang lưu giữ khiến cho đương sự không thể tự thu thập chứng cứ. Việc không thu thập được chứng cứ một cách đầy đủ và kịp thời gây ảnh hưởng đến việc thực hiện quy trình tố tụng nói chung. Do đó đương sự có quyền yêu cầu tòa án hỗ trợ trong việc thu thập chứng cứ. Ngoài ra, tòa án chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do pháp luật tố tụng dân sự quy định. Về nguyên tắc, để đương sự thực hiện được nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, Viện kiểm sát thực hiện được quyền kháng nghị, kiến nghị và tòa án có chứng cứ để giải quyết vụ việc dân sự thì các chủ thể lưu giữ chứng cứ phải cung cấp cho đương sự, Viện kiểm sát hoặc tòa án theo yêu cầu của họ. Trường hợp không cung cấp được thì phải nêu rõ lý do, nếu cố tình không cung cấp thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Từ những phân tích trên thì có thể đưa ra khái niệm về, cung cấp chứng cứ chứng minh trong quá trình tố tụng dân sự như sau: Cung cấp chứng cứ chứng minh của đương sự trong tủ tục dân sự là hoạt động đúng sự chuyển cho tòa án, viện kiểm sát các tài liệu và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
1.2. Thủ tục cung cấp chứng cứ chứng minh trong tố tụng dân sự:
Bước 1: Khi khởi kiện thì người khởi kiện phải chuẩn bị đầy đủ các tài liệu chứng cứ để gửi và cung cấp cho Tòa án, nhằm mục đích chứng minh cho quyền lợi của mình. Trong trường hợp vì lý do khách quan, mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu chứng minh kèm theo đơn khởi kiện, thì họ phải nộp tài liệu và chứng cứ hiện có, để chứng minh quyền lợi hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm, và Tòa án sẽ thụ lý vụ án, sau đó người khởi kiện có thể nộp bổ sung hoặc có thể cung cấp thêm các tài liệu và chứng cứ khác kèm theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết.
Bước 2: Sau khi có thêm các bằng chứng chứng cứ mới, thì người khởi kiện có thể nộp bổ sung theo quy định của pháp luật. Đương sự có thể gửi tài liệu chứng cứ đến Tòa án qua Cổng thông tin điện tử. Sau khi nhận tài liệu chứng cứ thì Tòa án sẽ phải lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ họ tên và hình thức, nội dung và các đặc điểm của tài liệu chứng cứ, số bản, số trang của chứng cứ, thời gian nhận, chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của Tòa án … Biên bản đó phải được lập thành hai bản, và mỗi bên giữ một bản. Đương sự có thể giao nộp cho tòa án các tài liệu chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số hoặc tiếng nước ngoài, tuy nhiên phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt Nam được công chứng hoặc chứng thực hợp pháp. Thời hạn giao nộp tài liệu và chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định, tuy nhiên không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm.
Bước 3: Nếu như đã yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ nhưng đương sự không giao nộp, hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng, thì Tòa án sẽ căn cứ vào tài liệu chứng cứ mà đương sự đã giao nộp để giải quyết vụ việc.
Bước 4: Sau khi Tòa án thụ lý thì sẽ tiến hành thông báo cho các chủ thể có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bằng văn bản về việc thụ lý vụ án. Trong thời hạn 15 ngày được tính kể từ ngày nhận được thông báo, các chủ thể có liên quan phải nộp cho tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, và tài liệu chứng cứ kèm theo (nếu có yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập). Trường hợp cần gia hạn, thì bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải có đơn đề nghị gia hạn gửi cho Tòa án (nêu rõ lý do), nếu việc đề nghị gia hạn là có căn cứ thì Tòa án phải gia hạn không quá 15 ngày.
Bước 5: Mở phiên tòa sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Tại phiên tòa sơ thẩm thì đương sự vẫn có quyền cung cấp và giao nộp chứng cứ. Đương sự có thể cung cấp và giao nộp tài liệu chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự chưa giao nộp (trong đó có lý do chính đáng), và đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu đó. Ngoài ra thì đương sự có thể cung cấp và giao nộp tài liệu chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc trước đó. Đồng thời khi đương sự cung cấp tài liệu chứng cứ tại phiên tòa, thì Hội đồng xét xử cần phải chú ý phân biệt xem đó có phải là chứng cứ mới hay không. Quy định này nhằm đảm bảo mọi sự thật khách quan của vụ án sẽ luôn được tìm ra.
2. Quy định về sự hỗ trợ của tòa án đối với việc thu thập chứng cứ chứng minh trong tố tụng dân sự:
Thu thập chứng cứ vào việc phát hiện tìm ra các chứng cứ và tập hợp đưa vào đầu vụ việc dân sự để nghiên cứu và sử dụng giải quyết vụ án dân sự. Mặc dù thu thập và cung cấp chứng cứ là quyền và nghĩa vụ của đương sự, tòa án không chịu trách nhiệm về việc phải thu thập chứng cứ. Tuy nhiên tùy thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội và truyền thống pháp luật, các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam vẫn quy định tòa án có thể hỗ trợ được sự đối với việc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong những trường hợp nhất định. Căn cứ theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định: trong một số trường hợp do pháp luật quy định thì tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu chứng cứ, cụ thể như sau:
– Lấy lời khai của đương sự và lấy lời khai của người làm chứng;
– Đối chất giữa các đương sự với nhau và đối chất giữa đương sự với người làm chứng;
– Tiến hành thủ tục trưng cầu giám định hoặc định giá tài sản theo quy định của pháp luật;
– Tiến hành hoạt động xem xét và thẩm định tại chỗ hoặc ủy thác thu thập và xác minh tài liệu chứng cứ;
– Yêu cầu các cơ quan tổ chức và các cá nhân cung cấp tài liệu chứng cứ liên quan đến việc giải quyết vụ án dân sự; xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú;
– Hoặc các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
Để xác định được đương sự có thực sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ hay không thì khi nhận được yêu cầu của đương sự, thẩm phán phải yêu cầu đương sự trình bày rõ việc đương sự tự thu thập chứng cứ ra sao, lý do tại sao không thể tự mình thu thập được chứng cứ và những biện pháp mà đương sự đã áp dụng đến nay không có kết quả. Trên cơ sở đó thì thẩm phán sẽ xem xét để chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của đương sự. Do đó về nguyên tắc, nếu có cơ sở kết luận được sự chưa tự mình chủ động thu thập chứng cứ, chưa áp dụng khả năng có thể có để thu thập chứng cứ thì thẩm phán không chấp nhận yêu cầu của đương sự. Tuy nhiên do pháp luật không quy định cụ thể thế nào là đương sự “không thể tự mình thu thập được chứng cứ” nên việc xác định trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Việc đương sự yêu cầu tòa án tiến hành một hoặc một số biện pháp để thu thập chứng cứ phải được thể hiện trong bản đương sự tự khai, có thể trong biên bản và án ghi lời khai hoặc biên bản đối chất … và cũng có thể được thể hiện bằng văn bản của hình thức đơn yêu cầu.
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp chứng cứ chứng minh trong tố tụng dân sự:
Thứ nhất, trình độ hiểu biết pháp luật của đương sự. Xuất phát từ quan hệ riêng tư, các tranh chấp, yêu cầu của các bên đương sự trong quan hệ pháp luật tố tụng dân sự sẽ được các bên trực tiếp tự giải quyết và tự quyết định là chủ yếu. Theo đó trên cơ sở tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự, tòa án chỉ tham gia với tư cách là người trọng tài phân xử. Chính vì vậy sự hiểu biết pháp luật của mỗi cá nhân, tổ chức sẽ ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.
Thứ hai, sự tham gia của luật sư và các tổ chức trọng giúp pháp lý trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Khi tham gia vào các giao dịch dân sự và giải quyết các vụ việc dân sự tại tòa án, trình độ văn hóa và hiểu biết pháp luật cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật sẽ ảnh hưởng đến mỗi cá nhân. Họ thường bị hạn chế nên khó có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình một cách đầy đủ và toàn diện. Trong khi đó luật sư lại là những người am hiểu và có kinh nghiệm trong hoạt động pháp luật vì thế hoàn toàn có thể hỗ trợ họ về mặt pháp lý. Để hoạt động thu thập và cung cấp chứng cứ chứng minh được thực hiện có hiệu quả trên thực tế thì cần tăng cường sự tham gia của luật sư trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.
Thứ ba, trách nhiệm của tòa án trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ. Tòa án có vị trí rất quan trọng trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, là chủ thể đưa ra quyết định phân xử ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự. Tùy theo truyền thống tố tụng và điều kiện kinh tế xã hội cũng như trình độ hiểu biết pháp luật của mỗi người dân mà mỗi nhà nước đều có cơ chế hỗ trợ đương sự trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh khác nhau. Ở nước ta thì để giải quyết vụ việc một cách khách quan và đúng quy định, tòa án phải thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc thu thập, xem xét và đánh giá chứng cứ.
Thứ tư, trách nhiệm của các chủ thể lưu giữ và quản lý chứng cứ. Những chứng cứ của một vụ việc dân sự có thể nằm trong sự lưu giữ và quản lý của các chủ thể khác. Trong khi đó thì để giải quyết vụ việc dân sự cần phải có rất nhiều chứng cứ liên quan để xem xét và đánh giá trên mọi khía cạnh. Vì vậy để thực hiện tốt hoạt động và cung cấp chứng cứ chứng minh chỉ cần phải có sự hợp tác tích cực từ những chủ thể này.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.